Những sai lầm dễ gặp khi dùng thuốc chữa viêm họng cấp

23-01-2021 09:49 | Thông tin dược học

SKĐS - Viêm họng cấp tính khởi phát đột ngột với các triệu chứng đau rát họng, sốt 39-40 độ C, ho, nghẹt mũi khiến người bệnh khó chịu.

Viêm họng cấp sẽ khỏi sau 5-7 ngày nếu điều trị đúng phác đồ. Ngược lại, nếu không điều trị sẽ dẫn đến viêm họng mạn hoặc các biến chứng nguy hiểm như viêm amidan, viêm phổi, viêm phế quản... ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.

Viêm họng cấp dùng thuốc gì?

Thuốc viêm họng cấp được sử dụng nhằm làm giảm các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng cần dùng thuốc. Thông thường viêm họng cấp mới chớm xuất hiện các triệu chứng thì chỉ cần vệ sinh họng miệng tại chỗ, chưa cần dùng đến thuốc. Với các trường hợp nặng hơn, việc dùng thuốc phải tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, dùng đúng liều lượng đã được chỉ định để đem lại hiệu quả và an toàn. Một số thuốc thường dùng như:

Thuốc kháng sinh: 70-80% nguyên nhân gây viêm họng và các bệnh đường hô hấp nói chung là do virus, chỉ 20-30% là do vi khuẩn. Chính vì vậy chỉ sử dụng kháng sinh khi nguyên nhân gây viêm họng cấp là do vi khuẩn, với nguyên nhân virus thì thuốc kháng sinh không có tác dụng.

Cơ chế tác động của thuốc kháng sinh là ức chế quá trình phát triển của vi sinh vật khiến chúng không sinh sôi và gây bệnh, kiểm soát tốt tình trạng bệnh. Một số kháng sinh thường được chỉ định để điều trị viêm họng cấp gồm amoxicillin, cephalexin, erythromycin,...

Khi bị viêm họng cấp nên sử dụng dung dịch súc miệng, súc họng để vệ sinh đường hô hấp

Khi bị viêm họng cấp nên sử dụng dung dịch súc miệng, súc họng để vệ sinh đường hô hấp

Thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm: Thuốc giảm đau, hạ sốt được sử dụng để làm giảm tình trạng sốt, đau rát họng, khó nuốt. Thường sử dụng các thuốc như paracetamol, aspirin... Cần lưu ý, nếu dùng hạ sốt thì chỉ nên dùng khi người bệnh sốt trên 38,5 độ C với liều lượng 10-15mg/kg với mỗi 4-6 giờ/lần. Không sử dụng aspirin cho trẻ nhỏ bởi có thể tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye gây phù gan, não rất nguy hiểm. Có thể sử dụng thuốc chống viêm làm giảm nhanh triệu chứng sưng, phù nề tại họng như ibuprofen, diclofenac,...

Thuốc ho: Cơ chế chung của các thuốc ho là ức chế trung tâm gây ho, làm giảm ho nhanh chóng. Thường sử dụng codein, thuốc ngậm hay siro ho để làm giảm kích ứng ở cổ họng, giảm ngứa họng và ngăn ngừa cơn ho hiệu quả. Nếu người bệnh ho có đờm, bác sĩ có thể chỉ định thêm thuốc long đờm như acetylcystein.

Ngoài việc dùng thuốc có thể sử dụng dung dịch súc miệng, súc họng chứa các chất kháng khuẩn, kháng viêm và giảm đau giúp loại bỏ vi sinh vật gây bệnh, giảm sưng, phù nề nhanh chóng. Các bệnh nhiễm trùng hô hấp hoàn toàn có thể kiểm soát sớm khi bị viêm nhiễm hô hấp trên và ưu tiên các biện pháp điều trị tại chỗ, vệ sinh đường hô hấp như vệ sinh tai mũi họng, súc họng.

Một số sai lầm khi sử dụng thuốc trị viêm họng cấp

Tự ý mua thuốc sử dụng: Việc tự ý mua thuốc mỗi khi ho, sốt, đau họng đang diễn ra ngày càng nhiều. Điều này rất nguy hiểm, đặc biệt là khi tự ý dùng kháng sinh. Tự ý dùng thuốc có thể khiến tình trạng bệnh không khỏi mà còn nặng thêm, thậm chí tai biến nguy hiểm đến tính mạng.

Việc tự ý dùng kháng sinh có thể dẫn đến tình trạng nhiễm vi khuẩn kháng thuốc, bệnh khó điều trị hơn. Chính vì vậy, trong bất cứ trường hợp nào cũng nên tới cơ sở y tế khám để có chỉ định dùng thuốc chính xác nhất, tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị.

Không uống đủ liều: Nếu uống thuốc theo đúng liều lượng, đúng chỉ định của bác sĩ, thông thường các triệu chứng viêm họng cấp sẽ giảm sau 2-5 ngày. Ngược lại, nếu không uống đủ liều, bỏ thuốc giữa chừng, bệnh có thể kéo dài 7-10 ngày, thậm chí không khỏi và gây các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Không tự ý mua thuốc điều trị viêm họng cấp khi chưa có chỉ định của bác sĩ

Không tự ý mua thuốc điều trị viêm họng cấp khi chưa có chỉ định của bác sĩ

Lời khuyên của thầy thuốc khi điều trị viêm họng cấp

Ngoài việc sử dụng thuốc, người bệnh viêm họng cấp cần: chườm ấm tại các vị trí trán, nách, bẹn để hạ nhiệt; bổ sung oresol và các loại nước ép hoa quả để bù nước, điện giải cũng như tăng cường sức đề kháng; nghỉ ngơi hợp lý, phòng ngủ cần được thông thoáng, sạch sẽ; bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, nên ăn đồ ăn mềm hoặc dạng lỏng dễ tiêu hóa, tránh các thực phẩm cay nóng bởi có thể gây kích ứng họng và khiến bệnh trở nặng hơn.

Muốn giảm cân, bổ máu hãy thêm củ dền vào thực đơn hàng ngày



DS. Nguyễn Bá Nghĩa
Ý kiến của bạn