Động viên người nhiễm HIV quay lại điều trị
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, qua rà soát, thời gian gần đây phát hiện khoảng 40 người nhiễm HIV tại tỉnh này bỏ dở việc điều trị bệnh.
Ngay khi phát hiện, hệ thống nhân viên y tế dự phòng ở Khánh Hòa đã khẩn trương vào cuộc, tiếp cận những người bỏ dở điều trị HIV để động viên, tư vấn giúp họ quay lại điều trị.
Ngày 16/5, bác sĩ Tôn Thất Toàn, Phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cho biết, khi phát hiện có khoảng 40 bệnh nhân bỏ dở điều trị HIV, chúng tôi đã huy động nhân viên y tế kết nối với từng người thông qua nhiều biện pháp khác nhau như nhắn tin, gọi điện tư vấn để họ quay lại tiếp tục điều trị.
Từ nỗ lực của nhiều nhân viên y tế, đến ngày 16/5, chỉ còn hai người nhiễm HIV chưa tự tin quay lại điều trị tiếp. Các y, bác sĩ sẽ kiên trì động viên, thuyết phục tiếp 2 bệnh nhân còn lại.
Cũng theo bác sĩ Toàn, nguyên nhân dẫn đến một số người nhiễm HIV bỏ dở việc điều trị do thời gian gần đây, một số người nảy sinh tâm lý sợ bị người khác phát hiện mình mắc "bệnh thế kỷ" nên ngại đi khám và không lấy thuốc theo liệu trình.
"Chúng tôi đã và đang liên tục khuyến cáo cộng đồng hãy xóa bỏ hoàn toàn sự kỳ thị với người nhiễm HIV, xem đây là căn bệnh cần phải điều trị càng sớm, càng đúng quy trình càng tốt. Đồng thời, việc ổn định tâm lý người nhiễm HIV sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn", bác sĩ Toàn nói.
Ông V.T., một người nhiễm HIV ở Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết, khi phát hiện nhiễm bệnh, tôi rất hoang mang. Sau khi nhận thuốc điều trị, tôi uống được 2 tháng thì bỏ dở vì sợ bị bạn bè, người thân biết sẽ chê trách, xa lánh. Thế nhưng, sau khi được các nhân viên y tế giải thích cặn kẽ tác dụng của việc duy trì điều trị, tôi đã quay lại nhận thuốc điều trị HIV theo liệu trình bác sĩ tư vấn.
Thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, tổng số người nhiễm HIV hiện còn sống và được quản lý trên địa bàn là hơn 1.500 người. Việc lây nhiễm HIV hiện nay thông qua một số con đường chính như qua đường máu, tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn, từ mẹ sang con. Đặc biệt, việc lây nhiễm HIV thông qua quan hệ tình dục đồng giới nam ngày càng gia tăng ở Khánh Hòa.
Lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa khuyến cáo, tất cả những nhóm có nguy cơ cao với HIV hãy tiếp cận và sử dụng dịch vụ điều trị dự phòng. Nếu không may đã nhiễm HIV thì hãy tuân thủ điều trị tốt để đạt được ngưỡng K=K (không phát hiện, không lây nhiễm).
K=K (không phát hiện, không lây nhiễm) nghĩa là khi một người nhiễm HIV được điều trị tốt bằng thuốc ARV mà đạt đến mức ức chế vi rút, đưa tải lượng vi rút xuống dưới 200 bản sao/ml máu (hay còn gọi là dưới ngưỡng phát hiện) thì sẽ ngăn ngừa được lây truyền HIV qua đường quan hệ tình dục.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn khuyến cáo thêm, HIV là một căn bệnh, ai không may nhiễm HIV thì hãy tự tin điều trị theo đúng hướng dẫn và phác đồ của ngành y tế, hoàn toàn không nên bỏ dở việc điều trị. Thực tế đã chứng minh, một người nhiễm HIV mà duy trì, tuân thủ tốt việc điều trị thì sức khỏe và thể trạng sẽ được đảm bảo.