Dịch HIV/AIDS tăng nhanh trong nhóm trẻ tuổi, chủ yếu thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới

14-05-2024 19:21 | Y tế

SKĐS - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, gần đây xu hướng dịch HIV/AIDS có dấu hiệu thay đổi. Dịch lây truyền qua đường tình dục là chủ yếu, tăng nhanh trong nhóm trẻ tuổi, các trường hợp mới phát hiện chủ yếu thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm hơn 80%.

Ngày 14/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra hội thảo "Chia sẻ định hướng hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh".

Thông tin tại hội thảo, PGS.TS.BS Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam đã và đang từng bước khống chế, kiểm soát được đại dịch HIV/AIDS. Tuy nhiên, những năm gần đây xu hướng dịch có dấu hiệu thay đổi. Cụ thể, dịch lây truyền qua đường tình dục là chủ yếu, tăng nhanh trong nhóm trẻ tuổi (từ 15-29 tuổi), các trường hợp mới phát hiện chủ yếu thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm hơn 80%.

Bên cạnh đó, tình hình sử dụng ma tuý tổng hợp trong các nhóm trẻ gia tăng, việc sử dụng ma tuý đa dạng về hình thức, về chủng loại và ngày một khó kiểm soát. Điều này dẫn đến nguy cơ và hệ luỵ trong nhóm các bạn trẻ. 

Dịch HIV/AIDS tăng nhanh trong nhóm trẻ tuổi, chủ yếu thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới- Ảnh 1.

PGS.TS.BS Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế chia sẻ tại Hội thảo Định hướng hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh. Ảnh: K.V

"Với bối cảnh tình hình dịch HIV/AIDS có nhiều thay đổi và chuyển biến liên tục đòi hỏi chúng ta phải liên tục đổi mới các mô hình can thiệp: từ giám sát, xét nghiệm, triển khai các đáp ứng y tế công cộng, can thiệp giảm hại và điều trị HIV/AIDS để phù hợp và đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng", Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Phan Thị Thu Hương cho hay.

Cũng theo Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, việc cắt giảm viện trợ của các nhà tài trợ hiện nay cũng là một thách thức lớn đối với hệ thống phòng, chống HIV/AIDS trong điều kiện phải kiểm soát dịch, đạt được mục tiêu 95-95-95 (95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế) và kết thúc AIDS vào 2030.

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Phan Thị Thu Hương chia sẻ: "Trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, tăng cường năng lực tuyến tỉnh để hỗ trợ kỹ thuật trong phòng, chống HIV/AIDS được xác định là ưu tiên của Cục phòng, chống HIV/AIDS góp phần giảm tải công việc cho cấp Trung ương và các nhà tài trợ, hướng đến sự bền vững của chương trình. Đồng thời cũng đi theo đúng đường lối chủ trương về phân cấp, phân quyền và tăng cường sự chủ động cho tuyến dưới trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS". 

Tại hội thảo, chia sẻ về thực trạng hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh, TS Đoàn Thị Thùy Linh - Phó Chánh Văn phòng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, nhóm hỗ trợ kỹ thuật tuyến tỉnh chưa phát huy được hết vai trò và khả năng chuyên môn. Việc thực hiện hỗ trợ kỹ thuật tại tuyến, tỉnh, thành phố còn phụ thuộc vào kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật của tuyến Trung ương, các dự án và các nhà tài trợ. 

Cụ thể, trước năm 2018, mỗi dự án có bộ công cụ hỗ trợ kỹ thuật khác nhau, phù hợp với yêu cầu riêng của dự án. Từ năm 2019, Cục phòng chống HIV/AIDS đã bắt đầu chuẩn hóa dần các công cụ chuẩn để áp dụng cho đợt hỗ trợ kỹ thuật, tuy nhiên chưa được sử dụng rộng rãi ở tất cả các cơ sở cung cấp dịch vụ HIV. Nhất là trong giai đoạn 2019-2022, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật ở tuyến tỉnh và trung ương không được thực hiện hoặc thực hiện qua hình thức trực tuyến. Từ năm 2022, các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật được thực hiện thường xuyên hơn.

Dịch HIV/AIDS tăng nhanh trong nhóm trẻ tuổi, chủ yếu thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới- Ảnh 2.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. Ảnh: K.V

Tại hội thảo, đại biểu đến từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã được nghe đại biểu các đơn vị chia sẻ kinh nghiệm triển khai hoạt động hỗ trợ kỹ thuật tuyến tỉnh, dự thảo nội dung hoạt động tuyến tỉnh năm 2025 và kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2025-2030. 

Đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Cần Thơ cho biết, công tác hỗ trợ kỹ thuật phòng chống HIV/AIDS tại địa phương được lãnh đạo Sở Y tế quan tâm, chú trọng. Các ứng dụng, sáng kiến mới được Trung ương, dự án chọn triển khai và cam kết triển khai hiệu quả. Các cán bộ tham gia nhiệt tình, các đơn vị tạo điều kiện để cán bộ tham gia. Tuy nhiên, nhân sự nhóm hỗ trợ kỹ thuật tuyến tỉnh có sự thay đổi nhiều và liên tục nên công tác kiện toàn gặp khó khăn, chưa kịp thời. Bên cạnh đó, Thành phố chỉ có quyết định mà chưa ban hành quy chế hoạt động cụ thể của nhóm hỗ trợ kỹ thuật.

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự hội thảo còn thảo luận về nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật tuyến tỉnh từ góc độ người cung cấp kỹ thuật và người nhận hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS; các nội dung ưu tiên của đơn vị, chỉ số, chỉ tiêu, nguồn lực, quy trình, hướng dẫn, chính sách của địa phương để đạt được chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Tết ấm áp ở Bệnh viện điều trị HIV/AIDS lớn nhất Việt NamTết ấm áp ở Bệnh viện điều trị HIV/AIDS lớn nhất Việt Nam

SKĐS - Khác với các bệnh viện khác, Tết Nguyên đán ở Bệnh viện Nhân Ái phần lớn bệnh nhân tình nguyện xin ở lại ăn Tết trong viện. Với họ, bệnh viện chính là nhà, là nơi họ muốn cùng nhau chia sẻ thời khắc chuyển giao năm cũ-mới.


Kim Vân
Ý kiến của bạn