Hà Nội

Điều trị bệnh viêm xoang mũi bằng Đông y

SKĐS - Viêm xoang mũi là “nỗi khổ” của không ít người, và nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng không mong muốn đồng thời gây tổn hại cho sức khỏe.

Viêm xoang mũi là nỗi khổ của nhiều người.

Triệu chứng của viêm xoang mũi

Viêm xoang có thể do dị ứng nhiễm trùng (huyết nhiệt), dị ứng do lạnh (vệ khí hư, phế khí hư) dẫn đến ngứa ngáy và do trầy xước gây viêm nhiễm, dẫn đến các hốc xoang, niêm mạc bị viêm, lâu ngày thành mãn tính.

Viêm xoang mũi có thể cấp tính và thể mãn tính. Đối với bệnh này, có nhiều cách phân loại khác nhau nhưng chủ yếu viêm xoang mũi được phân loại gồm: Viêm mũi xoang dị ứng, viêm xoang trán, xoang bướm, xoang hàm, xoang sàng trước, viêm xoang sàng sau... thậm chí là viêm đa xoang.

Điều trị bệnh viêm xoang mũi bằng Đông y - Ảnh 1.

Bệnh viêm xoang mũi với nhiều biểu hiện khiến người bệnh mệt mỏi và khó chịu.

Bệnh viêm xoang mũi gây nhiều cản trở, khó chịu và mệt mọi cho người bệnh với các biểu hiện:

- Hắt xì hơi, sổ mũi.

- Đau nhức vùng mặt, đau đầu.

- Dịch mủ xoang chảy xuống họng, gây ngứa họng và ho, sốt.

- Dịch mủ xoang chảy ra đục, vàng, trong.

- Hay đau vùng mặt, trán, hốc mắt, buồn bực trong hốc mắt, hay ngứa khóe mắt.

- Hay ngứa ngáy mũi mỗi khi thời tiết thay đổi đặc biệt là ẩm thấp.

- Hay ngạt mũi, khó thở, ù tai.

- Mất khứu giác, không ngửi thấy mùi, điếc mũi.

- Sốt, ho, viêm họng.

Biến chứng của bệnh viêm xoang mũi

Bệnh viêm xoang mũi nếu không được điều trị sớm và kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe của người bệnh. Các biến chứng của viêm xoang mũi bao gồm:

- Biến chứng về mắt: Đau hốc mắt, ngứa khóe mắt, hay ra nước mắt, viêm tuyến lệ, sưng mi mắt, mờ mắt, áp-xe mi mắt, túi lệ.

- Biến chứng về xương: Viêm xoang lâu ngày gây tắc mạch máu ở niêm mạc xoang, ở xương sọ vùng trán, thái dương, xương đỉnh.

- Biến chứng ở tai: Viêm xoang mãn tính mủ chứa vi khuẩn ở xoang chảy xuống họng, đọng ở vòi tai, gây viêm tai giữa, gây ra ngứa tai có thể gây ra ù tai, thủng màng nhĩ, điếc tai.

- Biến chứng viêm màng não: Có thể dẫn đến viêm não, viêm màng não.

Viêm xoang trán, xoang sàng gây tổn thương niêm mạc các hốc xoang, dần dần ảnh hưởng đến phần xương và tủy xương gây ra viêm màng não, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang và áp-xe não, dấu hiệu thường gặp là hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc nặng biểu hiện tăng áp lực nội sọ với các biểu hiện: Sốt cao, nhức đầu, sợ ánh sáng, tinh thần trì trệ, buồn nôn, cổ cứng...

- Biến chứng viêm phế quản mãn tính: Dịch xoang mũi chảy xuống họng gây viêm họng, viêm phế quản, và có thể chảy xuống làm viêm thực quản và dạ dày.

Điều trị bệnh viêm xoang mũi bằng Đông y - Ảnh 2.

Bệnh viêm xoang mũi gây nhiều biến chứng dẫn đến những tổn hại về sức khoẻ.

Các bài thuốc Đông y điều trị viêm xoang mũi

* Đối với viêm xoang mũi cấp tính

Triệu chứng: Bệnh mới phát, ngạt mũi, chảy nước mũi vàng có mủ, xoang hàm và xoang trán đau, viêm hốc mũi, kèm thêm triệu chứng toàn thân như sốt, sợ lạnh, nhức đầu, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch phù sác.

Chẩn đoán: Lý thực nhiệt.

Pháp điều trị: Thanh phế tiết nhiệt, giải độc là chính. Nếu có kèm thêm hiện tượng sợ lạnh, đau đầu thì thêm thuốc phát tán phong nhiệt.

Bài thuốc - Tân di thanh phế ẩm gia giảm gồm các vị thuốc: Tân di 2g, hoàng cầm 4g, sơn chi 4g, thạch cao 4g, tri mẫu 4g, bách hợp 4g, mạch môn 4g, thăng ma 1g, cam thảo 2g.

Cách sắc: Đổ 3 bát nước vào ấm có thang thuốc rồi sắc sôi đến khi cạn còn 1 bát thì chắt ra uống. Mỗi ngày uống 1 thang, chia 3 lần. Nếu sợ lạnh, sốt, nhức đầu thì có thể bỏ hoàng cầm, mạch môn; thêm vào ngưu bàng, bạc hà.

* Viêm xoang mạn tính:

Triệu chứng: Bệnh kéo dài, xoang hàm và xoang trán ấn đau, thường chảy nước mũi có mủ, mùi hôi, khứu giác giảm, nhức đầu thường xuyên.

Chẩn đoán: Lý hư nhiệt.

Pháp điều trị: Dưỡng âm, nhuận táo, thanh nhiệt giải độc.

Bài thuốc: Đối pháp lập phương, tùy theo chứng trạng mà bác sĩ bắt mạch khám, sau đó mới kê ra các vị thuốc và cho lượng khác nhau tùy theo từng bệnh nhân.

* Bài thuốc chữa viêm xoang mũi kinh nghiệm từ các loại cây cỏ thuốc nam quanh ta:

Ké đầu ngựa: Lấy 8g quả ké đầu ngựa, 1,5g bạc hà, 30g bạch chỉ và 15g di tân. Tất cả các nguyên liệu đem đi tán mịn thành bột và trộn đều. Sau mỗi bữa ăn sử dụng khoảng 6g hòa tan với nước ấm và uống.

Ngoài ra, cây cỏ thuốc Nam còn có những loại thảo mộc, thảo dược khác như tỏi, bồ kết, cây giao, cứt lợn, cỏ mực và vòi voi là những vị thuốc cũng có tác dụng hỗ trợ giúp giảm các triệu chứng bệnh xoang mũi.

* Bài thuốc theo kinh nghiệm, được nghiên cứu và ứng dụng lâu năm chữa bệnh viêm xoang mũi: Tân di, bạch chỉ, hoàng cầm, khương hoạt, phòng phong, cam thảo, nước muối 0,9mg, nước tinh khiết vừa đủ, bào chế bằng công nghệ lên men chiết xuất dạng dịch lỏng để xịt, mỗi ngày xịt 3 - 5 lần. Điều trị theo từng đợt, mỗi đợt khoảng 2-3 tháng đối với các bệnh viêm xoang mũi bao gồm cả viêm mũi dị ứng thời tiết, viêm xoang các loại và với cả 2 thể cấp và mãn tính.

Dưỡng bệnh và phòng tránh bệnh viêm xoang mũi

Thuốc có vai trò quan trọng trong điều trị bệnh, song chế độ nghỉ ngơi và dinh dưỡng khoa học cũng góp phần không nhỏ trong tiến trình điều trị bệnh, cũng như trong phòng tránh bệnh viêm xoang mũi.

Khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng là yếu tố cần thiết, bên cạnh đó, cần chú ý thêm những thực phẩm, những món ăn "kỵ" với bệnh. Chẳng hạn như: Các món ăn cay nóng có thể khiến niêm mạc mũi bị sưng, gây nhiễm trùng làm cho tình trạng bệnh viêm xoang càng nặng hơn, hoặc những món ăn cay nóng dễ khiến trào ngược dạ dày, acid dịch vị khiến dịch mủ ứ đọng ở hốc xoang nhiều hơn. Những thực phẩm lạnh, thực phẩm chế biến sẵn và nhiều dầu mỡ, thực phẩm có chứa chất kích thích cũng là những "kẻ thù" của bệnh viêm xoang mũi.

Điều trị bệnh viêm xoang mũi bằng Đông y - Ảnh 3.

Một số thực phẩm tốt cho người bệnh viêm xoang mũi.

Để ngăn chặn bệnh tái phát (khi đã điều trị khỏi) và ngăn ngừa bệnh khởi phát (với những người chưa từng bị bệnh), cần lưu ý các vấn đề về dinh dưỡng để đảm bảo một cơ thể khỏe mạnh với sức đề kháng và hệ miễn dịch tốt. Đồng thời, tự bảo vệ hệ hô hấp khỏi những tác nhân từ bên ngoài như nắng, mưa, gió, bụi bằng những vật dụng đơn giản như mũ nón, áo khoác, khẩu trang; tăng cường tập luyện thể lực để nâng cao sức khỏe, sức bền; tránh các chất kích thích, và đặc biệt tránh sự quá tải, căng thẳng, stress...

Mời quý vị theo dõi video đang được quan tâm:

Tư liệu đặc biệt- Theo chân bác sĩ cấp cứu ca F0 nguy kịch tại nhà, cấp tốc chuyển về bệnh viện dã chiến


Lương Y Lê Đình Thao
Ý kiến của bạn