Để trả lời cho câu hỏi, làm thế nào để các hoạt động xã hội hóa văn học nghệ thuật đem lại hiệu quả thực sự, chúng tôi đã thực hiện cuộc trò chuyện với nhà văn hóa Ngô Thảo. Ông nguyên là phó Tổng thư ký Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và có thực tiễn phong phú với các loại hình văn hóa nghệ thuật, không chỉ bó hẹp trong phạm vi sân khấu.
Đa thanh xã hội hóa văn hóa nghệ thuật
Võ Hồng Thu: Từ sự quan sát và đúc rút kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật hơn nửa thế kỷ, ông có nhận xét gì về thực tiễn xã hội hóa mà chúng ta đã thực hiện?
Nhà văn Ngô Thảo: Thực tế là hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của chúng ta đã trải qua hơn 30 năm phát triển, kể từ buổi ban đầu. Để trả lời câu hỏi này, tôi sẽ "điểm mặt" một số hoạt động cụ thể.
Điện ảnh Việt Nam là ví dụ dễ nhìn thấy nhất của sự tăng trưởng do xã hội hóa. Chả hạn như năm 2020, phim Bố già, riêng doanh thu nội địa đã đạt 400 tỉ đồng (chi phí sản xuất phim này khoảng 25 tỉ đồng. Bộ phim thậm chí còn vươn xa hơn thị trường nội địa, đặt chân tới những kinh đô điện ảnh lớn, ví dụ như Hoa Kỳ. Vậy thì với việc phim Việt làm ra để phục vụ người Việt, cho một tổng dân số gần 100 triệu và khoảng 5 triệu Việt kiều thì đây là một thị trường đầy tiềm năng cho các các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật.
Sân khấu xã hội hóa xuất hiện khá sớm, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh. Với hình thức sân khấu nhỏ, dù là do tư nhân bỏ vốn hay do sự đóng góp của nhiều cổ đông, ngay từ khi thành lập mô hình này đã được định hướng về mặt tư tưởng, hình thức thể hiện, nội dung mang tính nhân văn và hoạt động theo cơ chế thị trường.
Tiêu biểu là sân khấu nhỏ 5B và từ cái nôi này đã hình thành nên những tên tuổi được xem là thế hệ vàng của sân khấu kịch nói TP. Hồ Chí Minh sau ngày đất nước thống nhất như: Thành Lộc, Việt Anh, Thành Hội, Hữu Châu, Hồng Vân, Thanh Hoàng, Mỹ Uyên,Thanh Thủy, Ái Như, Công Ninh, Minh Nhí, Minh Hải, Phú Hải, Trần Cảnh Đôn, Kim Loan, Phương Linh…
Những năm gần đây, ngoài Bắc có Sân khấu Lệ Ngọc. Trong hai năm COVID-19 vừa qua, sân khấu này vẫn sôi nổi hoạt động, đã công diễn 6 vở diễn mới với hơn 150 buổi diễn chỉ trong năm 2020. Năm 2021, Sân khấu Lệ Ngọc đã hoàn thành dàn dựng hai vở "Dế Mèn" và "Làm vua". Trong đó, "Dế Mèn" gây tiếng vang với 20 đêm diễn liên tục tại Hà Nội; còn "Làm vua" đã xuất sắc giành Huy chương vàng lại Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 vừa kết thúc tại Hải Phòng.
Tuy nhiên, do không nằm trong quy hoạch, không có quỹ đất xây dựng các công trình hóa xã hội hóa, nên đơn vị sân khấu xã hội hóa toàn phải đi thuê địa điểm. Những đơn vị này, bao gồm cả dân ca, ca kịch truyền thống xã hội hóa rất cần nhận được sự quan tâm thiết thực hơn từ Nhà nước.
Trong lĩnh vực xuất bản, chúng ta cũng cần thừa nhận một thực tế là "bàn tay" của tư nhân tham gia rất sâu và chiếm tỉ trọng lớn. Cơ chế thị trường đã tác động tích cực tới việc khai thác bản thảo nhanh, nhạy, kịp thời. Nhiều ấn bản hay của thế giới cũng như Việt Nam nhờ thế đã được ra đời khá cập nhật. Tuy nhiên, thị trường cũng tham gia định hướng nội dung các xuất bản phẩm.
Theo tổng kết của các nhà sách, sách bán chạy hiện nay là sách dạy kỹ năng sống, kỹ năng làm giàu, sách ngôn tình, sách dịch… Dĩ nhiên, để tối đa hóa doanh thu, các nhà làm sách xã hội hóa phải chiều theo thị trường và như vậy khó tránh khỏi những tác phẩm lớn - phần đông kén người đọc - bị lép vế trong cạnh tranh.
Để xã hội hóa về văn hóa thực chất, phát triển
Võ Hồng Thu: Vậy theo ông, vai trò của các nhà quản lý là gì để các hoạt động xã hội hóa về văn hóa tiếp tục phát triển đúng hướng trong tình hình mới, thời mà người ta quan tâm nhiều đến khái niệm "nền công nghiệp văn hóa"?
Nhà văn Ngô Thảo: Để các hoạt động xã hội hóa về văn hóa tiếp tục phát triển đúng hướng, sự lãnh đạo của Đảng và điều tiết của Nhà nước cần mạnh dạn và trực tiếp, cụ thể và thiết thực hơn. Việc định hướng, đặt hàng các đề tài cho phim ảnh, phim truyền hình, các loại hình nghệ thuật, không chỉ dành cho các đơn vị nhà nước mà nên mở rộng sang cả các đơn vị tư nhân, xã hội hóa. Các đơn vị này cần được phép cạnh tranh công minh bằng tác phẩm. Một ví dụ trong lĩnh vực điện ảnh. Luật vốn là một văn bản quy phạm pháp luật cần có đời sống lâu dài và bền vững.
Nhưng trong hơn 10 năm qua, Luật Điện ảnh đã mấy lần sửa đổi và ngay trong phiên họp Quốc hội gần đây nhất, lại tiếp tục được thảo luận sửa đổi và điều chỉnh, chứng tỏ sự biến động nhanh chóng của thực tiễn trong lĩnh vực này. Khi đề xuất sự thay đổi, hẳn những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh muốn lưu ý cần phải thay đổi tư duy về quản lý hoạt động văn hóa, hướng đến xây dựng nền công nghiệp văn hóa; cần phải coi điện ảnh là ngành công nghiệp sản xuất phim, chứ không chỉ là dịch vụ chiếu phim và có chính sách cho ngành sản xuất này phát triển.
Nhiều năm qua, đã có những kênh truyền hình Nhà nước chỉ chuyên chiếu phim nước ngoài để tồn tại. Trong sự phát triển lệch pha, phương tiện và nhân lực chuyển tải nhiều hơn năng lực sản xuất sản phẩm có hàm lượng văn hóa cao, nên nhiều kênh truyền hình để cho sản phẩm nước ngoài tự do chiếm lĩnh, tung hoành, cộng với nhiều chương trình vô bổ, giải trí nông cạn. Hoặc thực tế cũng có không ít bộ phim, vở kịch do Nhà nước đặt hàng, với kinh phí không nhỏ, nhưng làm xong là cất kho hoặc chỉ công diễn/ công chiếu được rất ít.
Một lĩnh vực không thể không tính đến là thế giới mạng với muôn vàn loại hình và những lợi thế vô biên của nó. Nếu một tiểu thuyết mới chỉ in hàng nghìn, một tập thơ in vài trăm bản đã khó bán hết, thì ở những cộng đồng văn chương mạng lớn, một tác phẩm có thể đạt tới số lượng độc giả cao hơn gấp nhiều lần. Một ca sĩ không hẳn tài năng vẫn có thể có lượng fan khổng lồ và thu lợi từ việc "show" mình lên mạng. Một KOL lên những bài trên trang cá nhân của mình có thể đạt tới số lượng người đọc mà ngay những trang báo điện tử nghiêm túc ao ước còn lâu mới có được.
Sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội làm thay đổi nhiều hình thức hoạt động truyền thống, càng nhắc nhở sự quan tâm của những cơ quan lập chính sách, quy định trong thời kỳ mới.
Võ Hồng Thu: Trân trọng cảm ơn ông!
Xem thêm video đang được quan tâm:
MV "Tiếng chuông ngân trong gió" do ca sĩ nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng sáng tác, tưởng nhớ nạn nhân COVID-19. (Nguồn video: Youtube Hùng Nguyễn Bá).