1. Chế độ ăn lành mạnh giúp giảm nguy cơ tử vong sớm
Những người ăn chế độ ăn lành mạnh, bền vững có thể giảm đáng kể nguy cơ tử vong sớm ngoài tác động đến môi trường, đó là kết quả một nghiên cứu do Trường Y tế công cộng Harvard TH Chan dẫn đầu mới được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ.
Đây là nghiên cứu lớn đầu tiên đánh giá trực tiếp tác động của việc tuân thủ các khuyến nghị trong báo cáo EAT-Lancet mang tính bước ngoặt năm 2019 được đặt tên là Chế độ ăn uống lành mạnh cho hành tinh (PHD). Chế độ ăn tập trung vào nhiều loại thực phẩm thực vật được chế biến tối thiểu và cho phép tiêu thụ vừa phải thịt và thực phẩm từ sữa.
Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng các loại chế độ ăn dựa trên thực vật có nhiều tác động đến sức khỏe. Ví dụ, chế độ ăn dựa trên thực vật có nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, hạt, đậu, dầu thực vật và trà/cà phê có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính. Tuy nhiên, ít nghiên cứu được tiến hành để xác định tác động môi trường, chẳng hạn như khí thải nhà kính, sử dụng đất trồng trọt chất lượng cao, nitơ từ phân bón và nước tưới của các phương pháp ăn này.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu sức khỏe từ hơn 200.000 phụ nữ và nam giới tham gia Nghiên cứu sức khỏe của y tá I và II và Nghiên cứu theo dõi chuyên gia y tế. Những người tham gia không mắc các bệnh mạn tính lớn khi bắt đầu nghiên cứu và hoàn thành bảng câu hỏi về chế độ ăn uống 4 năm một lần trong tối đa 34 năm. Chế độ ăn uống của những người tham gia được chấm điểm dựa trên lượng tiêu thụ 15 nhóm thực phẩm bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, rau, gia cầm và các loại hạt để định lượng mức độ tuân thủ PHD.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng, nguy cơ tử vong sớm thấp hơn 30% ở 10% người tham gia tuân thủ chặt chẽ nhất chế độ ăn PHD so với những người ở 10% thấp nhất. Mọi nguyên nhân chính gây tử vong, bao gồm ung thư, bệnh tim và bệnh phổi đều thấp hơn khi tuân thủ chặt chẽ hơn chế độ ăn này.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu phát hiện ra những người tuân thủ PHD cao nhất có tác động đến môi trường thấp hơn đáng kể so với những người tuân thủ thấp nhất, bao gồm lượng khí thải nhà kính thấp hơn 29%, nhu cầu phân bón thấp hơn 21% và việc sử dụng đất trồng trọt thấp hơn 51%.
2. Ăn uống lành mạnh không cần phải tuân theo một công thức cứng nhắc
Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn uống lành mạnh đóng vai trò quan trọng giúp chúng ta sống lâu hơn và giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, suy nhược trong những năm tháng về già. Nhưng ăn uống lành mạnh không có nghĩa cần phải tuân theo một công thức cứng nhắc. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mọi người hãy xây dựng cho mình một chế độ ăn lành mạnh linh hoạt tùy theo điều kiện và sở thích cá nhân.
Theo Giáo sư Dinh dưỡng và Dịch tễ học Frank Hu, Chủ nhiệm Khoa Dinh dưỡng tại Trường Y tế công cộng Harvard TH Chan, mỗi người hãy xác định các loại thực phẩm nguyên chất theo sở thích và tạo ra chế độ ăn uống của riêng mình. Mọi người nên bổ sung nhiều thực phẩm nguyên chất, ít chế biến, đặc biệt là thực phẩm từ thực vật như như trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, các loại hạt vào mỗi bữa ăn. Đồng thời chú ý giảm tiêu thụ thực phẩm chế biến nhiều như đồ ăn nhẹ và nước ngọt.
Giáo sư Frank Hu cho biết, một số chế độ ăn uống như chế độ ăn Địa Trung Hải, chế độ ăn lành mạnh dựa trên thực vật hoặc chế độ ăn Okinawa, những chế độ ăn này giàu thực phẩm nguyên chất và có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh và cải thiện tuổi thọ.
Mọi người có thể kết hợp các yếu tố của những chế độ ăn này, hoặc sử dụng các nguyên tắc cơ bản của chúng để tạo ra chế độ ăn mới phù hợp. Đó chính là cách thực sự cải thiện sở thích cũng như việc tuân thủ chế độ ăn uống lâu dài.
Xem thêm video đang được quan tâm:
5 cách kết hợp thực phẩm có thể giúp giảm mức cholesterol.