Hà Nội

Dịch COVID-19: Chuyên gia Bệnh viện K ở Hà Nội hội chẩn ca bệnh khó từ xa cùng đồng nghiệp tuyến dưới

10-12-2021 06:51 | Y tế

SKĐS - 4 ca bệnh ung thư khó đã được các chuyên gia Bệnh viện K ở Hà Nội cùng đồng nghiệp tuyến dưới bàn thảo, hội chẩn từ xa để đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh. Đây là một trong những hoạt động của "thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" tại Bệnh viện K

Trao đổi, hội chẩn ca bệnh khó từ xa để đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh 

Để "thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", thời gian qua, Bệnh viện K đã triển khai nhiều giải pháp nhằm rút ngắn khoảng cách chuyên môn giữa tuyến trên với tuyến dưới bằng nhiều hình thức như telemedicine, qua điện thoại, zalo, viber…; 

Đối với những ca bệnh khó cần ý kiến chuyên môn của các chuyên gia Bệnh viện K, qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa được ứng dụng, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ... chuyên gia đầu ngành ngồi ở Hà Nội có thể nhìn rõ nét các hình ảnh chiếu chụp lâm sàng, kết quả xét nghiệm để cùng thảo luận đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Dịch COVID-19: Chuyên gia Bệnh viện K ở Hà Nội hội chẩn ca bệnh khó từ xa cùng đồng nghiệp tuyến dưới  - Ảnh 1.

Một buổi hội chẩn, trao đổi chuyên môn của các chuyên gia Bệnh viện K với tuyến dưới

Trong cuộc hội chẩn trực tuyến được thực hiện trước đó, các chuyên gia của Bệnh viện K hội chẩn 4 ca bệnh khó, gồm một bệnh nhân chẩn đoán ung thư vòm/ung thư vú tái phát tại BVĐK Lào Cai; 2 bệnh nhân tại BVĐK Bắc Kạn; một bệnh nhân chẩn đoán ung thư đại tràng đang điều trị tại BV Ung bướu Bắc Giang. Thông tin tình trạng diễn tiến bệnh của các trường hợp này được các bệnh viện cung cấp, các chuyên gia Bệnh viện K cùng hội chẩn kỹ với các bệnh viện tuyến dưới để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Với trường hợp mắc 2 loại bệnh ung thư tại BVĐK Lào Cai, bệnh nhân vào viện vì đau đầu, ù tai, tê bì nửa mặt phải… Trước đó, tháng 12/2018 bệnh nhân được điều trị hóa chất, phẫu thuật ung thư vú phải tại Bệnh viện K.

Tại BV Đa khoa Lào Cai, bệnh nhân được khám vú đã cắt không sờ thấy u, vú trái không u, nhiều hạch cổ, lớn 1,5cm.

Đánh giá ca bệnh này, PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K nghĩ nhiều đến ung thư vòm, do bệnh nhân có các biểu hiện lâm sàng rõ ràng, từ ù tai, ngạt mũi. Mô bệnh học, hạch cổ góc hàm… đều là những triệu chứng của ung thư vòm.

Đáng nói, bệnh nhân có xuất hiện nốt trên phổi. Vì thế, theo PGS.TS Lê Văn Quảng, phải xác định được phổi nguyên phát hay thứ phát vì liên quan đến phác đồ điều trị. Nếu là thứ phát của vòm sẽ không thể hóa xạ đồng thời, trong khi nếu liên quan ung thư vú thì có thể.

PGS.TS Bùi Văn Giang - Giám đốc Trung tâm chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện K) đánh giá nốt ở phổi là mới, khá to, khó có khả năng là nguyên phát vì khối u phải có quá trình tiến triển. Chuyên gia này nghĩ nhiều đến tổn thương phổi do di căn, nhưng di căn vú hay vòm?

Dịch COVID-19: Chuyên gia Bệnh viện K ở Hà Nội hội chẩn ca bệnh khó từ xa cùng đồng nghiệp tuyến dưới  - Ảnh 2.

Hình ảnh được chia sẻ để các chuyên gia đánh giá, nhận định về khối u của người bệnh.

Sau khi thảo luận, các bác sĩ kết luận cần sinh thiết kim để tìm cho được những nốt ở phổi là thứ phát hay di căn, nếu di căn của ung thư vú hoặc vòm, vì liên quan trực tiếp đến chỉ định phương pháp điều trị cho bệnh nhân. Việc hội chẩn trực tuyến các ca bệnh khó như trên được thực hiện thường quy tại bệnh viện K.

Cập nhật các phương pháp chẩn đoán, điều trị ung thư mới nhất, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới

Giám đốc Bệnh viện K đánh giá, trong thời điểm tình hình dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp, nền tảng hỗ trợ tư vấn Hội chẩn trực tuyến khám, chữa bệnh từ xa là giải pháp hiệu quả giúp người bệnh được tư vấn, chẩn đoán, hỗ trợ quá trình điều trị bệnh mà không cần trực tiếp đến bệnh viện để thăm khám, góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng, giúp người bệnh được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương, tiết kiệm rất nhiều chi phí trong quá trình điều trị.

Không chỉ thực hiện hội chẩn các ca bệnh khó, Bệnh viện K còn dùng nền tảng này để cập nhật các phương pháp chẩn đoán, điều trị ung thư mới nhất, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới, thực hiện truyền hình trực tuyến ca phẫu thuật từ phòng mổ do các chuyên gia đầu ngành thực hiện để các bác sĩ có thể học hỏi chuyên môn.

Giám đốc Bệnh viện K cũng cho biết thêm, với vai trò là bệnh viện chuyên khoa ung bướu tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật, trên tinh thần trách nhiệm hướng đến mục tiêu kiểm soát ung thư, theo đó, tất cả các chuyên ngành của Bệnh viện K đều sẽ tiến hành khám chữa bệnh, hội chẩn từ xa cho các cơ sở y tế tuyến dưới theo từng chủ đề cụ thể. Mỗi ê kíp chuyên gia sẽ gồm ít nhất 5 chuyên ngành từ điểm cầu Bệnh viện K tham gia khám chữa bệnh, hội chẩn cho tuyến dưới.

Dịch COVID-19: Chuyên gia Bệnh viện K ở Hà Nội hội chẩn ca bệnh khó từ xa cùng đồng nghiệp tuyến dưới  - Ảnh 3.

Thông tin về bệnh ung thư vú được chia sẻ tại chương trình

Đồng thời, Bệnh viện K cũng tổ chức thường quy các chương trình tư vấn trực tuyến hàng tuần qua kênh youtube, fanpage của bệnh viện cho người bệnh, người nhà người bệnh, người dân về các phương pháp điều trị, dự phòng, khám tầm soát các bệnh ung thư đã thu hút hàng triệu người dân theo dõi.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 có xu hướng giảm, Bộ Y tế tiếp tục nhắc các địa phương đẩy nhanh tiến độ Tiêm vaccine phòng COVID-19 có xu hướng giảm, Bộ Y tế tiếp tục nhắc các địa phương đẩy nhanh tiến độ

SKĐS - Theo ghi nhận của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế những ngày gần đây tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 của cả nước có xu hướng giảm nhiều, tỷ lệ sử dụng vaccine/số vaccine phân bổ của nhiều địa phương còn thấp.

Thái Bình
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn