Vượt lên sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, chuyên gia đầu ngành sát cánh cùng tuyến dưới và người bệnh
Tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư mỗi năm. Các ung thư phổ biến ở nam giới gồm ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, tiền liệt tuyến là những ung thư phổ biến nhất (chiếm khoảng 65.8% tổng các loại ung thư).
Ở nữ giới, các bệnh ung thư phổ biến gồm ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan (chiếm khoảng 59.4% tổng các loại ung thư). Chung cho cả 2 giới các loại ung thư phổ biến là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng.
Tại Bệnh viện K, mỗi năm tiếp nhận hàng trăm nghìn người dân đến thăm khám tầm soát, điều trị bệnh. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, công tác khám chữa bệnh cho người bệnh ít nhiều bị ảnh hưởng, có những bệnh nhân ở "vùng đỏ", vùng phong toả, cách ly, hoặc là F1... không thể tái khám, hay bệnh nhân đã được chẩn đoán ung thư trước đó nhưng gián đoạn điều trị. Rồi việc cập nhật những thông tin mới về bệnh học, các phương pháp điều trị cũng bị ảnh hưởng do COVID-19...
Trước thực tế này, thời gian qua, Bệnh viện K thực hiện nhiều chương trình "Tâm điểm ung thư" theo hình thức trực tuyến để phục vụ công tác hỗ trợ đào tạo cho tuyến dưới giúp các đồng nghiệp được tiếp cận các kiến thức về ung thư mới nhất, đồng thời hỗ trợ tư vấn, điều trị từ xa nhiều ca bệnh.
Cùng đó, người bệnh cũng được hưởng lợi từ chương trình, khi họ được tương tác với các chuyên gia đầu ngành giải đáp cụ thể những thắc mắc, băn khoăn về căn bệnh ung thư, tình trạng ung thư mình đang mắc phải.
Bệnh viện K đã thường xuyên gắn kết với việc tư vấn khám, chữa bệnh từ xa với các bác sỹ tuyến dưới bằng nhiều hình thức như telemedicine, qua điện thoại, zalo, viber…, tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến hàng tuần qua kênh youtube, fanpage của bệnh viện cho người bệnh, người nhà người bệnh, người dân về các phương pháp điều trị, dự phòng, khám tầm soát các bệnh ung thư đã thu hút hàng triệu người dân theo dõi. Các kiến thức đều được cập nhật mới nhất từ các hội nghị, tổ chức ung thư học hàng đầu thế giới.
TS.BS Đỗ Anh Tú, Phó Giám đốc Bệnh viện K mới đây khi xuất hiện trong chương trình "Cập nhật điều trị mới các dòng đột biến không thường gặp ung thư phổi không tế bào nhỏ" đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ học viên là bác sĩ, bác sĩ nội trú và người bệnh.
"Không chỉ là bài giảng về kiến thức, bác sĩ tuyến cơ sở có những ca bệnh khó cũng kết nối trực tuyến với các bác sĩ Bệnh viện K để cùng trao đổi, tháo gỡ, ứng dụng các phương pháp điều trị mới, hướng tới sự hài lòng, an toàn của người bệnh"- TS Đỗ Anh Tú nói.
Hay như trong chương trình về "Bệnh ung bướu ở trẻ em, ung thư vú ở phụ nữ", rất nhiều bạn đọc đã tương tác, được bác sĩ trực tiếp trả lời, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc về tình trạng bệnh lý.
Các bác sĩ cho biết, ngày nay, với sự tiến bộ của y học, ung thư không còn là cửa tử. Ung thư có thể phát hiện sớm thông qua khám sức khỏe, tầm soát định kỳ. Khi được phát hiện sớm, tiên lượng điều trị rất tốt, người bệnh có sức khỏe, cuộc sống như người bình thường, thậm chí kết hôn, sinh con. Ngay cả ở giai đoạn muộn hơn, các phương pháp điều trị cũng cải thiện triệu chứng tốt, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người bệnh.
Rút ngắn mọi khoảng cách về cả không gian và thời gian trong đào tạo, khám chữa bệnh
Theo PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, điều trị ung thư là đa mô thức, gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị sinh học, điều trị miễn dịch… Các kiến thức bệnh học, chẩn đoán, điều trị ngành ung thư luôn được cập nhật để mang tới chất lượng điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Vì thế, mục tiêu của Bệnh viện K là vượt lên sự ảnh hưởng của dịch bệnh, cập nhật những bài giảng trực tuyến, với những kiến thức mới nhất cho các bác sĩ, học viên, để mang đến hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Lãnh đạo Bệnh viện K cũng cho hay, việc triển khai tư vấn, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho các nhân viên y tế tuyến dưới, tư vấn cho người bệnh chăm sóc sức khỏe khi chưa thể đến bệnh viện là một trong những giải pháp quan trọng góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, và có nhiều lợi ích cho người bệnh và các cơ sở y tế nhằm góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả khám chữa bệnh của các bệnh viện tuyến dưới; hạn chế người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh nếu không cần thiết.
Đồng thời việc này cũng góp phần tăng cường công tác khám chữa bệnh ở tuyến dưới, không chuyển người bệnh lên tuyến trên trong trường hợp bệnh tuyến dưới điều trị được.
"Theo đó, người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại chính địa phương của mình, góp phần giảm bớt chi phí điều trị, giảm gánh nặng bệnh tật, tạo lòng tin và an tâm điều trị cho người bệnh"- PGS.TS Lê Văn Quảng nói.