Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã nêu ra 7 thành tựu, kết quả quan trọng trong việc xây dựng, phát triển văn hoá, con người Việt Nam trong 35 năm trở lại đây tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11. Trong đó, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19 từ cuối năm 2019 đến nay.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, đã có hàng trăm tỉ, hàng nghìn tỉ đồng từ ngân sách nhà nước hay được quyên góp từ các doanh nghiệp, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, các doanh nhân và nhà hảo tâm để hỗ trợ các địa phương và người dân gặp khó khăn. Đồng thời nhiều công trình, tác phẩm văn hóa, văn nghệ ra đời để động viên, khích lệ, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu; nhiều đơn vị văn hóa, văn nghệ, các văn nghệ sĩ đã hăng hái đi vào vùng tâm dịch để gửi hàng cứu trợ, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, hỗ trợ ngành y...
Tình người - bản sắc văn hóa của người Việt trong đại dịch
Kể từ khi COVID-19 xuất hiện tại nước ta, nhất là những thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Đà Nẵng, sau đó đến Bắc Giang, Bắc Ninh và làn sóng thứ 4 tại TP.HCM vừa qua, các tỉnh miền Tây Nam Bộ hiện nay, một trong những điểm sáng mà ai ai cũng nhận ra, đó là tình người trong đại dịch. Sự đoàn kết, sẻ chia, truyền thống tương thân tương ái của người Việt đã được kế thừa, phát triển và điều này đã hiện thực hóa chủ trương Đảng, Chính phủ và Nhà nước đã đặt ra: "không ai bị bỏ lại phía sau" trong dịch COVID-19 .
Không phân biệt thành phần xã hội, giới tính, độ tuổi…; người dân nói chung một lòng như một đã hướng về những địa phương, đồng bào chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng dù tuổi cao sức yếu vẫn đồng hành với dân tộc trong đại dịch toàn cầu.
Điển hình là mẹ Lê Thị Chi (91 tuổi ở Đà Nẵng) quyên góp số tiền 5 triệu đồng dành dụm được từ tiền lì xì và đồng quà của con cháu để ủng hộ Đà Nẵng chống dịch. Mẹ Ngô Thị Quýt (95 tuổi, TP.HCM) cặm cụi ngồi đạp máy khâu may từng chiếc khẩu trang vải tặng mọi người. Mẹ Nguyễn Thị Ba (Hà Tĩnh) tuổi 87 đi bộ đến động viên cán bộ và người cách ly với 5kg gạo, mớ rau vặt ở vườn mà khi nhìn vào khiến tất cả phải cảm động rơi nước mắt.
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ nhưng trong dịch COVID-19, nhiều em thiếu nhi cũng gây xúc động mạnh khi dành tiền tiết kiệm để ủng hộ cho các lực lượng tuyến đầu. Hai chị em ruột Nguyễn Minh Anh (lớp 8 trường Tiểu học Trần Quốc Toản) và Nguyễn Minh Quang (4 tuổi) tại TP. Hòa Bình đã đập lợn đất để ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 với số tiền gần 3 triệu đồng. Hay 3 em nhỏ Nguyễn Thiên Bảo, 6 tuổi; Đặng Quỳnh Anh, 12 tuổi và Vũ Ngọc Hà Vy, 14 tuổi đều ở TP Đồng Xoài, Bình Phước vừa qua đã đập heo đất tiết kiệm của mình trong nhiều năm để ủng hộ các lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Nguyễn Thiên Bảo, Đặng Quỳnh Anh, Vũ Ngọc Hà Vy đã tặng quà ủng hộ cho các tổ, chốt phòng dịch trên địa bàn huyện Đồng Phú 100 thùng nước suối, 20 thùng sữa, 15 thùng bánh gạo, 20 cây đèn pin với tổng số tiền quà tặng là gần 21 triệu đồng. Hoặc trường hợp của hai anh em Lê Hoàng Bách (lớp 5) và Lê Kim Khoa (lớp 1) ở Hậu Giang, đập heo đất được 620.000 đồng để ủng hộ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. "Chúng con mong góp chút tấm lòng, hy vọng dịch bệnh mau qua, để cuộc sống mọi người ổn định hơn", em Hoàng Bách chia sẻ.
Trong giới văn nghệ sĩ, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 nhưng nhiều diễn viên, ca sĩ, hoa hậu, người mẫu… cũng đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái. Nghệ sĩ Hoài Linh bán đấu giá bức tranh thư pháp kèm bài thơ về Quảng Nam được 700 triệu đồng và ủng hộ cho tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19. Ca sĩ Hòa Minzy ủng hộ Bắc Ninh 100 triệu đồng, Hải Dương 50 triệu đồng; ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng (ủng hộ 500 triệu), vợ chồng đạo diễn Lý Hải - Minh Hà (100 triệu) ủng hộ quỹ vaccine phòng chống COVID-19 của Chính phủ.
Nam ca sĩ Hà Anh Tuấn góp 25 tấn gạo, 50 ngàn trứng gà và 300 lít dầu ăn cho nhiều bếp ăn từ thiện trên địa bàn TP.HCM trong đợt dịch lần thứ 4; tặng 3.000 kit test COVID-19, hàng ngàn bộ trang phục bảo hộ y tế chuẩn chất lượng cùng hơn 10.000 khẩu trang N95 cho tỉnh Bắc Giang chống dịch. Ca sĩ Mỹ Tâm âm thầm ủng hộ 300 triệu đồng để hỗ trợ Bắc Giang phòng chống dịch. Ca sĩ Tùng Dương đã kêu gọi được 3 tỷ và dùng số tiền này mua giường xếp, máy thở, gạo để gửi đến TP.HCM để góp sức chống dịch. Tuấn Hưng kêu gọi được gần 1,3 tỷ đồng đồng hỗ trợ tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh phòng chống COVID-19.
Ngoài ra, rất nhiều nghệ sĩ như Quyền Linh, Đại Nghĩa, Hồ Ngọc Hà, Kim Tuyến, Lý Hùng, H’Hen Niê, Hồ Đức Vĩnh, Chi Pu, Đinh Hiền Anh, Trọng Tấn, Hà Phương, Nguyễn Quang Long, Xuân Bắc, Quốc Trung, Việt Hương, Ngô Trần Vũ, Xuân Lan, Hương Giang… đã ủng hộ bằng vật chất tới lực lượng tuyến đầu, các địa phương là điểm nóng của COVID-19 ở nước ta hoặc Quỹ vaccine phòng chống dịch của Chính phủ.
Sự chung tay, góp sức của các nghệ sĩ nói riêng và toàn dân nói chung với lực lượng tuyến đầu, đồng bào tại các địa phương là điểm nóng trong dịch COVID-19 đã làm sâu sắc thêm truyền thống, giá trị và bản sắc văn hóa con người Việt Nam trong thời đại mới. Giá trị và bản sắc văn hóa này luôn được người dân nước ta gìn giữ, kế thừa và phát triển đến tận hôm nay. Đó là một sức mạnh mềm góp phần "soi đường cho quốc dân đi", vượt qua gian nan, thử thách của COVID-19.
Nghệ sĩ đồng hành với dân tộc trong cuộc chiến với đại dịch
Trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, nhất là tại TP.HCM, cùng với các lực lượng khác, các văn nghệ sĩ cho thấy họ là những người không chỉ biết tỏa sáng trên sân khấu, các tác phẩm nghệ thuật. Minh chứng rõ ràng nhất là đội tình nguyện viên nghệ sĩ do MC Quỳnh Hoa khởi xướng, đã thu hút hơn 150 nghệ sĩ đến từ nhiều lĩnh vực gồm điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, thời trang… tham gia và lan tỏa năng lượng tích cực trong những thời điểm căng thẳng của COVID-19 tại TP.HCM.
Đội tình nguyện viên nghệ sĩ hỗ trợ chống dịch tại TP.HCM hoạt động hơn 4 tháng tại Sài Gòn, họ là những nghệ sĩ nổi tiếng và quen thuộc như: Phương Thanh, Nguyễn Phi Hùng, Quốc Đại, Nguyên Khang, Phùng Thế Phi, Dương Thanh Vàng, Đinh Hà Uyên Thư, Nam Thư, Khả Như, Lê Nguyên Bảo, Võ Sĩ Điều, Hoàng Phi Kha... Các tình nguyện viên nghệ sĩ suốt 4 tháng trong dịch COVID-19 đã tham gia hoạt động thiện nguyện tại bệnh viện dã chiến, trao quà, cắt tóc, lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Vượt qua những gian nan, thử thách, các tình nguyện viên nghệ sĩ cùng ăn, cùng làm, cùng xông pha vào những nơi hiểm nguy và cùng nhau viết nên thanh xuân quý giá của mình. Tinh thần chiến đấu, ý chí kiên cường của các nghệ sĩ đã góp phần quan trọng cùng các lực lượng tuyến đầu đẩy lui COVID-19 để TP.HCM trở lại với cuộc sống bình thường với những niềm tin và hy vọng mới.
Trong đại dịch, nhiều tác phẩm văn hóa, văn nghệ ra đời để động viên, khích lệ, tôn vinh những chiến sĩ áo trắng và các lực lượng khác trên tuyến đầu chống dịch. Có thể kể đến hàng loạt ca khúc cổ vũ tuyến đầu được công chúng yêu thích, đánh giá cao như Việt Nam sẽ chiến thắng, Việt Nam tử tế, Diệt giặc Corona, Covid nhanh đi đi, Sài Gòn tôi sẽ, Cảm ơn những trái tim yêu người, Đồng lòng Việt Nam, Sức mạnh Việt Nam, Anh sẽ về nhưng không phải hôm nay, Cả nước không ưa em, Việt Nam hoan ca, Đi về nhà, Vũ điệu 5K, Chỉ là hơi mệt chút thôi, Sống như tia nắng mặt trời, Lời cám ơn của con...
Các bản nhạc ra đời trong những ngày COVID-19 chính là cuốn nhật ký âm nhạc ghi lại sự cống hiến cao cả của những chiến sĩ áo trắng, sự hy sinh đầy trách nhiệm của lực lượng tuyến đầu. Những lời ca tiếng hát của các nghệ sĩ cũng làm toát lên sự lung linh, đẹp đẽ của tình người trong gian khó, tạo ra sự rung động, đồng cảm và kêu gọi toàn dân cùng chung tay đẩy lùi đại dịch.
Nghệ thuật sân khấu cũng có các tác phẩm về COVID-19 được đánh giá cao. Sân khấu Lệ Ngọc có vở diễn Cuộc chiến COVID mang đến cho khán giả một câu chuyện hấp dẫn, đời thường nhưng đã nêu bật lên tinh thần người Việt Nam lá lành đùm lá rách, thương nhau trong lúc hoạn nạn. Nhà hát Tuổi Trẻ có vở nhạc kịch Cuộc chiến virus với nhân vật bác Gấu lương y, đại diện cho những bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch đã đoàn kết lại, sáng chế ra loại thuốc tiêu diệt con virus, đem cuộc sống tươi đẹp trở lại cho ngôi làng.
Người trong mắt bão là vở kịch của Đoàn Kịch nói Hải Phòng, đem đến những hình ảnh, câu chuyện xúc động gắn liền với thực tiễn chống COVID-19. Đó là hình ảnh một nữ bác sĩ dù đã gần đến ngày sinh nhưng vẫn hăng hái tham gia công tác tại khu cách ly; là chiến sĩ công an nghe tin cha mất nhưng vẫn nén nỗi đau ở lại đơn vị làm nhiệm vụ, các cụ già tằn tiện chắt bóp đồng lương hưu ít ỏi để đóng góp vào quỹ phòng, chống dịch... Vở diễn phê phán một số người dân còn thiếu ý thức khi đăng tin tức giả mạo trên mạng xã hội để câu view bán hàng, không chấp hành thực hiện thông điệp 5K.
Bằng sức ảnh hưởng của mình, rất nhiều văn nghệ sĩ đăng tải lên trên các trang mạng xã hội động viên, khích lệ người dân trong vùng cách ly; chia sẻ những bài thể dục tăng sức khỏe, lời khuyên có ích của các y bác sĩ, chuyên gia trong giai đoạn chống dịch; những tấm gương sáng của các lực lượng tuyến đầu…
Tất cả những điều kể trên cho thấy, nghệ sĩ Việt đã, đang và sẽ luôn đồng hành với dân tộc trong cuộc chiến với đại dịch, sẽ không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến với đại dịch toàn cầu này.
Xem thêm video cùng chủ đề đang được quan tâm:
MV Sống như tia nắng mặt trời do nhạc sĩ Đình Bảo sáng tác, nhiều nghệ sĩ ở Việt Nam thể hiện.