Báo động dịch HIV ở An Giang có xu hướng tăng trở lại, khó kiểm soát

11-06-2024 11:34 | Y tế

SKĐS – An Giang là tỉnh có số người nhiễm HIV mới phát hiện cao, đứng thứ 5 toàn quốc. Hiện dịch đang có xu hướng tăng trở lại, cho thấy việc kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 là rất khó khăn…

Ca nhiễm HIV mới tăng nhanh trong nhóm MSM

Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) tỉnh An Giang cho thấy, tính đến ngày 28/5/2024, số người nhiễm HIV đang còn sống là 7.507 trường hợp. Tổng số người nhiễm HIV tử vong là 6.082 người.

Trong số xét nghiệm phát hiện mới HIV năm 2023, hơn 80% là nam giới và lây nhiễm qua đường tình dục chiếm tới 78%. Số ca nhiễm HIV mới cao nhất là TP. Long Xuyên (18.63%), huyện Chợ Mới (15.2%), huyện An Phú (12,3%) và thấp nhất là huyện Tri Tôn (4.2%). Đặc biệt số ca nhiễm HIV mới tăng nhanh trong nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới).

Nếu như năm 2018, trong số 401 ca nhiễm mới HIV có 31 ca nhiễm là MSM, thì năm 2023 trong số 560 ca nhiễm mới được phát hiện có tới 205 ca là MSM. Như vậy, trong 5 năm trở lại đây, số người nhiễm HIV mới được phát hiện trong nhóm MSM tăng gấp 10 lần. Hiện ước tính có khoảng 8000 MSM trong toàn tỉnh.

Dữ liệu giám sát phát hiện HIV giai đoạn 2000 – 2023 cho thấy, dịch HIV tại tỉnh An Giang có xu hướng tăng trở lại và gia tăng nhanh trong nhóm nam giới trẻ tuổi từ 15-30, đặc biệt là nhóm MSM trẻ. Nguy cơ lây nhiễm HIV khó kiểm soát trong nhóm MSM, do các yếu tố liên quan như sự di biến động, hành vi quan hệ tình dục không an toàn và thiếu các biện pháp can thiệp hiệu quả...

Báo động dịch HIV ở An Giang có xu hướng tăng trở lại, khó kiểm soát- Ảnh 1.

Tư vấn về HIV cho khách hàng là MSM tại Trung tâm y tế TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang). Ảnh: Thu Hương.

Đẩy mạnh các giải pháp can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV

Ông Huỳnh Minh Trí - Khoa phòng, chống HIV/AIDS - Lao - Da Liễu - CDC tỉnh An Giang cho biết, hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV như tiếp cận, phân phát bơm kim tiêm, bao cao su… được triển khai 11/11 huyện, thị xã, thành phố, cho nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, MSM và vợ/chồng bạn tình người nhiễm HIV.

Năm 2023, được sự hỗ trợ kinh phí từ dự án EPIC, An Giang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nghiên cứu ước tính kích cỡ quần thể nhóm MSM, nhằm cung cấp số liệu ước tính số lượng MSM trên toàn tỉnh, góp phần lập kế hoạch can thiệp cho nhóm quần thể này.

100% huyện, thị xã, thành phố triển khai tư vấn xét nghiệm HIV, đa dạng hóa các hình thức bao gồm tư vấn, xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, trại giam, trại tạm giam, cộng đồng, xét nghiệm lưu động, tự xét nghiệm HIV; chú trọng các hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV, nhóm người quan hệ tình dục đồng giới (MSM), đặc biệt nhóm MSM trẻ tuổi; phân phối sinh phẩm tự xét nghiệm qua trang điện tử tuxetnghiem.vn. Kết quả trong quý I năm 2024, đã xét nghiện HIV cho 14.094 lượt người, trong đó 91 người có HIV dương tính, MSM chiếm 24%.

Hiện An Giang có 6 nơi được cấp phép thực hiện xét nghiệm khẳng định và đảm bảo việc kết nối chuyển gửi các trường hợp xét nghiệm HIV dương tính đến dịch vụ điều trị ARV; chuyển gửi các trường hợp nguy cơ cao có kết quả xét nghiệm âm tính tới dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV phù hợp.

An Giang đã triển khai hệ thống giám sát ca bệnh từ khi xác định nhiễm HIV, trong suốt quá trình tham gia điều trị, đến khi người nhiễm HIV tử vong; đã và đang thí điểm kết nối dữ liệu bệnh nhân đang điều trị tại OPC (quản lý trên phần mềm HMED) kết nối dữ liệu với hệ thống thông tin quản lý người nhiễm HIV (HIV INFO), bước đầu ghép nối thành công hơn 5.000 ca…; đang xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động xét nghiệm bạn tình/bạn chích (PNS), tiếp cận mạng lưới xã hội người có nguy cơ cao (SNS) và hoạt động đáp ứng y tế công cộng với chùm lây nhiễm HIV, tổ chức tập huấn hoạt động PNS và SNS cho cán bộ chương trình HIV, nhân viên phòng khám ngoại trú, tư vấn viên và nhân viên tiếp cận cộng đồng.

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) đã được triển khai tại 12 cơ sở y tế nhà nước và 2 cơ sơ tư nhân tại 11 huyện, thị xã, thành phố.

Đến hết tháng 12/2023, An Giang đã thực hiện được 2/3 mục tiêu 95-95-95, cụ thể: 97,5% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm, 76,6% số người nhiễm HIV được điều trị ARV và 96% số người nhiễm HIV được điều trị ARV và có kết quả xét nghiệm tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.

Vẫn còn nhiều khó khăn trong can thiệp HIV nhóm MSM

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, kết quả ước tính và dự báo những ca nhiễm mới HIV, cho thấy MSM là nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam.

Tại An Giang hiện số người nhiễm HIV mới phát hiện tăng nhanh trong nhóm MSM, lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục. Do đó, vai trò của nhân viên tiếp cận cộng đồng, các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO), y tế tư nhân… đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện ca nhiễm mới, tư vấn xét nghiệm, chuyển gửi điều trị, cung cấp sinh phẩm và nâng cao chất lượng điều trị… cho các nhóm có nguy cơ cao như: Nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người sử dụng ma túy, người mại dâm, bạn tình của các nhóm trên.

Báo động dịch HIV ở An Giang có xu hướng tăng trở lại, khó kiểm soát- Ảnh 2.

BSCKII. Dương Anh Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang.

Nhân viên tiếp cận cộng đồng, các CBO... được ví như ‘mắt xích’, cánh tay nối dài của cán bộ y tế tới các nhóm đối tượng đích.

BSCKII. Dương Anh Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang cho biết, hiện An Giang còn thiếu các tổ chức dựa vào cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội, thiếu các mô hình dịch vụ thân thiện do chính họ đứng ra…

Lực lượng nhân viên tiếp cận cộng đồng tại An Giang còn rất mỏng. Năm 2024 tỉnh mới tuyển được 55 người (tương đương mỗi cơ sơ có 1-2 người). Việc kiếm khách hàng qua Zalo, Facebook… can thiệp qua mạng xã hội tới nhóm MSM ở An giang còn hạn chế.

Bên cạnh đó, mức thù lao quá ít ỏi nên không thu hút được nhân viên tiếp cận cộng đồng. Một số khó khăn về đấu thầu, dẫn tới hai năm qua không đấu thầu được nên thiếu sinh phẩm xét nghiệm HIV… Nguồn sinh phẩm hiện tại là do Quỹ toàn cầu cung cấp.

CDC tỉnh đang kết hợp với các chương trình dự án, nâng cao năng lực cho các cơ sở y tế; tổ chức các sự kiện, hoạt động phối hợp, huy động sự tham gia của tổ chức tư nhân, phát triển các CBO, doanh nghiệp xã hội… để có thể hợp pháp trong ký kết hợp đồng, can thiệp phòng chống HIV trong nhóm MSM hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, để làm được những điều này cần có sự vào cuộc của chính quyền tỉnh An Giang, tới các địa phương… để có các giải pháp quyết liệt hơn, mới có thể ngăn chặn đà tăng của dịch bệnh.

Hướng tới mục tiêu ‘90 thứ Tư’ trong chăm sóc và điều trị HIV tại Việt NamHướng tới mục tiêu ‘90 thứ Tư’ trong chăm sóc và điều trị HIV tại Việt Nam

SKĐS – Trong hai ngày 7- 8/5/2024, tại Ninh Bình, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, Tổ chức BIDMC và Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam (VNP+) đồng tổ chức Hội thảo khoa học: “Đạt mục tiêu ‘90 thứ Tư’ - Chất lượng cuộc sống và hạnh phúc cho người nhiễm HIV và các nhóm đích ở Việt Nam”.


Thu Hương
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn