Bài thuốc kết hợp trị chứng mẩn ngứa mề đay

21-04-2022 07:57 | Thầy giỏi – thuốc hay

SKĐS - Mẩn ngứa mày đay là một bệnh dị ứng ngoài da, thuộc các chứng "huyết cam", "dương phong", "ẩn chẩn" trong y học cổ truyền.

1.Nguyên nhân gây mẩn ngứa

Theo y học cổ truyền, bệnh mẩn ngứa, mề đay chủ yếu do hai nguyên nhân:

- Do phong hàn hoặc phong nhiệt xâm nhập vào cơ thể, lưu lại ở da (gọi là cơ phu thể biểu) gây nên.

- Do huyết hư mà sinh phong táo gây nên chứng ngứa.

Theo nghiên cứu hiện đại, bệnh mẩn ngứa mày đay có thể do chế độ ăn uống, sinh hoạt, làm việc mất cân bằng, do dùng thuốc, hệ miễn dịch suy yếu, rối loạn nội tiết

Hoặc do môi trường bên ngoài bao gồm những dị ứng nguyên khác nhau như: Bụi, phấn hoa, côn trùng, thức ăn lạ, hóa chất...

Việc điều trị của y học hiện đại có hiệu quả nhanh, tuy nhiên hiệu ứng kéo dài và khả năng phòng chống tái phát vẫn là một vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.

2. Biểu hiện của bệnh

Trên da đột nhiên xuất hiện những nốt mẩn, gồ cao hơn mặt da, ranh giới rõ ràng, màu hồng nhạt, ở giữa màu nhạt hơn, thành vết, thành đám, hình tròn hoặc vằn vèo, kích thước và số lượng thay đổi tùy lúc. Vị trí hạn chế ở từng vùng hoặc lan khắp người, càng gãi càng mẩn đỏ và càng ngứa hơn.

Trường hợp những nốt mẩn tịt chỉ xuất hiện trong vài phút, rồi lặn, không để lại dấu vết, đó là mày đay cấp tính nhẹ. Với trường hợp này, có thể chỉ cần nằm nghỉ ngơi, giữ vệ sinh da, uống nhiều nước, cần tránh gãi mạnh, vì càng làm ngứa tăng thêm, có thể gây sây xước, chảy máu, nhiễm khuẩn, thậm chí bội nhiễm.

photo-1650427923598

Mề đay dị ứng

3. Thuốc sắc uống điều trị mẩn ngứa mề đay

Tùy từng thể bệnh mà dùng bài thuốc phù hợp:

3.1.Thể phong nhiệt

- Biểu hiện: Nốt chẩn đỏ tươi, nóng rát, ngứa kịch liệt, phiền táo, miệng khát; có thể kèm theo sốt, sợ lạnh, họng sưng đau, gặp nóng bệnh phát nặng thêm, rêu lưỡi trắng hoặc vàng nhạt, mạch tế sác (nhỏ nhanh). Bệnh thường phát sinh trong các mùa Xuân, Hạ.

- Phép chữa: Trừ phong, thanh nhiệt, chống ngứa.

 Có thể sử dụng một trong số bài thuốc sau, dùng liên tục trong 7-10 ngày là một liệu trình:

Bài 1: Tang diệp (lá dâu tằm) 10g, vỏ bí đao 20g, mật ong lượng thích hợp.

Lá dâu, vỏ bí đao sau khi rửa sạch cho vào nồi, thêm lượng nước thích hợp, nấu sôi khoảng 20 phút; chắt lấy nước, hòa mật ong vào; chia uống trong ngày. Dùng liền trong 7 ngày là một liệu trình.

Bài 2: Kim ngân hoa 12g, vỏ núc nác 12g, lá đơn đỏ (đơn mặt trời) 6g. Sắc nước uống trong ngày.

Bài 3: Kim ngân hoa 12g, phù bình (bèo cái) 6g. Sắc nước uống trong ngày.

Bài 4: Dùng lá đơn răng cưa 20g, lá đơn đỏ 20g, đơn tướng quân (sao qua) 20g, củ khúc khắc 20g, cam thảo đất 20g (hoặc cam thảo bắc 8g), kim ngân hoa 20g. Sắc nước uống trong ngày.

Bài 5: Tang diệp (lá dâu tằm) 10g, cúc hoa 10g, kim ngân hoa 10g, trúc diệp (lá tre hoặc lá trúc) 5g, bạc hà 4g, đan bì 6g, xích thược 10g, cam thảo 5g. Sắc nước uống trong ngày.

3.2. Thể phong hàn

- Biểu hiện: Nốt chẩn sắc trắng, ngứa, gặp gió lạnh thì phát nặng, thời tiết ấm thì bệnh giảm nhẹ. Chất lưỡi đỏ nhạt, rêu lưỡi trắng; mạch phù (nổi trên mặt da). Bệnh thường phát sinh trong mùa Thu, Đông.

- Phép chữa: Trừ phong, tán hàn, chống ngứa.

 Có thể sử dụng một trong số bài thuốc sau, dùng liên tục trong 7-10 ngày là một liệu trình:

Bài 1: Hương nhu 12g, bèo cái 6g. Sắc nước uống trong ngày.

Bài 2: Quế chi 6g, kinh giới 10g, tía tô 10g, hành 15g (để cả củ), gừng tươi 8g. Sắc nước uống trong ngày.

Bài 3: Kinh giới 6g, tô diệp 8g, xuyên khung 6g, quế chi 6g, bạch thược 6g, cam thảo 5g, gừng tươi 5g, đại táo 5 quả. Sắc nước uống trong ngày.

photo-1650427927036

Dạ giao đằng vị thuốc bổ huyết thông kinh mạch trị ngứa

3.3. Thể huyết hư phong táo (thể mạn tính)

- Biểu hiện: Bệnh kéo dài lâu ngày, thỉnh thoảng lại phát tác, buổi chiều và buổi tối phát nặng hơn. Kèm theo tâm phiền, dễ cắu giận, miệng khô, lòng bàn chân bàn tay nóng. Chất lưỡi đỏ khô, rêu lưỡi ít; mạch tế (nhỏ yếu). Bệnh có thể phát sinh trong cả 4 mùa.

- Phép chữa: Dưỡng huyết, nhuận táo, trừ phong, chống ngứa.

Có thể sử dụng một trong số bài thuốc sau, dùng liên tục trong 7-10 ngày là một liệu trình:

Bài 1: Đương quy 10g, bạch thược 10g, kinh giới 6g. Sắc nước uống trong ngày; dùng liên tục trong 7 ngày.

Bài 2: Thục địa 12g, hạn liên thảo (cỏ nhọ nồi) 10g, nhẫn đông đằng (dây kim ngân) 10g. Sắc nước uống trong ngày.

Bài 3: Sinh địa 15g, bạch thược 10g, đan sâm 10g, đương quy 6g, xuyên khung 6g, huyền sâm 10g, hà thủ ô chế 10g, đan bì 10g, thuyền y 6g, cam thảo 6g. Sắc nước uống trong ngày.

4. Thuốc dùng ngoài điều trị mẩn ngứa mề đay

Dùng 1 trong số bài thuốc dưới đây với công dụng làm lưu thông huyết mạch, tăng cường nuôi dưỡng da, làm cho da được nhu nhuận và kích thích các huyệt vị tại chỗ hoặc toàn thân theo đó mà tà khí cũng được bài trừ.

Bài 1: Phòng phong 20g, ngải diệp 20g, khổ sâm 30g, kinh giới 20g, bạch tiên bì 20g, sà sàng tử 20g, đương quy 20g. 

Tất cả sắc với 4 lít nước trong 20 phút, sau đó bỏ bã lấy nước, chế thêm nước nguội sao cho nhiệt độ vào khoảng 50 độ C là vừa. Ngâm rửa vùng bị bệnh trong 30 phút, mỗi ngày 2 lần. Nếu ngứa toàn thân thì tăng liều lượng mỗi vị gấp đôi hoặc gấp ba. Trẻ em thì giảm liều bằng nửa người lớn và để nguội hơn. Nếu ngứa nhiều có thể tăng lượng khổ sâm gấp đôi. Mỗi thang có thể dùng trong 2 ngày.

Bài 2: Dạ giao đằng 200g, thương nhĩ tử 100g, bạch tật lê 100g, bạch tiên bì 20g, sà sàng tử 20g, thuyền thoái 20g. 

Tất cả sắc với 5000 ml nước trong 20 phút, sau đó bỏ bã lấy nước, chế thêm nước lạnh cho độ ấm vừa phải, ngâm rửa bộ phận bị bệnh trong 30 phút. Tùy theo diện tích tổn thương mà tăng liều lượng cho phù hợp. Mỗi thang có thể dùng trong 2 ngày, mỗi ngày 2 lần.

Bài 3: Đương quy 30g, hoàng tinh 30g, khổ sâm 30g, địa phu tử 30g, sà sàng tử 20g, bạch tiên bì 20g, bạc hà 20g, băng phiến 10g, thấu cốt thảo 30g, hoa tiêu 15g.

 Tất cả sắc với 5000 ml nước trong 20 phút, sau đó bỏ bã lấy nước, chế thêm nước lạnh cho độ ấm vừa phải, ngâm rửa vùng bị bệnh trong 30 phút, mỗi ngày 2 lần. Để tiện sử dụng, có thể sắc đặc cô thành viên, khi dùng hòa với nước sôi, chế thêm nước lạnh, tắm ngâm.

Bài 4: Ngải cứu 90g, hùng hoàng 6g, hoa tiêu 6g, phòng phong 30g. 

Tất cả sắc với 3000 ml nước trong 15 phút, sau đó xông hơi vùng bị bệnh trong vài phút rồi bỏ bã lấy nước ngâm rửa tổn thương, mỗi ngày 2 lần. Tùy theo diện tích bị bệnh mà gia giảm liều lượng các vị thuốc cho phù hợp, trẻ em dùng 1/2 hoặc 1/3 liều người lớn.

Bài 5: Kinh giới 30g, phòng phong 30g, tử thảo 20g, thuyền thoái 20g, bạch tật lê 30g, bạch tiên bì 30g, khổ sâm 30g, sà sàng tử 30g, địa phu tử 30g, thổ phục linh 30g, thương truật 30g, hoàng bá 30g. Nếu mẩn ngứa do lạnh thì gia thêm hoàng kỳ 30g, quế chi 30g, tế tân 15g. Nếu mẩn ngứa do nhiệt thì gia thêm sinh địa 30g, xích thược 30g, đan bì 30g. Nếu ngứa dữ dội thì gia thêm ô tiêu xà 30g. 

Tất cả đem sắc với 5000 ml nước trong 15 - 20 phút, sau đó bỏ bã lấy nước, chế thêm nước lạnh cho đủ độ ấm, ngâm rửa bộ phận bị bệnh trong 30 phút, mỗi ngày 1 lần, 6 ngày là 1 liệu trình. Kiêng ăn đồ sống lạnh, tôm cua cá ốc và các thức ăn có tính kích thích.

Bài 6: Khổ sâm 30g, địa du 20g, đại hoàng 20g, đại phi dương (hoa ban) 30g, địa phu tử 30g, sà sàng tử 20g, kinh giới 30g, phèn phi 15g, cam thảo 20g. Tất cả đem sắc với 4000 ml nước trong 20 phút, sau đó bỏ bã lấy nước, chế thêm nước lạnh cho vừa ấm rồi ngâm rửa trong 30 phút, mỗi ngày 2 lần.

Bài 7: Kinh giới 30g, phòng phong 30g, xuyên khung 20g, tô diệp 20g, hoàng tinh 30g, sà sàng tử 30g. Tất cả đem sắc với 3000 ml nước trong 20 phút, sau đó bỏ bã, chế thêm nước lạnh cho đủ ấm rồi ngâm rửa nơi bị bệnh, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 30 phút.

Mời bạn xem thêm video:

Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng

ThS Hoàng Khánh Toàn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn