Cách đây tròn 75 năm, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (năm 1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Tiếp nối tinh thần đó, văn hóa Việt Nam sau 35 năm đổi mới đã cho thấy những chuyển biến tích cực, có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Đảng ta xác định: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Xác định phát triển văn hoá đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Nói sâu sắc, ngắn gọn như Bác Hồ là: "Văn hoá soi đường cho quốc dân đi"! Nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…
Có thể khẳng định, văn hóa các dân tộc đã góp phần vào việc giáo dục chân, thiện, mỹ cho nhân dân, quan trọng hơn là thông qua đó đã thực hiện được đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước là phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, ngành văn hóa và những người đam mê nghệ thuật đã cùng chính quyền các cấp sưu tầm, biên soạn, phát huy những giá trị nghệ thuật để lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc trong cộng đồng 54 dân tộc anh em. Trong đó "Vũ điệu kết đoàn" của bà Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội là một tác phẩm đặc sắc.
Được sinh ra và lớn lên trong môi trường văn hóa đậm đà bản sắc của cộng đồng các dân tộc Tây Bắc, bà Tòng Thị Phóng được đắm mình trong các điệu múa, vòng xòe, trong tiếng trống chiêng âm vang rừng núi, cùng với những cảm nhận sâu sắc về giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Bà Tòng Thị Phóng không chỉ đảm nhiệm tốt cương vị là lãnh đạo Đảng và Nhà nước mà còn rất đam mê nghiên cứu, tìm hiểu và mong muốn giữ gìn, tôn tạo và xây dựng những giá trị văn hóa, nghệ thuật để lưu truyền cho con cháu mai sau.
Theo bà Tòng Thị Phóng, muốn hòa nhập cộng đồng, muốn tham gia các nội dung liên quan đến hoạt động chính sách thì cái đầu tiên cần phải hoà nhập chính là bản sắc văn hóa. Chính vì vậy, khi được phân công làm công tác dân tộc, bà đã nỗ lực, dày công nghiên cứu, dồn nhiều tâm huyết để làm nên một tác phẩm mang tính đoàn kết dân tộc.
"Vũ điệu kết đoàn" là một tác phẩm văn hóa có ý nghĩa giữ gìn bản sắc văn hóa của 12 dân tộc cư trú tại tỉnh Sơn La và sự giao thoa văn hóa với các dân tộc khác trong vùng Tây Bắc.
Đây là một tác phẩm rất thiết thực, ý nghĩa, không chỉ đơn thuần là một sản phẩm nghệ thuật kết tinh những nét đẹp văn hóa của các dân tộc, góp phần làm giàu thêm kho tàng giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa đặc biệt là thông điệp hiệu triệu tình đoàn kết các dân tộc.
Xem thêm video đang được quan tâm
Lưu ý khi tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi