Uống nhiều nước ngọt, bạn có nguy cơ mắc bệnh gì?

30-06-2024 06:15 | Cảnh giác thực phẩm
google news

SKĐS - Đồ uống có đường (nước ngọt) cung cấp quá nhiều calo và hầu như không có chất dinh dưỡng nào khác. Hơn thế nữa, uống nhiều nước ngọt còn khiến chúng ta phải đối mặt với các bệnh nghiêm trọng.

1. Nước ngọt có giá trị dinh dưỡng không?

Theo định nghĩa của Trường Y tế công Harvard T.H. Chan, đồ uống có đường (nước ngọt) đề cập đến bất kỳ đồ uống nào có thêm đường hoặc chất làm ngọt khác (như xi-rô ngô có hàm lượng đường cao, sucrose, nước ép trái cây cô đặc, soda, coca, nước tăng lực…). Và khi xếp hạng các loại đồ uống tốt cho sức khỏe thì đồ uống có đường nằm ở cuối danh sách vì chúng cung cấp quá nhiều calo và hầu như không có chất dinh dưỡng nào khác.

Những người uống đồ uống có đường không cảm thấy no như cách họ ăn cùng lượng calo từ thức ăn đặc. Họ cũng không bù đắp được lượng calo cao trong những đồ uống này bằng cách ăn ít thức ăn hơn.

Một lon soda có đường hoặc nước ép trái cây trung bình cung cấp khoảng 150 calo, hầu hết đều đến từ đường bổ sung. Nếu bạn chỉ uống một trong những đồ uống có đường này mỗi ngày và không cắt giảm lượng calo bằng cách khác, ngoài việc tăng cân còn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2, bệnh tim và các bệnh mạn tính khác. Hơn nữa, việc tiêu thụ nhiều đồ uống có đường có liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong sớm.

Uống nhiều nước ngọt, bạn có nguy cơ mắc bệnh gì?- Ảnh 1.

Uống nhiều nước ngọt gây nhiều rủi ro cho sức khỏe.

2. Uống nhiều nước ngọt dễ mắc bệnh gì?

Bệnh đái tháo đường

Đường bổ sung là thành phần chính trong các thực phẩm chế biến sẵn, bánh kẹo, đặc biệt là nước ngọt. Không giống với đường tự nhiên, các loại đường bổ sung được hấp thụ nhanh và làm tăng nhanh lượng đường trong máu, thúc đẩy tuyến tụy tiết ra nhiều insulin hơn. Nếu tuyến tụy không thể đáp ứng nhu cầu này, lượng đường trong máu sẽ tăng lên, dẫn đến nhiều vấn đề liên quan đến insulin và bệnh đái tháo đường.

Tăng nguy cơ mắc và khó kiểm soát các bệnh mạn tính

Tiêu thụ nhiều đường bổ sung trong nước ngọt cũng là nguyên nhân gây viêm trong cơ thể, căng thẳng oxy hóa và béo phì. Những yếu tố này có thể làm tăng nguy cơ mắc và khó kiểm soát các bệnh tim mạch, béo phì, huyết áp, đái tháo đường, loãng xương, bệnh gan, ung thư...

Đối với trẻ nhỏ, uống nhiều nước ngọt sẽ làm giảm khả năng hấp thụ canxi, ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao của trẻ.

Bạn sẽ già đi rất nhanh

Tiêu thụ quá nhiều đường không chỉ gây thừa cân, béo phì mà còn đẩy nhanh quá trình lão hóa. Làn da chúng ta chủ yếu được cấu tạo bởi collagen và elastin. Khi ăn quá nhiều đường có thể phá hủy collagen và đẩy nhanh quá trình lão hóa da dẫn đến hình thành nếp nhăn sớm và da chảy xệ.

Những người thường xuyên uống đồ uống có đường cũng có nhiều khả năng bị mụn trứng cá ở mức độ trung bình hoặc nặng. Theo thời gian sẽ phát triển các đốm đen, đổi màu và tăng sắc tố trên da.

Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nam giới

Năm 2021, các nhà khoa học Mỹ đã công bố thông tin nam giới uống các loại nước ngọt có thể bị suy giảm chức năng tinh hoàn, thể hiện qua giảm số lượng tinh trùng và giảm nội tiết.

Nghiên cứu này thực hiện đối với gần 3.000 nam thanh niên ở Mỹ. Đối tượng thanh niên uống từ 220ml nước ngọt mỗi ngày có số lượng tinh trùng giảm đi trung bình 28 triệu con so với thanh niên không uống nước ngọt đồng thời nội tiết tinh hoàn cũng giảm đáng kể.

3. Uống nước ngọt như thế nào là an toàn?

Uống nước ngọt rõ ràng không có lợi cho sức khỏe nhưng sản phẩm này lại rất phổ biến. Điều cần làm là chúng ta phải biết cách lựa chọn sản phẩm nước ngọt và chú ý lượng tối đa nên tiêu thụ để ngăn ngừa những rủi ro đối với sức khỏe.

Chọn sản phẩm an toàn

Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm nước ngọt đóng lon hoặc đóng chai. Khi mua các sản phẩm nước ngọt, bạn nên chọn mua tại các cửa hàng, siêu thị uy tín để được đảm bảo về nguồn gốc sản phẩm.

Không nên sử dụng các loại nước ngọt được bày bán ở các hàng quán ven đường, bán rong ở cổng trường để tránh mua phải các loại nước ngọt giả, nước ngọt kém chất lượng. Phần lớn các mặt hàng này thường không rõ nguồn gốc xuất xứ và không được kiểm nghiệm xem trong đó có chứa thành phần độc hại nào không.

Nguy cơ của tất cả thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến theo tiêu chuẩn đều có thể gây ngộ độc cho người sử dụng. Trên thực tế đã có rất nhiều vụ ngộ độc do trẻ em uống nước ngọt bày bán rong ở cổng trường.

Uống nhiều nước ngọt, bạn có nguy cơ mắc bệnh gì?- Ảnh 3.

Cố gắng hạn chế tối đa một lon một ngày và không nên sử dụng thường xuyên.

Uống bao nhiêu là đủ?

Theo các chuyên gia y tế, để bảo vệ sức khỏe, cách tốt nhất nên hạn chế tối đa việc sử dụng đồ uống có đường (tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do,  bao gồm nước ngọt không chứa cồn có gas và không có gas, nước ép trái cây/rau củ, nước tăng lực, đồ uống thể thao, trà, cà phê uống liền, ...). Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, trẻ dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ đồ uống có đường. Với trẻ em và trẻ vị thành niên, lượng tiêu thụ nên dưới  235 ml đồ uống có đường trong một tuần theo Hiệp hội tim mạch Mỹ.

Khi chúng ta uống một lon nước ngọt 300ml thôi cũng đã đủ nhu cầu về lượng đường tự do (đường đơn, đường đôi) trong cả ngày, chưa kể mỗi ngày chúng ta còn ăn uống các loại thực phẩm chứa đường khác khiến lượng đường tự do thực tiêu thụ sẽ tăng lên rất nhiều.

Theo TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đối với người trưởng thành không có các bệnh rối loạn chuyển hóa đường hay thừa cân béo phì, lượng đường tự do (đường đơn, đường đôi) tối đa nạp vào chỉ được phép chiếm dưới 10% tổng số năng lượng của một ngày (tương đương dưới 50g đường tự do, nếu sử dụng chế độ dinh dưỡng 2,000Kcal/ngày).

Ăn nhiều đường có gây nghiện không?Ăn nhiều đường có gây nghiện không?

SKĐS - Đường là một nguồn năng lượng chính để duy trì hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên, nếu chúng ta thường xuyên ăn nhiều đường sẽ càng kích thích cơn thèm đồ ngọt và gây nghiện đường. Điều này thực sự nguy hại cho sức khỏe.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nguy kịch vì thường xuyên uống nước ngọt.


Thu Phương
Ý kiến của bạn