Hà Nội

Viêm họng, khi nào cần dùng kháng sinh?

27-09-2021 15:33 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Khi thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm họng phát triển. Có tới 70-80% các trường hợp viêm họng là do virus, số còn lại là do vi khuẩn. Việc sử dụng thuốc nào để điều trị, phụ thuộc vào mức độ bệnh và tác nhân gây bệnh.

Viêm họng, khi nào cần dùng kháng sinh?  - Ảnh 1.

CHIA SẺ

Viêm họng do nhiều nguyên nhân gây ra như: Vi khuẩn, virus, ô nhiễm môi trường, hóa chất... Triệu chứng chung của viêm họng là đau họng, sốt, đau người, mệt mỏi, ho, chảy nước mũi… Tăng tiết dịch họng, ban đầu dịch nhầy trong, sau đó sẽ đặc và sẫm màu hơn. Ngoài ra còn bị khàn tiếng, mất tiếng, khó nuốt, buồn nôn do họng mẫn cảm.

Nếu viêm họng để lâu, ho nhiều có thể có triệu chứng ù tai…

Ngoài các biểu hiện trên, viêm họng do vi khuẩn còn có thêm các triệu chứng như: Hôi miệng, sốt cao, dịch nhầy đặc, màu xanh… Khi khám bệnh, soi họng sẽ thấy niêm mạc vách họng sưng đỏ, có thể xuất hiện mụn nhỏ, có nhiều chất nhầy hoặc mủ tiết trên bề mặt niêm mạc.

Viêm họng: dấu hiệu nhận biết và biện pháp điều trị - Ảnh 3.

Cần xác định nguyên nhân gây viêm họng để dùng thuốc cho đúng.

Chỉ dùng kháng sinh khi bị viêm họng do vi khuẩn

Nếu viêm họng do virus mà sử dụng kháng sinh thì không có tác dụng mà còn gây hại cho cơ thể vì phải uống kháng sinh một cách "oan uổng".

Kháng sinh chỉ nên sử dụng khi viêm họng do nhiễm khuẩn. Với các biểu hiện: Sốt trên 38.5 độ C; sưng đau hạch cổ, đau đầu, nốt xuất huyết ở vòm, xuất tiết ở họng nhiều… Lúc này cần sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.

Đa số nhiễm khuẩn viêm họng là do liên cầu khuẩn nhóm A, tụ cầu khuẩn. Do vậy cần phải sử dụng kháng sinh ngày từ sớm, dùng triệt để, không nửa vời. Tức là mới uống kháng sinh được vài ngày, cảm thấy bệnh đỡ hoặc tưởng như đã khỏi bệnh là ngừng thuốc.

Thực tế là lúc này do kháng sinh mới làm vi khuẩn suy yếu dần, không gây ra các triệu trứng ồ ạt như ban đầu. Nhưng nếu ngừng thuốc, thì vi khuẩn đang bị yếu này sẽ hồi phục lại, sẽ tiếp tục gây bệnh. Hơn nữa chúng sẽ tìm ra cách kháng lại với loại kháng sinh đang uống, gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh rất nguy hiểm.

Việc dùng kháng sinh lúc này là để tiêu diệt vi khuẩn với mục tiêu khỏi bệnh lâm sàng tối đa, vi khuẩn chết không thể đột biến gây ra các biến chứng nguy hiểm và giảm thiểu kháng thuốc.

Kháng sinh thường sử dụng trong viêm họng là loại có tác dụng trên nhóm vi khuẩn gây bệnh; có thể tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa biến chứng. Có thể sử dụng đường uống thuốc hoặc đường tiêm.

Một số kháng sinh sau thường được chỉ định: Nhóm beta-lactam (amoxicillin+acid clavulanic), cephalexin, ceftriaxone…; Nhóm macrolid (clarithromycin, erythromycin, azithromycin…)...

Các kháng sinh trên có thể có tác dụng phụ, do đó không tự ý mua thuốc về điều trị. Khi uống thuốc nếu có dấu hiệu của phản ứng dị ứng thuốc cần thông báo cho bác sĩ.

Các thuốc điều trị triệu chứng

+ Thuốc giảm đau hạ sốt:

Ưu tiên sử dụng paracetamol vì đây là thuốc giảm đau hạ sốt khá an toàn khi dùng ở liều lượng đúng. Thuốc làm giảm các triệu chứng sốt, đau họng, từ đó làm giảm cảm giác khó nuốt.

Ở bệnh nhân chống chỉ định với paracetamol thì có thể sử dụng nhóm kháng viêm non steroid như ibuprofene, diclophenac… Thuốc được sử dụng để làm giảm các triệu chứng viêm sưng, nóng, đỏ, đau, sốt do viêm họng gây ra.

+ Các dung dịch súc họng:

Trong thành phần của nước súc họng thường có các chất kháng khuẩn, kháng viêm và chất gây tê cục bộ. Do đó, khi súc họng cũng giúp giảm đau và loại bỏ bớt vi khuẩn, virus ra khỏi miệng/họng. 

+ Viên ngậm:

Thuốc ngậm trị đau họng có tác dụng giảm đau và sát khuẩn miệng, họng. Tùy từng loại viên ngậm có thể chứa chứa kháng sinh, kháng viêm và chất gây tê cục bộ.

Lưu ý: Không sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt aspirin cho trẻ em; người có tiền sử viêm loét dạ dày - tá tràng...

Biện pháp hỗ trợ giúp giảm nhanh viêm họng

Bên cạnh việc dùng thuốc, có thể sử dụng một số biện pháp đơn giản, dễ thực hiện để tăng cường hiệu quả điều trị:

+Nếu bị viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A, cần nghỉ làm việc tại nhà để tránh lây lan.

+ Giữ ấm cơ thể, uống nhiều nước ấm giúp cho họng không bị khô cũng giúp giảm ho.

+ Súc miệng họng bằng nước súc miệng họng chuyên dụng hoặc nước muối loãng, sẽ giúp loại bỏ bớt và ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn sâu xuống đường hô hấp dưới.

+ Không sử dụng các tác nhân kích thích gây viêm họng như bia, rượu, thuốc lá…

+ Có thể uống trà mật ong ấm cũng giúp làm dịu đau rát họng.

Để phòng bệnh, ngoài biện pháp 5K như khuyến cáo của Bộ Y tế trong đại dịch COVID-19, người lành cần tránh tiếp xúc gần gũi với người đang mắc bệnh viêm họng. Không ăn chung cùng bát, dùng chung nước uống với người đang mắc bệnh.

Mời độc giả xem thêm video:

Bác Sĩ Trong Tâm Dịch: 'Những g tôi chứng kiến đủ đau thương cho cả một đời người

DS.Bùi Sỹ Thành
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn