Tôi nhận thấy câu hỏi rất thiết thực không chỉ cho các bạn nhân viên y tế tuyến xã phường, vì thế nên bằng kiến thức qua các khuyến cáo cũng như kinh nghiệm của mình, tôi xin chia sẻ như sau:
Trước tiên cần nắm rõ các khái niệm, hiện nay không dùng từ tăng huyết áp ác tính nữa mà là cụm từ CƠN TĂNG HUYẾT ÁP.
Cơn tăng huyết áp được định nghĩa là khi huyết áp tăng lên nhanh chóng, nặng và nghiêm trọng (huyết áp tâm thu (HATT) > 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (HATTr) > 120 mmHg).
Trong khái niệm cơn tăng huyết áp sẽ có 2 thể lâm sàng: tăng huyết áp cấp cứu và tăng huyết áp khẩn cấp.
Tăng huyết áp cấp cứu
Tăng huyết áp cấp cứu là hiện tượng huyết áp tăng cao nghiêm trọng (HATT > 180 mmHg và/hoặc HATTr > 120 mmHg), có kèm theo tổn thương cơ quan đích mới xuất hiện, tiến triển hoặc nặng hơn. Các tổn thương cơ quan đích thường gặp là: xuất huyết nội sọ, xuất huyết dưới nhện, bệnh não tăng huyết áp, đột quỵ thiếu máu não, nhồi máu não, nhồi máu cơ tim cấp, suy thất trái cấp tính kèm phù phổi, đau ngực không ổn định, phình bóc tách động mạch chủ, suy thận cấp, viêm cầu thận cấp, sản giật, bệnh võng mạc ác tính…
Khi gặp phải tình trạng này, bệnh nhân cần nhập khoa cấp cứu và điều trị bằng thuốc hạ áp đường tĩnh mạch. Đây là trường hợp cấp cứu nặng nếu bạn gặp ở tuyến xã phường không có phương tiện chẩn đoán, cần bất động bệnh nhân, vận chuyển càng sớm càng tốt lên tuyến Huyện, Tỉnh... Nếu có thể cho thở oxy và mắc monitoring theo dõi, đặt sẵn ven truyền trên đường đi.
Không nên dùng thuốc hạ áp uống vì bất cứ thuốc nào mà chưa rõ chẩn đoán đều có thể gây hại cho người bệnh.
Vấn đề quan trọng nhất để nhận ra các cơ quan đích bị tổn thương đòi hỏi kinh nghiệm lâm sàng nhạy bén khi trong tay không hề có các phương tiện hiện đại.
Lời khuyên của tôi là nếu bệnh nhân xuất hiện đột ngột cơn tăng huyết áp cùng các triệu chứng khác thường như đau ngực, khó thở, yếu liệt, giảm ý thức...luôn nghĩ đến sự nguy hiểm của tổn thương cơ quan đích, đến tính mạng để cảnh giác cao độ!
Tăng huyết áp khẩn cấp
Thông thường các bạn ở tuyến xã, phường sẽ gặp tình huống cơn tăng huyết áp khẩn cấp.
Tăng huyết áp khẩn cấp là các cơn tăng huyết áp với huyết áp tâm thu và/ hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn 180/120 nhưng không tổn thương cơ quan đích.
Tăng huyết áp khẩn cấp thường trên một người đã có tiền sử bị huyết áp cao (khoảng 1-2% người tăng huyết áp mạn sẽ có cơn khẩn cấp trong đời). Hay xảy ra do các yếu tố thuận lợi như lo lắng, hốt hoảng, đau, sau phẫu thuật, thủ thuật. Do ngưng thuốc điều trị huyết áp đột ngột hoặc không tuân thủ điều trị hoặc ngược lại có thể có một số loại thuốc gây cơn tăng huyết áp... Đây hoàn toàn là nhóm bệnh có thể điều trị tại trạm y tế xã phường và cho về nhà khi huyết áp đã hạ xuống chỉ số an toàn.
Phương pháp điều trị tăng huyết áp khẩn cấp phổ biến là dùng thuốc uống và hạ huyết áp từ từ trong 24 – 48 giờ. Sở dĩ phải hạ huyết áp từ từ vì hiện không có bằng chứng về lợi ích trong việc hạ nhanh huyết áp ở những bệnh nhân không có dấu hiệu tổn thương cơ quan đích. Ngược lại, việc hạ huyết áp quá nhanh, đột ngột còn làm giảm tưới máu, từ đó gây tổn thương cơ quan đích, chẳng hạn như thiếu máu não hoặc thiếu máu cục bộ cơ tim.
Trong thực hành lâm sàng, việc dùng thuốc Adalate (Nifedipine) nhỏ dưới lưỡi để hạ áp trong tăng huyết áp khẩn cấp đã không còn được khuyến cáo. Nguyên nhân là do thuốc gây hạ huyết áp nhanh, nghiêm trọng, có thể là căn nguyên khởi phát các biến cố thiếu máu não, thiếu máu cơ tim.
Tôi có thêm 3 kinh nghiệm để chia sẻ với các bạn trong xử trí TĂNG HUYÊT ÁP KHẨN CẤP
- Thứ nhất, nên xác định nguyên nhân để giải quyết "gốc rễ". Nếu do lo lắng hồi hộp cần trấn an và xử trí như hội chứng áo choàng trắng do đau cần giảm đau, an thần, do quên thuốc nhắc uống lại đầy đủ, do dùng thuốc tránh thai thì ngừng lại và theo dõi tiếp....
- Thứ hai, kiểm tra thuốc bệnh nhân đang sử dụng nếu đã dùng quen nhiều năm một loại, chúng ta có thể tăng thêm 1/2 liều. Đây là cách đơn giản nhất tôi hay xử lý các cuộc gọi vì các cơn tăng huyết áp khẩn cấp. Nên phối hợp với thuốc an thần chống lo âu nếu xuất hiện cơn về đêm.
- Cuối cùng nếu 2 cách trên không hiệu quả chúng ta có thể dùng thêm thuốc nhưng tuyệt đối không chọn loại hạ huyết áp quá nhanh. Tôi thường sử dụng ức chế men chuyển thế hệ đầu tiên (captopril). Ngoài ra, có thể dùng lợi tiểu là thuốc ít tác dụng phụ hơn các loại hạ áp khác. Clonidine hiệu quả nhưng chưa phổ biến dùng ở Việt Nam".
Nếu hết cách mà huyết áp không suy chuyển đừng cố giữ tại nhà hay tuyến xã phường vì có thể người bệnh đã bị chuyển giai đoạn thành tăng huyết áp cấp cứu. Chúng ta nhiều khi vô ý đã đánh mất thời gian vàng để cứu lại một tạng quan trọng của cơ thể.