Mề đay là một bệnh ngoài da phổ biến dễ nhận biết, tuy không có khả năng lây truyền từ người này sang người khác nhưng lại khiến người bệnh gặp nhiều trở ngại. Thể mạn tính là bệnh tái phát nhiều lần, kéo dài trên 3 tháng, nó không chỉ làm cho người bệnh ngứa ngáy, khó chịu mà còn ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, lao động, tâm lý, có thể còn kèm theo biến chứng và nhiều trường hợp không tìm được nguyên nhân.
Mề đay khiến người bệnh khó chịu và gây mất thẩm mỹ.
Nguyên nhân của bệnh mề đay mạn tính
Một trong những nguyên nhân phổ biến và được biết đến nhiều nhất chính là yếu tố cơ địa dị ứng. Theo đó, người bệnh rất nhạy cảm với chất kích thích và các yếu tố ngoại lai. Chẳng hạn thức ăn tanh như cua, tôm, cá, ốc, hến, hay đồ hộp, thịt bò, thịt gà hoặc các loại thuốc kháng sinh, an thần, hạ nhiệt, giảm đau, hoặc các loai thảo mộc như là cây hoa, phấn hoa, các loại ký sinh trùng đường ruột, khí hậu thời tiết, hóa chất... Ngoài ra, yếu tố tinh thần như bực bội, lo lắng, hoặc buồn phiền quá mức cũng có thể tác động vào cơ thể sinh bệnh.
Cơ chế bệnh sinh theo y học cổ truyền:
Thứ nhất, do cảm nhiễm phong hàn hoặc phong nhiệt bởi yếu thời tiết như gió, mưa, lạnh, nóng ứ đọng (uẩn tích) tại biểu bì (bì phu) khiến dinh vệ mất điều hòa.
Thứ hai, do trường vị (đại tràng và dạ dày) thấp nhiệt lại cảm nhiễm phong tà uất tại cơ bì. Hoặc ăn chất tanh lạnh, ký sinh trùng đường ruột gây thấp nhiệt nội sinh.
Thứ ba, bẩm thụ cơ thể suy nhược, khí huyết bất túc (không đầy đủ), bệnh lâu ngày khí huyết hao tổn, sức chống đỡ bệnh tà yếu, phong tà xâm nhập sinh bệnh.
Thứ tư, tình trí nội thương, chức năng can thận suy yếu, da cơ thiếu dinh dưỡng, sinh khô táo mà sinh bệnh.
Triệu chứng lâm sàng
Mề đay thể mạn tính có khi dai dẳng đến hàng tuần và hay tái phát bệnh, có thể khó thở do phù niêm mạc hầu họng hoặc đau bụng, đau khớp. Cá biệt một số trường hợp chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi, chảy nước bọt, nước mắt, và sốt cao.
Thể mạn tính, nốt ban chẩn ửng đỏ, da khô, tái phát nhiều lần, bệnh kéo dài vài tháng đến hàng năm, khi ăn chất tanh bệnh tăng, lưỡi khô, váng, mạch huyền sác.
Điều trị mề đay mạn tính
Phép trị mề đay mạn tính: Dưỡng huyết, thanh nhiệt, tiêu độc.
Bài thuốc: Tứ vật tiêu độc.
Liều dùng: Thuốc uống theo thang, mỗi ngày 1 thang, sắc 3 lần, uống thuốc khi nguội vừa tới và uống lúc bụng lưng lửng (không no, không đói).
Vị thuốc (cho mỗi thang): Xuyên khung 10 gram, đương quy 10 gram, xích thược 13 gram, huyền sâm 15 gram, kim ngân 12 gram, liên kiều 12 gram, cúc hoa 12 gram, thương nhĩ tử 15 gram, thổ phục linh 15 gram, kinh giới 12 gram, xác ve 4 gram, cam thảo 6 gram.
Gia giảm:
Đại tiện táo: Gia hắc ma nhân 15 gram (vừng đen), thảo quyết minh 12 gram (hạt muồng), mạch môn 12 gram.
Tinh thần không thư thái hay cáu giận, ngực sườn đầy tức: Gia sài hồ 10 gram, bạch thược 12 gram, đan bì 12 gram, thanh bì 12 gram.
Có giun: Gia binh lang 12 gram (hạt cau), sử quân tử 12 gram (hạt xoan rừng), phi tử 12 gram (hạt hẹ).
Khí huyết hư (người gầy yếu, da khô, hoa mắt): Gia sinh hoàng kỳ 15 gram, đẳng sâm 12 gram.
Một số bài thuốc kinh nghiệm áp dụng cho cả hai thể bệnh cấp tính và mạn tính:
- Bạch chỉ tán bột hòa nước hoặc rượu bôi.
- Lá khế chua tươi giã nát lấy nước bôi hoăc xát.
- Rễ cỏ tranh tươi 100-200g/ngày sắc uống.
- Đậu đỏ 40g, ý dĩ 40g, sắc uống.
- Bèo cái tía tươi (bỏ rễ) 100g, lá muồng trâu sắc uống hoặc chỉ dùng 1 vị bèo cái tía cũng được.
- Đơn tướng quân, đơn mặt trời, củ khúc khắc, cam thảo đất kim ngân (cây và hoa ), quả ké, mỗi vị 20g. Chú ý: Tẩy giun định kỳ, trong thời gian mắc bệnh kiêng chất tanh thủy sản (tôm, cua, cá, ốc, hến) nhộng tằm.
- Xa sàng tử 40g sắc lấy nước, bỏ bã thuốc để tắm.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thông điệp 5T- Pháo đài chống dịch COVID-19 trong tăng cường giãn cách xã hội