Ngứa da chữa thế nào?

27-02-2022 11:15 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Ngứa da gây khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

6 cách kiểm soát ngứa da khi bạn bị bệnh vẩy nến6 cách kiểm soát ngứa da khi bạn bị bệnh vẩy nến

SKĐS - Nếu ngứa da ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bạn, hãy xem xét các phương pháp dưới đây để giảm bớt tình trạng này…

1. Vì sao ngứa da?

Da có chứa các tế bào đặc biệt của hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể tránh virus, vi khuẩn… xâm nhập. Khi gặp các dị nguyên, các tế bào này sẽ kích hoạt phản ứng khiến vùng da này bị viêm. Điều này có thể dẫn đến ngứa.

Ngứa là hiện tượng da bị kích ứng khiến người mắc phải muốn gãi vùng ngứa. Cảm giác ngứa có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể gây bực bội và khó chịu.

Có nhiều nguyên nhân khiến ngứa ngoài da, thông thường là do: Da khô, côn trùng cắn, viêm da dị ứng, mày đay, viêm da thần kinh, ghẻ, do tác dụng phụ của thuốc, do một bệnh lý (đái tháo đường, HIV/AIDS, xơ gan, suy thận...).

2. Ai dễ bị ngứa da?

Ai cũng có thể bị ngứa, tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt có thể dễ dàng bị ngứa:

  • Người già
  • Phụ nữ mang thai
  • Bệnh nhân đái tháo đường
  • Những người bị dị ứng theo mùa, hen suyễn, bệnh chàm, HIV/AIDS, ung thư.
photo-1645868338910

Ngứa là hiện tượng da bị kích ứng khiến người mắc phải muốn gãi vùng ngứa.

3. Điều trị ngứa da thế nào?

Để điều trị dứt điểm các cơn ngứa, cần xác định và giải quyết triệt để nguyên nhân gây ngứa. Với những trường hợp không xác định được nguyên nhân hoặc không thể xử lý được triệt để nguyên nhân gây ngứa, việc điều trị triệu chứng là hết sức quan trọng.

3.1 Điều trị ngứa da không dùng thuốc

  • Hạn chế gãi: Gãi làm tăng kích ích da và càng làm cho tình trạng ngứa nặng hơn.
  • Cắt ngắn móng tay.
  • Mặc quần áo nhẹ, rộng.
  • Tránh tắm nước nóng.
  • Không ăn thức ăn có chất kích thích, đồ cay nóng
  • Tránh dùng xà phòng, dầu gội, sữa tắm gây kích ứng da hoặc gây ra phản ứng dị ứng.
  • Chườm đá hoặc nước mát lên vùng da bị ngứa.
  • Dùng kem dưỡng ẩm không chứa chất tạo mùi và chất tạo màu.
  • Bôi tinh dầu bạc hà có thể làm mát tại chỗ ngứa.
  • Tránh để không khí ấm, khô, vì có thể làm cho da khô. Nên giữ nhiệt độ trong nhà phù hợp và sử dụng máy tạo độ ẩm.

3.2 Các biện pháp dùng thuốc

Để điều trị ngứa ngoài da có hai dạng thuốc: Thuốc có tác dụng toàn thân và bôi tại chỗ

- Thuốc bôi tại chỗ

Các loại thuốc này thường sử dụng trong các trường hợp ngứa khu trú do ban đỏ hoặc vết đốt côn trùng.

+ Thuốc kháng histamine: Mepyramine, diphenhydramine… bôi tại chỗ ở các bệnh nhân bị ngứa do viêm da tiếp xúc.

Diphenhydramine chỉ được sử dụng ngoài da theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Tác dụng phụ thường gặp của diphenhydramine bao gồm buồn ngủ, mệt mỏi, chóng mặt, rối loạn phối hợp, khô miệng và khó tiêu. Diphenhydramine cũng có thể gây mờ mắt, nhìn loạn, run, mất cảm giác ngon miệng hoặc buồn nôn.

Mepyramine là thuốc kháng histamine thế hệ đầu tiên được sử dụng trong điều trị dị ứng, giảm cảm giác mẫn cảm với phản ứng quá mẫn và rối loạn ngứa da.

+ Thuốc gây tê: Có thể dùng benzocaine, lidocaine hoặc tetracaine để làm giảm ngứa khá hiệu quả.

Cần lưu ý tránh dùng trên diện rộng và kéo dài, vì có thể gây rối loạn nhịp tim. Đồng thời, chỉ dùng các thuốc này ngắn ngày và trên diện tích da hẹp.

Ngoài ra có thể dùng một số loại thuốc bôi ngoài da như: Crotamiton, strontium nitrate, capsaicin, tinh dầu bạc hà…

photo-1645868341754

Dùng thuốc bôi tại chỗ cũng cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ.


- Thuốc uống

Các thuốc dạng uống có tác dụng toàn thân, thường dùng ở bệnh nhân bị ngứa lan tỏa, hoặc những trường hợp dùng thuốc điều trị tại chỗ không có hiệu quả.

+ Thuốc kháng histamin: Có thể dùng các thuốc chlorphenamine, cetirizine, loratadine, hydroxyzine, cimetidine, ranitidine...

+ Thuốc doxepin: Có thể sử dụng doxepin để điều trị ngứa không đáp ứng với các thuốc kháng histamine khác. Cần lưu ý, thuốc này có thể gây nhức đầu, buồn nôn, ngầy ngật, khô miệng, run chân tay…

Ngoài ra có thể dùng ondansetron, paroxetine, naloxone, mirtazapine…

Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc phù hợp. Do đó, để dùng thuốc trị ngứa an toàn, hiệu quả, người bệnh cần lưu ý:

  • Không được tự ý dùng thuốc điều trị ngứa.
  • Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Dùng thuốc đúng liều lượng, thời gian.
  • Với các dạng thuốc bôi tại chỗ, không sử dụng thuốc trên diện rộng cơ thể hoặc sử dụng quá mức cho phép.
  • Tránh để thuốc dính vào mắt, mũi, tai, miệng. Nếu bị dính thuốc, cần rửa sạch ngay vùng bị ảnh hưởng.

4. Ăn gì khi bị ngứa da?

4.1 Chế độ ăn cần tránh

Khi bị ngứa, người bệnh nên hạn chế:

  • Ăn hải sản
  • Sữa và các chế phẩm từ sữa
  • Sữa và các chế phẩm (phô mai, sữa bò, sữa chua, bơ, kem) có hàm lượng cao vitamin D, protein, canxi… có khả năng kích thích hoạt động tiết bã nhờn trên da, khiến vết thương khó lành, tăng khả năng tái viêm.
  • Giảm chất béo
    Người bệnh viêm da dị ứng nên hạn chế sử dụng thực phẩm chứa chất béo bão hòa từ các món chiên, nướng, xào, rán… Do sức đề kháng ở người bệnh mắc viêm da bị suy giảm, các chức năng của cơ thể cũng yếu đi, nên việc nạp quá nhiều chất béo sẽ khiến cơ thể phải hoạt động nhiều hơn. Do đó, khiến cơ thể mệt mỏi, đầy bụng, chán ăn.
  • Hạn chế các loại kẹo, bánh ngọt, trà sữa, bánh kem…
  • Hạn chế ăn đồ hộp
  • Hạn chế ăn đồ cay nóng, chứa nhiều dầu mỡ.
  • Thực phẩm muối chua.
  • Đồ uống có chất kích thích: Các loại rượu, bia, thuốc lá, cà phê…

4.2 Khi bị ngứa nên ăn gì?

  • Cá biển.
  • Rau củ quả tươi.
  • Thịt lợn.
  • Ngũ cốc nguyên hạt.
  • Nên uống nhiều nước để giữ ẩm cho da, hạn chế tình trạng da khô. Nước giúp thải độc cho cơ thể, giúp duy trì độ đàn hồi của da, da căng bóng.

5. Làm gì để tránh ngứa da?

  • Không tắm bằng nước nóng, chỉ nên tắm nước ấm trong mùa đông.
  • Nên bôi kem dưỡng thể giữ ẩm cho da. Không để da khô, nứt, chảy máu khiến vi khuẩn xâm nhập vào trong.
  • Không lạm dụng các sữa tắm chứa nhiều chất tẩy để tắm rửa hằng ngày.
  • Không nên thức quá khuya, ngủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày.
  • Tập luyện phù hợp để tăng cường sức đề kháng.
  • Không gãi hoặc cào mạnh vào vùng da bị nhiễm bệnh.
  • Không sử dụng các loại đồ ăn gây dị ứng.
  • Uống đủ nước.
  • Ăn nhiều trái cây và rau xanh mỗi ngày.
  • Tránh căng thẳng, mệt mỏi.
  • Thường xuyên vệ sinh phòng ngủ, làm sạch chăn màn…

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng.

BS. Nguyễn Khánh
Ý kiến của bạn