Các địa phương sẽ có trung tâm kiểm soát dịch bệnh tuyến tỉnh

31-12-2015 16:44 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - TS Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, sắp tới Bộ Y tế sẽ tiến hành sáp nhập các trung tâm y tế dự phòng, trung tâm phòng chống HIV/AIDS, trung tâm phòng chống bệnh xã hội… thành một đơn vị thống nhất

Thống nhất mô hình, tổ chức hoạt động để giúp người dân được hưởng lợi

Tại hội nghị đổi mới hệ thống y tế địa phương do Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế tổ chức ngày 30/12 tại Nam Định, TS Phạm Văn Tác cho hay, theo lộ trình từ ngày 1/1/2016 đến năm 2020, tại các địa phương sẽ tiến hành sáp nhập các trung tâm y tế dự phòng, trung tâm phòng chống HIV/AIDS, trung tâm phòng chống bệnh xã hội… thành một đơn vị thống nhất ở tuyến tỉnh theo mô hình Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của CDC Hoa Kỳ (kiểm soát dịch bệnh) như tinh thần của thông tư số 51/2015/TTLT-BYT-BNV.

Theo đó, Giám đốc Sở Y tế và Giám đốc Sở Nội vụ các địa phương sẽ cùng phối hợp để trao đổi, thống nhất trình UBND tỉnh, thành phố quyết định sáp nhập một số trung tâm có cùng chức năng như trên rồi trình UBND tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở thực tiễn mô hình bệnh tật của từng thời điểm, điều kiện của địa phương hiện tại, các tỉnh sẽ quyết định thời gian sáp nhập. Tuy nhiên, việc sáp nhập này phải tiến hành xong trước năm 2020.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay ở nhiều địa phương tồn tại trung bình 5-7 trung tâm, cá biệt có địa phương lên đến 12 trung tâm..

"Như vậy việc sáp nhập các trung tâm này sẽ giúp tinh giảm rất nhiều về nhân lực. Điển hình như riêng đội ngũ giám đốc các trung tâm sẽ giảm 5-12 người xuống còn 1 giám đốc duy nhất. Như vậy, tính chung trên toàn quốc sẽ giảm hàng trăm xe công phục vụ riêng các giám đốc; giảm xây dựng mới hàng trăm trụ sở công…, góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân và tiết kiệm kinh phí cho ngân sách nhà nước"- TS Phạm Văn Tác nhấn mạnh

Đối với y tế tuyến huyện, cũng trong thời gian từ năm 2016-2020, cũng sẽ thành lập trung tâm y tế hai chức năng: Dự phòng và Điều trị trên cơ sở sáp nhập trung tâm y tế dự phòng, trung tâm y tế và bệnh viện tuyến huyện hiện nay. Việc này đảm bảo thống nhất điều hành trong việc phòng chống và điều trị cho người dân đạt kết quả tốt nhất ngay tại tuyến cơ sở, nguồn lực đầu tư tập trung. Tuy nhiên, theo TS Phạm Văn Tác, việc này không thực hiện "một chốc một lát" mà do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định căn cứ từ thực tiễn của địa phương. Hiện đã có tỉnh Bình Dương, Ninh Thuận đã triển khai mô hình này và bước đầu thực hiện phát huy hiệu quả.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy thực tế thời gian qua, một số địa phương còn xem nhẹ đầu tư cho y tế dự phòng, khiến dịch bệnh lây lan, chỉ tập trung cho các cơ sở điều trị vì đây là cơ sở có nguồn thu


Theo lộ trình, từ nay đến năm 2020 sẽ sáp nhập BVĐK huyện và Trung tâm y tế huyện, Phòng Y tế huyện thành một mô hình hai trong 1 thống nhất trên toàn quốc   (Ảnh minh hoạ)

Tới đây Sở sẽ không  quá 3, Tổng cục sẽ không quá 4 cấp phó

Cũng theo ông Tác, với quy định mới tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo yêu cầu lãnh đạo phải có trình độ sau đại học và thêm một quy định buộc phải có đó là chứng chỉ về đào tạo quản lý ngành y tế.

"Bởi lâu nay người quản lý trong ngành thường có bằng cấp về chuyên môn, chuyên ngành liên quan đến điều trị, dự phòng trong khi việc quản lý phải có kỹ năng, nghiệp vụ về điều hành nhân sự, tài chính," TS Tác nhấn mạnh.

Để chuẩn bị cho việc thực hiện tiêu chí này, Bộ Y tế đã thành lập hai trung tâm đào tạo cán bộ quản lý ngành y tế ở trường ĐH Y tế Công cộng (phía Bắc) và Viện Vệ sinh y tế công cộng (phía Nam) để đào tạo cán bộ nguồn dự phòng.

Theo quy định mới, đối với tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, do đặc thù của ngành y tế là ngành chuyên môn kỹ thuật cao, Giám đốc Sở Y tế phải có trình độ chuyên môn sau đại học về y, dược, y tế công cộng, hoặc quản lý y tế.

Đối với Phó Giám đốc Sở Y tế phải có trình độ chuyên môn sau đại học một trong các chuyên ngành y, dược hoặc chuyên ngành khác phù hợp với lĩnh vực công tác đảm nhiệm.

Đối với tiêu chuẩn về ngạch, yêu cầu Giám đốc và Phó giám đốc Sở y tế giữ ngạch chuyên viên chính hoặc các ngạch tương đương trở lên.

Cũng theo thông tư 51, tới đây cấp sở sẽ khống chế đội ngũ lãnh đạo không quá 3 cấp phó; tại cấp tổng cục lãnh đạo có không quá 4 cấp phó.



Thái Bình
Ý kiến của bạn