Nhiễm HIV mới phát hiện tập trung trong nhóm MSM
Trong vài năm gần đây, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm phụ nữ bán dâm (dưới 3%) và ở nhóm tiêm chích ma túy (9%) ổn định, nhưng tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) tăng lên một cách đáng lo ngại, khoảng 12%–13%. Ở một số địa phương, tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM chiếm đến 50%-70% tổng số các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện mới trong năm.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp, những năm gần đây chiều hướng dịch HIV tại tỉnh cũng tập trung vào nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới và bạn tình của họ với giới tính chủ yếu là nam…
Bà Hà Thị Thùy Trang, cán bộ phụ trách chương trình HIV Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp cho biết, tại huyện Tam Nông, nhiễm HIV trong nhóm MSM có chiều hướng gia tăng mạnh, chiếm tới 50% số ca phát hiện những năm gần đây.
Tại An Giang, tính đến ngày 28/5/2024, trong số xét nghiệm phát hiện mới HIV năm 2023, có tới hơn 80% là nam giới và lây nhiễm qua đường tình dục là 78%. Trong 5 năm trở lại đây, phát hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM tăng cao gấp 10 lần (năm 2018 trong 401 ca nhiễm HIV mới có 31 ca là MSM. Năm 2023 trong 560 ca nhiễm mới có 205 ca nhiễm HIV là MSM).
Người nhiễm HIV trẻ hóa và lây chủ yếu qua quan hệ tình dục
Biểu đồ ca nhiễm mới theo nhóm tuổi tại Đồng Tháp.
BS. Nguyễn Ngọc Quý, Phó Trưởng Khoa HIV, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp cho biết: Tại Đồng Tháp tỷ lệ nhiễm HIV theo nhóm tuổi tập trung khoảng gần 70% ở nhóm tuổi từ 25-49. Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV có xu hướng tăng lên ở nhóm 15-25 tuổi (tăng từ 15,8% vào năm 2011 đến hiện tại là 33,3%). Hiện tỷ lệ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục chiếm 98%.
Dữ liệu giám sát phát hiện giai đoạn 2000- 2023 cũng cho thấy, dịch HIV tại tỉnh An Giang có xu hướng tăng trở lại và gia tăng nhanh trong nhóm nam giới trẻ tuổi từ 15-30, đặc biệt là nhóm MSM trẻ; cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV khó kiểm soát trong nhóm MSM do các yếu tố liên quan như: Sự di biến động, hành vi quan hệ tình dục không an toàn và thiếu các biện pháp can thiệp hiệu quả…
Cần có giải pháp can thiệp phù hợp hướng tới nhóm đối tượng đích
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, mặc dù dịch HIV/AIDS có xu hướng giảm, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và tiếp tục diễn biến phức tạp. Dịch có xu hướng gia tăng số nhiễm mới, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố lớn, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, gia tăng chủ yếu ở nhóm MSM trẻ tuổi và qua đường tình dục.
Việc lây nhiễm tập trung ở lứa tuổi trẻ, thậm chí mới tốt nghiệp hết cấp 3, di biến động, thay đổi môi trường sống... do đó còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng để dự phòng HIV cho bản thân.
BS CKII. Võ Công Đoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỷ lệ nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa, do đó cần xác định các vấn đề liên quan, tiến hành can thiệp ngăn chặn hiện tượng bùng phát dịch ở nhóm đối tượng này.
Anh Đặng Huỳnh Đăng - Trưởng nhóm CBO S66 Lotus (Đồng Tháp) tư vấn về sử dụng PrEP cho khách hàng. Ảnh: Thu Hương.
Theo đó, việc phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng là rất quan trọng, bởi một ca nhiễm mới không được phát hiện, nên không được điều trị, có tỷ lệ lây nhiễm rất cao trong cộng đồng. Bên cạnh đó làm sao ‘truy vết’ được người tiếp xúc với ca nhiễm mới để tư vấn họ đi xét nghiệm. Nếu âm tính sẽ giới thiệu điều trị dự phòng (PrEP), nếu dương tính sẽ chuyển gửi điều trị ARV.
Lợi ích của điều trị ARV không chỉ giữ cho hệ miễn dịch khỏe mạnh (người nhiễm HIV khỏe mạnh) mà còn giảm lây truyền HIV, ThS. BS. Đỗ Hữu Thủy, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết. Điều này có nghĩa là: Khi một người nhiễm HIV được điều trị ARV mà đạt đến mức ức chế virus, nghĩa là tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu (hay còn gọi là dưới ngưỡng phát hiện), sẽ ngăn ngừa được lây truyền HIV qua đường tình dục (Không phát hiện = Không lây truyền hay K=K). Do đó, điều quan trọng là cần phát hiện sớm và điều trị sớm.
Hiện hơn 85% số người nhiễm HIV ở Đồng Tháp biết được tình trạng nhiễm HIV của mình. Tỉnh đã và đang đẩy mạnh mở rộng tư vấn, xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế tư nhân, trạm y tế xã, phường, thị trấn, ngoài cộng đồng thông qua các đợt giám sát trọng điểm, xét nghiệm lưu động và xét nghiệm không chuyên, chú trọng nhóm MSM; củng cố mở rộng năng cao chất lượng chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho đối tượng nguy cơ (chủ yếu là MSM).
Về cách thức truyền thông, huy động cộng đồng cũng cần thay đổi, tập trung vào giới trẻ. Ông Huỳnh Minh Trí - Khoa phòng, chống HIV/AIDS - Lao - Da Liễu - CDC tỉnh An Giang cho biết: Các phương pháp tiếp cận truyền thông mới cần được chú trọng và đưa vào áp dụng trong thời gian tới như truyền thông qua mạng xã hội, hoặc livestream, tăng cường truyền thông trong trường học, trường đại học, cao đẳng và các khu công nghiệp trên địa bàn.
Bên cạnh can thiệp giảm tác hại như phát bao cao su, chất bôi trơn và phân phát bơm kim tiêm, điều trị methadone… cần đẩy mạnh điều trị PrEP (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm). Đặc biệt, huy động được sự tham gia mạnh mẽ của y tế tư nhân, nhà thuốc, doanh nghiệp xã hội, tổ chức cộng đồng (CBO)… vào công tác phòng chống HIV/AIDS.
Theo ước tính của Bộ Y tế, hiện cả nước hiện có gần 250.000 người nhiễm HIV. Trong năm 2023, cả nước ghi nhận gần 13.500 trường hợp nhiễm HIV mới và 1.623 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm HIV mới phát hiện tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam chiếm đến 77% cả nước, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long (33%), thành phố Hồ Chí Minh (23%) và khu vực Đông Nam Bộ (21%). Nam giới chiếm 84 % và lây qua đường tình dục chiếm 80% trong số xét nghiệm HIV phát hiện mới.
Mời độc giả xem thêm video:
BSCK2 Võ Công Đoàn, PGĐ CDC Đồng Tháp nói về sự cần thiết của hệ thống y tế tư nhân trong phòng chống HIV/AIDS.