'Có niềm tin và truyền cảm hứng từ sự phát triển văn hóa thì đất nước mới phát triển bền vững'

24-11-2021 07:58 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - “Khi chúng ta tạo động lực, có niềm tin và truyền cảm hứng từ sự phát triển văn hóa thì đất nước mới phát triển bền vững, tạo điều kiện lan tỏa lợi ích cho những lĩnh vực khác…”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Tư liệu: Tiếng nói của ngành Y tại Hội nghị Văn hóa toàn quốcTư liệu: Tiếng nói của ngành Y tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc

SKĐS- Từ kho tư liệu của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, chúng tôi thú vị nhận thấy, cách đây 63 năm, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai đã được tổ chức với sự tham gia của những gương mặt trí thức lớn của ngành Y tế.

"Hội nghị Diên Hồng về văn hóa"

Hội nghị Văn hóa toàn quốc do Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì, diễn ra ngày hôm nay (24/11) có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Ngoài việc đánh giá những kết quả sau 35 năm đổi mới, tại Hội nghị lần này, Ban tổ chức cũng dành thời gian để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quán triệt về Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030, trọng tâm là phát huy, nâng cao tính hiệu quả của hoạt động văn hóa nghệ thuật trong đời sống, xã hội, từ đó đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển, hội nhập của đất nước.

Từ góc độ nhà nghiên cứu, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, lĩnh vực văn hoá đang đối diện với những thách thức vô cùng lớn. Hội nhập quốc tế và làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã dẫn đến sự "va chạm" giữa văn hoá bản địa và văn hoá ngoại nhập.

“Có niềm tin và truyền cảm hứng từ sự phát triển văn hóa thì đất nước mới phát triển bền vững” - Ảnh 2.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Chính vì thế chúng ta cần có cách tiếp cận và tư duy mới để xử lý những vấn đề về văn hóa, những vấn đề liên quan đến xây dựng con người để bảo đảm được những mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra là đến năm 2030 chúng ta trở thành nước công nghiệp có mức thu nhập trung bình, đến năm 2045 chúng ta trở thành nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao. 

Toàn bộ những bối cảnh và vấn đề này cần phải có cách tiếp cận mới về văn hóa, con người Việt Nam, vì chúng ta luôn coi văn hóa và con người Việt Nam là mục tiêu, mục đích của sự phát triển bền vững xã hội. Khi chúng ta tạo động lực, có niềm tin và truyền cảm hứng từ sự phát triển văn hóa thì đất nước mới phát triển bền vững, tạo điều kiện lan tỏa lợi ích cho những lĩnh vực khác như: Chính trị, xã hội, giáo dục, công nghệ… từ sức mạnh của văn hóa.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Hội nghị Văn hóa toàn quốc là sự kiện được trông đợi, được coi là "Hội nghị Diên Hồng về văn hóa". Ở đó những người yêu văn hóa, những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có thể đề xuất những sáng kiến và hiến kế cho sự phát triển văn hóa của đất nước. Ở đó lãnh đạo Đảng và Nhà nước khẳng định quyết tâm phát triển văn hóa nghệ thuật, đưa ra những thông điệp quan trọng cho phát triển văn hóa nghệ thuật.

Mỗi thời kỳ khác nhau, văn hóa có những vấn đề đặt ra khác nhau. Năm 1943, Đảng thông qua Đề cương văn hóa Việt Nam, đề ra ba nguyên tắc phát triển văn hóa là dân tộc, khoa học, đại chúng. Năm 1946, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu chủ trương "văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi".

“Có niềm tin và truyền cảm hứng từ sự phát triển văn hóa thì đất nước mới phát triển bền vững” - Ảnh 3.

Văn hóa là một lĩnh vực vô cùng quan trọng để tạo ra con người. Khi chúng ta có một môi trường văn hóa lành mạnh, sẽ tạo ra những con người có những phẩm chất tốt đẹp và ngược lại.

Thời kỳ chiến tranh, văn hóa đóng vai trò là vũ khí tinh thần quan trọng tiếp sức cho cả đất nước. Hàng loạt ca khúc nhạc đỏ, tác phẩm văn học nghệ thuật, mỹ thuật... ra đời đều "cùng tông" nói về tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi tinh thần chiến đấu, tạo tâm lý phấn khởi cho người dân. Đó là văn hóa cứu quốc.

Tuy nhiên, khi xã hội thay đổi mà văn hóa không thay đổi kịp sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy mà chúng ta đang chứng kiến trong giai đoạn hiện nay, như sự khủng hoảng giá trị, xuống cấp đạo đức xã hội, nhiều hành vi lệch chuẩn... Sinh thời, GS sử học Phan Huy Lê từng nói: "Chúng ta đang ở trong một giai đoạn khủng hoảng giá trị nghiêm trọng". Đến nay, điều này vẫn đúng và ngày càng bộc lộ rõ từ khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế năm 1986 đến nay.

Việc tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 cho chúng ta thấy rằng, Đảng và Nhà nước của chúng ta vô cùng quan tâm đến việc xây dựng con người để huy động trí tuệ tập thể, huy động sự quan tâm của toàn xã hội. Chúng ta hoàn toàn có lý do để tin tưởng, kỳ vọng vào những chuyển biến tích cực mạnh mẽ trong thời gian sắp tới...
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Tin tưởng văn hóa có nhiều cơ hội đóng góp vào sự phát triển đất nước

Cho rằng Việt Nam đang thiếu các hệ giá trị mang tính thống nhất, chuẩn mực để soi chiếu, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất bốn nội dung xây dựng hệ giá trị văn hóa quốc gia, gồm: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, pháp quyền. Có thể mở rộng thêm nội dung hòa hợp.

Dân tộc là nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, thể hiện truyền thống văn hiến, được nuôi dưỡng từ mạch nguồn dân tộc; thể hiện bản sắc, cốt cách của văn hóa Việt Nam. Đó cũng là nền văn hóa độc lập, tự chủ, có nội lực, không bị lấn át trước văn hóa ngoại lai; có khả năng tiếp thu, "dân tộc hóa", "Việt hóa" những điều tốt đẹp của thế giới, làm giàu và nâng tầm văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, dân tộc không có nghĩa là khép kín, co cụm hẹp hòi.

Dân chủ là một nền văn hóa của dân, do dân và vì dân. Người dân vừa là chủ thể vừa là khách thể của văn hóa, là người sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Hiện nay, dân chủ là một giá trị tiến bộ của thời đại, được các nước tiên tiến đề cao, nhưng cũng là giá trị mà chúng ta còn đang yếu, cần tập trung xây dựng.

“Có niềm tin và truyền cảm hứng từ sự phát triển văn hóa thì đất nước mới phát triển bền vững” - Ảnh 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các nghệ sĩ tham gia chương trình nghệ thuật đặc biệt “Niềm tin và khát vọng” tối 21/11 chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Nhân văn là hướng đến nền văn hóa yêu thương con người, nhân ái, bao dung, đề cao con người. Nhân văn còn có nội hàm rộng hơn khái niệm bác ái của phương Tây ở chỗ còn có hàm ý bảo vệ con người, đề cao nhân quyền, tôn trọng quyền con người. Văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay thường trọng tình nghĩa, yêu thương con người, đồng loại. Hiện nay rất cần củng cố, vun đắp giá trị này trước lối sống vị kỷ, vô cảm trong cơ chế kinh tế thị trường, nhằm khôi phục lòng nhân ái, nghĩa tình vốn có trong văn hóa Việt Nam.

Pháp quyền là nền văn hóa thượng tôn pháp luật, lấy pháp luật làm nền tảng trong mọi hoạt động, quan hệ, ứng xử giữa người với người và với thế giới tự nhiên xung quanh. Hiện nay, pháp quyền là giá trị được hầu hết các nước đề cao. Một nền văn hóa không tôn trọng pháp luật sẽ tạo ra những suy nghĩ, hành vi, lối sống lệch chuẩn. Đây cũng là giá trị chúng ta còn yếu, cần tăng cường để chấn chỉnh kỷ cương, phép nước.

Hòa hợp là cùng tồn tại, chấp nhận sự khác biệt trên tinh thần khoan dung, tôn trọng đa dạng văn hóa. Hòa hợp sẽ tạo nên sự đồng thuận, gắn kết trong hoạt động tập thể, trong các vấn đề dân tộc, quốc gia, cũng như trong quan hệ quốc tế. Việt Nam là quốc gia có 54 dân tộc anh em với lịch sử nhiều chia cắt, nên một nền văn hóa mang tính hòa hợp là rất cần thiết.

"Tôi kỳ vọng sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc, việc truyền cảm hứng sẽ tác động đến các cấp, các ngành ở địa phương đối với việc chăm lo cho phát triển văn hóa nghệ thuật. Khi đã ý thức nhiều hơn về phát triển văn hóa, về lợi ích và trách nhiệm trong phát triển văn hóa cũng như đưa ra những kế hoạch trong tương lai để phát triển văn hóa thì chúng ta tin tưởng văn hóa có nhiều cơ hội đóng góp vào sự phát triển đất nước", Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam bày tỏ.

Đề kháng thế nào trước sự "xâm lăng văn hóa" thời 4.0?Đề kháng thế nào trước sự 'xâm lăng văn hóa' thời 4.0?

SKĐS - Để xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam... đồng thời tăng cường sức đề kháng trước sự xâm lăng văn hóa, việc xã hội hóa văn học nghệ thuật là tất yếu.


Cao Tuân
Ý kiến của bạn