Viêm xoang là một trong những chứng bệnh về đường hô hấp phổ biến hiện nay với tỷ lệ người mắc ngày càng tăng cao. Người bệnh cần nâng cao kiến thức về nguyên nhân gây bệnh, dấu hiệu cũng như cách phòng tránh, điều trị để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải như viêm phế quản, nhiễm trùng mắt, viêm màng não,...
Viêm xoang gây nhiều phiền toái đến cuộc sống và sức khỏe người bệnh.
Tổng quan về viêm xoang
Viêm xoang là gì?
Viêm xoang hay còn gọi chung là viêm mũi xoang, bệnh lý này phổ biến ở mọi lứa tuổi. Viêm xoang là tình trạng viêm niêm mạc hô hấp lót trong các xoang cạnh mũi. Đây là tình trạng phù nề gây tăng tiết nhầy ở niêm mạc các xoang do một vài tác nhân nào đó gây tắc nghẽn xoang.
Phân loại viêm xoang
Viêm xoang được phân ra làm 4 loại, dựa theo thời gian mắc bệnh, bao gồm:
Viêm xoang cấp: Là hiện tượng viêm xoang có các triệu chứng giống cảm lạnh như sổ mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, đau nhức vùng mặt... Các triệu chứng này xuất hiện đột ngột và không biến mất sau 10 - 14 ngày, nhưng cũng không diễn ra quá 4 tuần.
Viêm xoang bán cấp: Là viêm xoang có thời gian mắc bệnh kéo dài từ 4 - 8 tuần.
Viêm xoang mạn tính: Là viêm xoang có các triệu chứng tồn tại >8 tuần.
Viêm xoang tái phát: Là viêm xoang tái phát nhiều đợt trong cùng 1 năm.
Viêm xoang nếu không được chữa trị sớm sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Các dạng viêm xoang thường gặp
Viêm xoang mũi: Là tình trạng vi khuẩn, virus tấn công vào lớp niêm mạc lót ở xoang mũi làm cho vùng xoang mũi bị viêm nhiễm.
Viêm xoang hàm: Là tình trạng các lớp niêm mạc bao phủ bề mặt xoang hàm (các hốc xoang nằm quanh vùng mắt và hai bên má) bị viêm nhiễm.
Viêm xoang trán: Là tình trạng có dịch nhầy tiết ra quá nhiều ở các xoang ngay sau mắt, mũi, trán và mắt, làm tắc nghẽn và gây áp lực cho vùng thái dương và trán.
Viêm xoang bướm: Là tình trạng phù nề, xuất hiện hiện tượng viêm nhiễm và dịch mủ ở xoang bướm (bộ phận nằm sâu dưới phần nền của hộp sọ, ở giữa xương cánh hai bên mũi).
Viêm xoang sàng trước: Là tình trạng xuất hiện viêm nhiễm ở vị trí xoang nằm ngay giữa xoang trán và xoang mũi, hốc mắt và hốc mũi.
Viêm xoang sàng sau: Là tình trạng các xoang nằm ở phía sau gáy bị viêm nhiễm, xuất hiện nhiều dịch nhầy.
Viêm đa xoang: Là tình trạng nhiễm trùng xoang nguy hiểm khi tất cả các xoang đều bị viêm nhiễm.
Triệu chứng viêm xoang
Đau ở xoang: Đau là triệu chứng đặc thù của viêm xoang. Cơn đau có thể xuất hiện ở trán, hai bên mũi, hàm trên hoặc giữa hai mắt. Đôi lúc, những cơn đau đầu sẽ xuất hiện nhưng chỉ thoáng qua.
Chảy nước mũi: Tình trạng nhiễm trùng xoang sẽ gây ra rất nhiều dịch tiết. Chất dịch xuất phát từ xoang bị nhiễm trùng đôi khi có màu xanh, vàng hay trắng đục sẽ chảy vào mũi, gây ra tình trạng sổ mũi. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chất dịch không chảy vào mũi mà xuống phía sau cổ họng, gây ngứa ngáy hoặc đau họng. Hệ quả là những cơn ho kéo đến vào ban đêm khi bạn nằm ngủ và buổi sáng sau khi thức dậy. Giọng nói cũng trở nên khàn hơn.
Nghẹt mũi: Nhiễm trùng gây phù nề vùng xoang và mũi, cản trở đường mũi thở dẫn đến nghẹt mũi. Vì thế, khứu giác sẽ kém nhạy cảm hơn so với người bình thường.
Đau đầu: Liên tục phải chịu áp lực cùng với tình trạng sưng trong xoang là nguyên nhân gây ra những cơn đau đầu. Tình trạng đau nặng nề hơn vào buổi sáng do chất lỏng đã có cả một đêm để tích tụ. Cơn đau đầu cũng trở nên nghiêm trọng hơn khi ở trong môi trường có áp suất khí quyển thay đổi đột ngột (đi máy bay).
Họng bị kích ứng và gây ho: Dịch tiết ra từ xoang rồi chảy xuống sau cổ họng là lý do gây ra những cơn ho dai dẳng, nhất là vào buổi sáng sau khi ngủ dậy.
Không chỉ gây ho, khi cổ họng bị kích ứng cũng khiến người bệnh khó ngủ. Khi ấy, nằm ngủ ở tư thế ngửa hoặc kê cao gối sẽ giúp giảm tần suất và mức độ ho.
Hơi thở có mùi hôi
Giảm khứu giác
Giảm cảm giác mùi vị
Sốt
Đau tai
Đau răng
Sưng vùng mặt
Mệt mỏi
Viêm xoang gây đau nhức, khó chịu cho người bệnh
Nguyên nhân dẫn đến viêm xoang
Nhiễm nấm, virus, vi khuẩn: Các loại nấm, vi khuẩn xâm nhập và phát triển trong các xoang làm tổn thương tế bào lông chuyển ở lớp niêm mạc xoang, chất nhầy bị ứ đọng khiến cho luồng không khí lưu thông bị cản trở, dẫn đến viêm nhiễm.
Cơ địa dị ứng: Những người thường hay bị dị ứng với thức ăn, hóa chất, thời tiết lạnh, phấn hoa, lông chó mèo, môi trường khói bụi,… rất dễ bị viêm mũi xoang. Nguyên nhân được cho là do tình trạng dị ứng khiến niêm mạc mũi bị phù nề, dẫn đến tắc các lỗ thông xoang gây nhiễm trùng xoang.
Sức đề kháng kém: Nếu trong trường hợp sức đề kháng bị suy yếu sẽ không thể thực hiện tốt chức năng ngăn chặn các tác nhân từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể, gây suy yếu niêm mạc hô hấp dẫn đến bệnh viêm mũi xoang và nhiều căn bệnh khác.
Thói quen sinh hoạt, vệ sinh kém: Mũi là bộ phận thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài và dễ bị bám bụi bẩn. Cho nên, nếu người bệnh không vệ sinh cá nhân đầy đủ, sạch sẽ sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ và phát triển bên trong, làm tăng nguy cơ viêm xoang và khiến bệnh tái phát. Bên cạnh đó, nếu bạn không thường xuyên rửa tay, rửa mặt, vi khuẩn sẽ nhân cơ hội vào mũi gây bệnh.
Chấn thương: Hoạt động hoặc chơi các môn thể thao như bóng rổ, bóng đá, bóng chuyền,… khiến cơ thể có khả năng bị chấn thương mạnh, tạo nên những vết bầm, tụ máu, phù nề, vùng mũi xoang có mảnh xương bị gãy dẫn đến bít lỗ thông dịch nhầy xoang.
Bơi, lặn: Cũng là các tác nhân chủ yếu dẫn đến bệnh viêm mũi xoang bạn nên cẩn trọng. Chất clo có trong hồ bơi có tác dụng phụ là làm sưng tấy khoang mũi, dẫn đến viêm nhiễm mô, xoang mũi.
Môi trường ô nhiễm cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm xoang.
Biến chứng nguy hiểm từ viêm xoang
Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có khả năng cao phải đối mặt với một số biến chứng như:
Biến chứng đường hô hấp: Viêm họng, viêm phế quản cấp tính, viêm phế quản mạn tính, viêm thanh quản
Biến chứng ở mắt: Viêm ổ mắt, Áp xe mi mắt, viêm túi lệ, viêm tấy ổ mắt, viêm dây thần kinh thị giác sau nhãn cầu, viêm phần phụ mắt,...
Biến chứng não: Nhiễm trùng não, viêm màng não, áp xe não,...
Biến chứng viêm xoang ở tai: Khoang mũi thông với tai nên khi bị viêm mũi, dịch mủ có thể lan tới tai gây viêm tai giữa, thậm chí nặng hơn nữa là dịch mủ tạo áp lực làm thủng màng nhĩ, dẫn đến điếc.
Biến chứng viêm xoang ở mạch máu hoặc xương: Theo các chuyên gia y tế, khi gặp các biến chứng viêm xoang, mọi người có thể thấy hiện tượng mắt hoặc hốc mắt sưng đỏ; đau mắt mỗi khi cử động mắt; thị lực thay đổi hoặc đau đầu như búa bổ; co giật; cổ căng cứng; suy giảm trí nhớ,...
Các phương pháp chẩn đoán viêm xoang
Bên cạnh dựa vào triệu chứng lâm sàng, bác sĩ thường đề nghị bệnh nhân thực hiện thêm một vài phương pháp chẩn đoán viêm xoang sau đây để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và mức độ viêm.
Nội soi mũi: Nhân viên y tế sẽ sử dụng một ống dẫn linh hoạt, đầu có gắn camera và ánh sáng sợi quang luồn qua mũi bệnh nhân. Từ hình ảnh truyền về máy tính giúp bác sĩ nhìn thấy bên trong xoang và đưa ra kết quả chẩn đoán. Nội soi mũi thường nội soi mũi trước và nội soi mũi sau.
Nội soi mũi để chẩn đoán viêm xoang.
Chẩn đoán hình ảnh: Chụp MRI và CT giúp xác định chính xác tình trạng viêm và tắc nghẽn ở hốc xoang. Biện pháp này được chỉ định thực hiện ở những vị trí xoang khó phát hiện khi dùng máy nội soi. Ngoài hai biện pháp chẩn đoán hình ảnh này ra, chụp X- quang (Hirtz và Blondeau) cũng giúp xác định bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này thường không cần thiết trừ khi nghi ngờ xuất hiện biến chứng.
Nuôi cấy dịch mũi: Phương pháp này không cần thiết trong việc chẩn đoán viêm xoang. Nhưng, trong trường hợp bệnh không đáp ứng điều trị và ngày càng phức tạp hơn, bác sĩ sẽ dùng mẫu dịch mũi đem nuôi cấy để xác định nguyên nhân gây bệnh là do nấm, vi khuẩn hoặc vi rút.
Xét nghiệm dị ứng: Giúp chẩn đoán yếu tố dị ứng gây bệnh.
Chữa viêm xoang như thế nào?
Sử dụng thuốc trị viêm xoang
Thuốc kháng sinh: Beta-lactam, Cephalosporin, thế hệ 1, 2, Macrolide, Amoxicillin (+ Acid clavulanic/clavulanate), Cefdinir, Erythromycin… là những liều thuốc bệnh nhân viêm xoang thường được chỉ định uống. Liều dùng thuốc có thể kéo dài từ 7-14 ngày, tùy thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người. Thuốc kháng sinh kháng histamin H1 có thể được kê đơn cho trường hợp bệnh nhân bị viêm xoang mũi dị ứng.
Thuốc chống sung huyết: Viêm xoang thường khiến bệnh nhân gặp phải tình trạng phù nề ở các hốc xoang hoặc tắc nghẽn dịch mũi. Khi đó, mọi người cần sử dụng thuốc chống sung huyết để dịch nhầy dễ dàng đào thải, giảm tắc nghẽn mũi, có tác dụng thông mũi nhanh. Thành phần của nhóm thuốc này có thể chứa Phenylpropanolamine, Phenylephrine và Ephedrine... Lưu ý, không lạm dụng thuốc trong thời gian dài, tốt nhất chỉ nên dùng thuốc dưới 10 ngày. Thuốc chống chỉ định cho trẻ em, người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, huyết áp, phì đại tuyến tiền liệt,...
Thuốc xịt mũi chứa corticoid: Thuốc có tác dụng giảm phù nề, ngăn ngừa tiết dịch mũi. Loại thuốc này chỉ nên được dùng trong thời gian ngắn vì thuốc có thể gây nhiều tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe.
Thuốc giảm đau chống viêm: Một số loại thuốc có thể kể đến là Paracetamol, Ibuprofen, Diclofenac… cho tác dụng hạ sốt, giảm đau nhức đầu trong giai đoạn cấp của viêm xoang.
Sử dụng thuốc Tây để điều trị viêm xoang.
Đông y
Tân chỉ thấu khiếu: Là bài thuốc phù hợp để trị viêm xoang cấp. Người bệnh có biểu hiện nhức đầu, nhức mặt, nghẹt mũi, chảy dịch có màu vàng, mũi tắc lúc có lúc không. Phương pháp điều trị của bài thuốc này là giải nhiệt, thông khiếu, trị các triệu chứng viêm xoang là chủ yếu.
Thành phần: Tân di hương: 9g, Hương bạch chỉ: 10g, Tô bạc hà: 7g, Hoàng bá: 15g.
Cách dùng: 1 thang thuốc sắc cùng 500ml nước, đến khi cạn còn 200ml thì tắt bếp. Sắc thêm một lần nước nữa rồi trộn hai bát nước vào với nhau. Chia thuốc thành 2 phần bằng nhau và uống trong ngày.
Tân di thanh phế thang: Là bài thuốc chuyên trị cho những người bệnh viêm xoang do phế nhiệt. Người bệnh có thể gặp các triệu chứng như tắc ngạt mũi, có cục thịt trong mũi (polyp mũi) gây khó thở, chảy dịch có mủ. Với phép thanh phế tiết nhiệt, giải độc, tiêu viêm, trừ mủ, bài thuốc dùng cho các trường hợp viêm xoang mãn tính, viêm xoang hốc mủ, viêm xoang có polyp mũi.
Thành phần: Tân di 2g, Trí mẫu 3g, Bách hợp 3g, Sơn tri tử 1,5g, Mạch môn đông 3g, Thạch cao 5g, Thǎng ma 1g, Tỳ bà diệp 1g, Hoàng cầm 3g.
Cách dùng: 1 thang thuốc sắc cùng 500ml nước, đến khi cạn còn 200ml thì tắt bếp. Sắc thêm một lần nước nữa rồi trộn hai bát nước vào với nhau. Chia thuốc thành 2 phần bằng nhau và uống trong ngày.
Ma hoàng phụ tử tế tân thang: Là bài thuốc có tác dụng trợ dương, giải biểu, thích hợp dùng cho người bệnh bị viêm xoang do phong hàn. Người bệnh có các biểu hiện như sợ lạnh, sốt,… Trong đó Ma hoàng là quân dược với tác dụng chính là tán hàn, giải biểu. Phụ tử làm phó dược với tác dụng ôn kinh trợ dương hỗ trợ cho ma hoàng. Tế tân làm sứ dược giúp tăng cường tác dụng của cả ma hoàng và phụ tử.
Thành phần: Ma hoàng: 6g, Tế tân: 4g, Thục phụ tử: 4g.
Cách dùng: Thuốc sắc 3 lần nước, mỗi lần sắc cùng 500g, cạn còn 200g thì tắt bếp. Trộn 3 lần nước sắc và hòa tan với nhau cho thật đều. Chia thuốc thành 3 phần bằng nhau và uống trong ngày.
Một số bài thuốc Đông y chữa viêm xoang hiệu quả.
Xuy tị thấu khiếu tán: Là thuốc dạng bột có tác dụng ngăn ngừa tiết dịch, làm thông thoáng mũi, hỗ trợ diệt khuẩn, kháng viêm, tiêu sưng nề xoang mũi. Bài thuốc này có thể phối hợp với các bài thuốc đông y dạng uống đạt được hiệu quả tốt nhất.
Thành phần: Tân di hoa: 15g, Cuống dưa ngọt: 15g, Băng phiến: 15g.
Cách thực hiện: Sơ chế sạch sẽ các vị thuốc, tán tất cả các vị thuốc thành bột mịn và trộn đều với nhau. Để thuốc vào trong một bình/lọ thủy tinh kín, bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát. Mỗi ngày dùng thuốc khoảng 3 lần vào buổi sáng khi vừa thức dậy, trước giờ ngủ trưa và buổi tối trước khi đi ngủ.
Mẹo dân gian
Lá Lốt: Dùng lá lốt rửa sạch, xay nhuyễn. Sau đó, lấy nước cốt và nhỏ vào mũi mỗi ngày khoảng 2 đến 3 lần. Một cách khác là bạn vò nát lá lốt rồi nhét trực tiếp vào mũi.
Ngó sen và gừng: giã nát ngó sen và gừng, trộn đều và đắp dọc sống mũi trong khoảng 15 phút, tuần thực hiện 2-3 lần.
Tỏi và mật ong: Giã nhuyễn tỏi, vắt lấy nước cốt và trộn cùng mật ong theo tỷ lệ bằng nhau. Thoa đều hỗn hợp vào niêm mạc mũi và để như vậy khoảng 1 tiếng rồi rửa lại bằng nước sạch. Thực hiện 2 lần/tuần.
Áp dụng mẹo dân gian chữa viêm xoang tại nhà đem lại hiệu quả cao.
Gừng và hành: Giã nát và lấy nước cốt 2 củ hành, 1 củ gừng nhỏ. Trộn hỗn hợp lại với nhau và thoa lên mũi khoảng 30 phút rồi rửa sạch bằng nước muối pha loãng. Thực hiện ngày 2 lần, liên tục như vậy trong vòng 2 tuần.
Rửa mũi bằng nước muối sinh lý: Cho nước muối vào bình rửa mũi chuyên dụng hoặc xilanh, bơm nhẹ vào từng lỗ mũi để làm sạch các khoang mũi và hốc xoang. Thực hiện 2 lần/ngày.
Trầu không: Rửa sạch một nắm lá trầu không tươi, vò nát, cho vào nồi nước đang đun sôi, đun thêm khoảng 5 phút rồi nhấc ra. Dùng khăn trùm kín đầu và tiến hành xông mũi bằng nước lá trầu không vừa đun. Thực hiện 1-2 lần/ngày, mỗi lần xông khoảng 10 phút. Chú ý giữ khoảng cách để không bị bỏng hơi.
Chọc hút và phẫu thuật
Trong trường hợp thuốc không đáp ứng điều trị, bác sĩ sẽ chọc hút mủ và bơm thuốc để kiểm soát triệu chứng viêm. Ngoài ra, phẫu thuật cũng được lựa chọn khi bệnh chuyển nặng và gây biến chứng.
Phẫu thuật khi viêm xoang chuyển biến nặng.
Bên cạnh đó, chỉ định phẫu thuật khi viêm xoang xuất hiện kèm các vấn đề sau:
Viêm xoang do dị vật trong xoang
Do có khối u lành tính hoặc ác tính trong xoang
Do thoái hóa dạng polyp
Viêm xoang mủ mạn tính đã chọc dò, dẫn lưu nhiều lần nhưng không khỏi. Một số phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh như:
Mổ vách ngăn trong trường hợp viêm xoang do dị hình vách ngăn
Phẫu thuật nội soi chức năng mũi xoang
Mở lỗ thông xoang hàm ở ngách mũi dưới
Chăm sóc tại nhà
Nghỉ ngơi nhiều: Ngủ đủ giấc sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường hệ miễn dịch chống lại tác nhân gây viêm, từ đó giúp tăng tốc độ bình phục bệnh.
Rửa mũi sạch mỗi ngày: Dùng nước muối sinh lý rửa mũi mỗi ngày được xem là biện pháp khắc phục viêm xoang hiệu quả tại nhà.
Giữ ẩm mũi: Không khí khô khiến niêm mạc mũi dễ bị kích ứng, gây kích hoạt viêm. Vì vậy, bệnh nhân có thể sử dụng nồi neti hoặc máy tạo độ ẩm để giúp không khí trong phòng ẩm, ngăn ngừa viêm xoang tái phát.
Tránh khói thuốc lá và không khí ô nhiễm: Bụi bẩn, không khí ô nhiễm và khói thuốc lá làm tăng nguy cơ viêm xoang nặng. Vì vậy, để kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa bệnh quay trở lại, bệnh nhân nên tránh tiếp xúc với những tác nhân này bằng cách đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Người bị viêm xoang cần chăm sóc, rửa mũi thường xuyên.
Các cách phòng tránh viêm xoang
Sử dụng một số vật dụng bảo vệ cơ thể khi đi ra ngoài để tránh các tác nhân gây hại đến sức khỏe, đặc biệt là những ngày trời trở lạnh hoặc giao mùa như khẩu trang, áo khóa, mũ, khăn choàng,...
Vệ sinh mũi thường xuyên với dung dịch nước biển.
Cần hạn chế tiếp xúc với những vùng có nhiều khói bụi, chất thải, khí hôi hay khói thuốc lá,... bởi đây cũng chính là những tác nhân gây hại đến hệ hô hấp nói chung và bệnh viêm xoang mũi nói riêng.
Tránh để mũi tiếp xúc trực tiếp với luồng gió của điều hào hoặc quạt… vì có thể làm tổn thương niêm mạc mũi xoang.
Đối với người mẫn cảm cần hạn chế tiếp xúc với phấn hoa, nấm mốc, nước hoa, thức ăn lạ, nhiều gia vị, nhiệt độ thay đổi.
Khi tắm hoặc đi bơi, nếu không may bị nước chảy vào mũi hoặc tai, bạn cần nhanh chóng xử lý và xử lý đúng cách để tránh làm tổn thương đến vùng xoang.
Chú trọng đến chế độ ăn uống. Nên bổ sung nhiều các thực phẩm giàu vitamin C để tăng sức đề kháng. Hạn chế tối đa việc sử dụng các thực phẩm mà cơ thể bị dị ứng hoặc gây ngứa mũi.
Tăng cường vận động cơ thể để tăng sức đề kháng cũng như cải thiện sức bền của cơ thể, giải tỏa sự căng thẳng.
Tránh căng thẳng hay mệt mỏi quá mức khi làm việc hoặc học tập. Bởi việc căng thẳng quá mức có khả năng khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu và rất dễ bị nhiễm trùng. Vì thế, bạn nên biết cách cân bằng mọi thứ, tập thói quen đi ngủ đúng giờ, dành nhiều thời gian để đầu óc được thư giãn.
Không dùng chung vật dụng cá nhân với người bị viêm xoang. Khi cơ thể xuất hiện một số triệu chứng ban đầu như: Hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, tắc mũi,... cần nhanh chóng thăm khám để được điều trị kịp thời, phòng ngừa bệnh chuyển biến sang bệnh viêm xoang mũi.