1. Nguyên nhân nào dẫn đến mề đay?
Mề đay là một dạng phát ban dị ứng. Các dị nguyên sẽ kích thích tế bào miễn dịch trong cơ thể phóng thích các hoạt chất trung gian như histamine, bradykinin… Đây là các chất hoạt hóa thành mạch dẫn đến phù nề trong da do giãn mạch máu.
Dị ứng nguyên sẽ chia thành hai nhóm:
- Yếu tố bên trong: Do di truyền, cơ địa có gen dị ứng có thể đi kèm các bệnh lí cơ địa như viêm da cơ địa, hen, viêm mũi dị ứng…
- Yếu tố bên ngoài: Do sử dụng thuốc, dị ứng thức ăn (sữa, hải sản, bò…), dị ứng nguyên có trong không khí (phấn hoa, mạt nhà, hóa chất, khói bụi…); nhiệt độ (nóng, lạnh); áp lực, ánh nắng, hoạt động gắng sức…
2. Biểu hiện của mề đay thế nào?
Đột ngột xuất hiện các sẩn phù ranh giới rõ, kích thước 1-8 cm màu đỏ hoặc màu trắng với vành đỏ xung quanh, hình tròn, ovan hoặc đa cung, ngứa nhiều. Các sẩn phù thường lan rộng thành những mảng lớn. Thời gian tồn tại ngắn, thường dưới 24 giờ.
Ngoài ra còn kèm theo các triệu chứng: Ngứa; sưng nề mí mắt, môi, lưỡi, đầu chi và các vị trí khác do phù nề dưới da ở các phản ứng dị ứng nặng.
Nếu mề đay cấp sẽ khởi phát và kéo dài trong vòng 6 tuần sẽ khỏi. Nếu kéo dài trên 6 tuần là mề đay mạn tính
3. Điều trị mề đay thế nào?
Mề đay là một bệnh lý dị ứng do đó việc điều trị chính sẽ là dùng các loại thuốc kháng dị ứng, thuốc ức chế miễn dịch để làm giảm các phản ứng mạnh của hệ miễn dịch dị ứng. Việc dùng thuốc như thế nào phải dựa trên từng bệnh nhân cụ thể mà bác sĩ sẽ kê toa.
Ngoài ra, nếu trường hợp có thể xác định được yếu tố làm khởi phát đợt mề đay cấp thì việc hạn chế tiếp xúc cũng được xem là các biện pháp điều trị không dùng thuốc.
Các trường hợp mề đay mãn tính cần tầm soát một số bệnh lý tiềm ẩn. Điển hình như nhiễm giun sán, suy giảm chức năng gan, nhiễm trùng mãn tính, nhiễm vi khuẩn Hp hay các vấn đề về tuyến giáp. Giải quyết các vấn đề này sẽ giúp mức độ mề đay giảm xuống.
3.1 Điều trị mề đay bằng thuốc
Thuốc kháng histamin: Các thuốc kháng histamin thế hệ 1 có tác dụng giúp giảm các triệu chứng dị ứng ngứa nhanh, nhưng tác dụng phụ có thể gặp là buồn ngủ, khô miệng, tim đập nhanh, nhìn mờ, rối loạn tiết niệu… Ngoài ra thuốc còn có thể tương tác với một số thuốc khác làm tăng hoặc giảm tác dụng chính của thuốc. Do đó thuốc hiện nay ít được chỉ định hơn.
Các thuốc kháng histamin thế hệ 2 như: Cetirizine, levocetirizine, desloratadine, fexofenadine, loratadine khắc phục được tác dụng phụ gây gây buồn ngủ, nên được chỉ định nhiều hơn.
Kháng histamin được chỉ định khá phổ biến đối với các triệu chứng của dị ứng. Tuy nhiên đây chỉ là thuốc điều trị triệu chứng chứ không phải thuốc điều trị căn nguyên gây ra dị ứng. Do đó người bệnh cần tuân theo chỉ định của bác sĩ. Khi triệu chứng của dị ứng đã hết thì cần dừng thuốc, tránh lạm dụng.
Corticoid toàn thân: Corticoid toàn thân dạng uống hoặc tiêm chỉ nên dùng khi tình trạng dị ứng nổi mề đay cấp, nặng, có phù thanh quản gây khó thở.
Thuốc cũng có thể được dùng trong một số trường hợp mề đay do viêm mạch; mày đay mạn tính không đáp ứng với các thuốc kháng histamin thông thường.
Corticoid toàn thân có chỉ định chặt chẽ, do đó bệnh nhân không tự ý mua sử dụng mà cần có chỉ định và hướng dẫn dùng của bác sĩ.
Ngoài ra, đối với những bệnh nhân bị mề đay nặng, kháng trị với các biện pháp dùng thuốc thông thường, có thể được chỉ định dùng thuốc ức chế miễn dịch.
3.2 Một số cách điều trị mề đay tại nhà
Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh có thể áp dụng một số hướng dẫn sau tại nhà để khắc phục triệu chứng bệnh mề đay:
- Chườm lạnh: Bạn có thể làm mát tạm thời vùng da bị nổi mề đay bằng khăn lạnh, túi chườm hay đá lạnh. Nhiệt độ lạnh có thể làm giảm kích ứng da. Đồng thời ức chế tạm thời cảm giác ngứa ngáy, sưng đau. Người bệnh sử dụng túi chườm chuyên dụng hoặc lấy một khăn vải mỏng bọc đá viên lại rồi áp vào vùng da bị tổn thương. Lưu ý chỉ nên chườm khoảng 15-20 giây rồi lấy túi chườm ra sau đó lặp đi lặp lại hành động này trong khoảng 10-15 phút để tránh làm da bỏng lạnh.
Chú ý nếu bạn nổi mề đay do lạnh thì bạn có thể thay đổi bằng phương pháp chườm ấm.
- Sử dụng nha đam: Nha đam cũng là nguyên liệu quen thuộc có thể dùng làm dịu da và giảm ngứa. Bạn có thể dùng gel nha đam để thoa lên vùng da nổi mề đay trong 10-15 phút. Lưu ý nên dùng loại gel nha đam đã qua sản xuất thay vì dạng tự nhiên để hạn chế dị ứng.
- Mặc quần áo rộng, thoáng mát thoải mái, tránh các loại sợi len, sợi vải kích thích da.
- Hạn chế cào gãi, hoạt động cào gãi làm kích thích tăng sản xuất histamine tại chỗ và bạn sẽ còn ngứa hơn
- Tắm rửa bằng sữa tắm dịu nhẹ
- Lối sống lành mạnh và sinh hoạt điều độ.
Mề đay là bệnh lý hiếm khi gây nguy hiểm đến tính mạng, trừ các trường hợp rất nặng mà chủ yếu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống do đó hãy bình tĩnh đương đầu.
Mời độc giả xem thêm video:
Đại dịch Covid-19: Bùng lên những con "sâu rượu" ở Vương quốc Anh | SKĐS