Chủ động ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn tụ cầu

03-03-2021 11:31 | Y học 360
google news

SKĐS - Nhiễm vi khuẩn tụ cầu là tình trạng dễ xảy ra hiện nay, gây những nhiễm trùng với bệnh cảnh nặng nề, khi có điều kiện thuận lợi.

Tụ cầu (Staphylococcus) là các cầu khuẩn gram dương, có đường kính khoảng 1 micromet, có hình thái giống chùm nho. Thông thường, các tụ cầu này vẫn có mặt ở cơ thể người (chủ yếu trên da) nhưng không gây bệnh hoặc chỉ gây nhiễm trùng da nhẹ. Tuy nhiên, khi các vi khuẩn tụ cầu xâm nhập sâu hơn vào máu, khớp, phổi hay tim thì có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.

Bệnh do nhiễm vi khuẩn tụ cầu gây ra

Khi vi khuẩn tụ cầu xâm nhập và tấn công cơ thể sẽ gây ra những nhiễm trùng như sau:

Nhiễm khuẩn da: Các tụ cầu thường sống ký sinh trên da và niêm mạc nên chúng dễ dàng xâm nhập qua lỗ chân lông, chân tóc hoặc các tuyến dưới da, ở đó chúng gây ra tình trạng nhiễm khuẩn có thể kèm mủ. Biểu hiện dễ nhận thấy chính là sự xuất hiện các ổ áp-xe, mụn nhọt, chốc lở trên da. Bệnh nhiễm khuẩn da do tụ cầu hay xuất hiện vào mùa nắng nóng, trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh là đối tượng thường gặp. Đặc biệt, tụ cầu còn gây nên mụn đầu đinh (hay còn gọi là đinh râu), đây là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, gây nguy hiểm đến tính mạng vì có khả năng cao gây nhiễm khuẩn huyết.

Tụ cầu (Staphylococcus) - một trong số tác nhân gây các bệnh nhiễm trùng ở người.

Tụ cầu (Staphylococcus) - một trong số tác nhân gây các bệnh nhiễm trùng ở người.

Nhiễm khuẩn huyết: Khi các vi khuẩn tụ cầu vàng gây nhiễm khuẩn ngoài da, chúng có khả năng di chuyển vào máu gây nhiễm khuẩn máu. Đây là loại nhiễm trùng nặng và nguy hiểm bởi vì khi máu bị nhiễm khuẩn, các vi khuẩn tụ cầu dễ dàng di chuyển đến các nội tạng như gan, phổi, não, tủy,... gây các ổ áp-xe tại những cơ quan này. Ngoài ra, bệnh nhân còn gặp tình trạng viêm tắc tĩnh mạch. Một số loại nhiễm trùng này có thể trở thành dạng viêm mạn tính như viêm xương.

Ngộ độc thức ăn và viêm ruột cấp: Tụ cầu khi nhiễm vào thực phẩm thì sinh sôi phát triển rất nhanh, chúng có ngoại độc tố rất mạnh và đặc biệt hơn ngoại độc tố của các loại vi khuẩn khác, đó là ở mức nhiệt độ 100 độ C trong vòng 15 phút vẫn chưa bị phá hủy. Điều đáng nói là các loại độc tố được sinh ra từ quá trình phát triển mạnh mẽ của các tụ cầu hoàn toàn không ảnh hưởng đến mùi vị hay cảm quan của thực phẩm. Đây chính là nguyên nhân khiến tình trạng ngộ độc thức ăn do nhiễm tụ cầu dễ xảy ra.

Tình trạng ngộ độc thức ăn xảy ra khi người bệnh ăn phải thực phẩm bị nhiễm tụ cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Tụ cầu nhiễm trực tiếp vào thực phẩm thông qua người chế biến, đặc biệt là khi hắt hơi hoặc tay có vết thương hở.

Khi số lượng vi khuẩn Staphylococcus aureus ở đường ruột tăng lên và chiếm ưu thế, bệnh nhân có thể gặp phải bệnh viêm ruột cấp. Các biểu hiện thường gặp của viêm ruột cấp là: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng bất thường, chán ăn, sốt nhẹ,...

Nhiễm khuẩn bệnh viện: Trong môi trường bệnh viện, vi khuẩn tụ cầu có thể gây ra các tình trạng nhiễm trùng như: nhiễm trùng vết mổ, nhiễm trùng vết bỏng, nhiễm trùng hô hấp (như viêm họng, viêm phổi,..), nhiễm trùng tiết niệu (thường do tụ cầu hoại sinh gây ra). Chúng thường lây truyền qua các dụng y tế xâm lấn, các vết thương hở hay trầy xước, dùng chung dụng cụ cá nhân như dao cạo râu, khăn mặt,... Hầu hết các dòng tụ cầu gây nhiễm khuẩn bệnh viện đều có tính kháng kháng sinh mạnh.

Hội chứng sốc nhiễm độc: Đây là hội chứng hiếm gặp, có tính chất đột ngột, dễ gây nguy hiểm tính mạng người bệnh. Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là sự giải phóng độc tố từ các vi khuẩn tụ cầu (thường gặp nhất là tụ cầu vàng Staphylococcus aureus và các tụ cầu nhóm A) khi chúng phát triển quá mức. Các triệu chứng bao gồm: sốt cao, đau đầu, mệt mỏi, khát nước, tim đập nhanh, hạ huyết áp, nổi mẩn khắp cơ thể,...

Cách phòng tránh nhiễm vi khuẩn tụ cầu

Hiện nay, trên thế giới chưa có vắc-xin đặc hiệu để phòng các bệnh do vi khuẩn tụ cầu gây ra. Tuy nhiên, vẫn có thể phòng bệnh này bằng những cách sau: giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ. Thường xuyên tắm rửa hàng ngày, rửa tay và giữ vệ sinh tay đúng cách, đánh răng, và giữ vệ sinh họng bằng cách súc miệng bằng nước muối sinh lý. Chú ý khi tắm cho trẻ nhỏ cần tắm kỹ ở những nếp gấp da, kẽ da vì ở đây thường tích tụ nhiều chất bẩn. Không dùng chung các dụng cụ cá nhân như dao cạo râu, khăn tắm, áo quần,...Vì vi khuẩn có thể lây từ người này sang người khác khi dùng chung các vật dụng cá nhân.

Duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học nhằm nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi, sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, uy tín. Hạn chế ăn những thực phẩm chưa được nấu chín như thịt tái, gỏi, nem chua, tiết canh,... Chú ý bảo quản thực phẩm đúng cách.

Trường hợp bệnh nhân bị nhiễm khuẩn da, cần dùng băng gạc sạch bao phủ các vết loét, tránh để vi khuẩn tụ cầu có trong dịch mủ lan sang các vị trí khác.


BS. Trần Sinh
Ý kiến của bạn