Để giúp mọi người có kiến thức về việc dùng thuốc chữa bệnh để hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh, Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) vừa giới thiệu một số thắc mắc thường gặp.
1. Vi khuẩn và virút là gì?
Vi khuẩn là sinh vật đơn bào thường được tìm thấy ở tất cả các vị trí bên trong và bên ngoài cơ thể, trừ máu và dịch lỏng cột sống. Có cả vi khuẩn có hại lẫn vi khuẩn thân thiện. Vi khuẩn gây bệnh phổ biến là loại gây bệnh viêm họng, viêm tai...
Virút nhỏ hơn vi khuẩn, không thể tồn tại bên ngoài tế bào cơ thể, gây bệnh bằng cách xâm nhập tế bào khỏe mạnh và tái tạo ra những tế bào khuyết tật mới.
2. Bệnh do virút nào không nên điều trị bằng kháng sinh?
Bao gồm cảm, cúm, ho và viêm phế quản, đau họng và một số dạng bệnh nhiễm trùng tai.
3. Thuốc kháng sinh?
Thuật ngữ kháng sinh (antibiotic) nguyên thủy được dùng để nói về một hợp chất tự nhiên được sản xuất bởi một loại nấm hoặc vi sinh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh ở người và động vật. Một số thuốc kháng sinh có thể là các hợp chất tổng hợp (không sản xuất bởi các vi sinh vật) cũng có thể giết hoặc ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.
Về mặt kỹ thuật, thuật ngữ “tác nhân kháng sinh” là nói đến cả hợp chất thiên nhiên lẫn tổng hợp, tuy nhiên, nhiều người quen sử dụng từ kháng sinh để chỉ đến hỗn hợp hai chất nói trên.
Mặc dù thuốc kháng sinh có tác dụng tích cực song chính việc dùng loại thuốc thiếu khoa học, dài kỳ nên đã dẫn đến trình trạng kháng thuốc.
4. Hiện tượng kháng kháng sinh?
Kháng thuốc kháng sinh là nói đến khả năng của vi khuẩn hoặc các tác nhân gây bệnh dạng vi khuẩn khác kháng lại hiệu quả của thuốc kháng sinh. Kháng thuốc kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn thay đổi theo một cách mới để làm giảm hoặc loại bỏ hiệu quả của thuốc, hóa chất, hoặc các tác nhân khác được dùng cho việc chữa bệnh hoặc ngăn ngừa viêm nhiễm. Một khi kháng thuốc, virút, vi khuẩn không chết mà vẫn tồn tại và tiếp tục nhân lên, gây ra nhiều tác hại khác.
5. Tại sao lại phải quan tâm đến hiện tượng kháng thuốc kháng sinh?
Kháng thuốc kháng sinh là một vấn đề nan giải, hiện đang là mối quan tâm của cộng đồng bởi nó gây ra những dòng khuẩn khỏe hơn, nguy hiểm hơn làm cho dịch bệnh lây lan nhanh hơn, khó chữa trị hơn và gây tốn kém, đặc biệt là cho người già, trẻ em và những người có sức khỏe hệ miễn dịch yếu làm tăng rủi ro khuyết tật, tử vong.
6. Vì sao vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh?
Sử dụng kháng sinh chính là nguyên nhân làm cho vi khuẩn kháng thuốc. Mỗi khi dùng thuốc, vi khuẩn nhạy sẽ bị tiêu diệt, còn những vi trùng không bị tiêu diệt lại kháng thuốc, phát triển và nhân rộng.
Nếu cứ sử dụng thuốc theo kiểu lặp đi lặp lại và không đúng chủng loại, lạm dụng hay thiếu khoa học sẽ gây ra tình trạng kháng thuốc. Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn, không hiệu quả dùng cho trường hợp nhiễm virút như cảm lạnh, viêm họng, hay cảm cúm.
Sử dụng thuốc kháng sinh thông minh chính là chìa khóa để kiểm soát, hạn chế tình trạng kháng thuốc.
7. Cơ chế kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn diễn ra như thế nào?
Kháng thuốc kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn thay đổi một số cách hoạt hóa của nó để làm giảm hoặc phong bế hiệu quả của thuốc, hóa chất, hoặc các tác nhân dùng để chữa trị bệnh hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng. Sau khi tồn tại, vi khuẩn tiếp tục nhân rộng và tạo ra những mối nguy hiểm hơn so với khi chưa kháng thuốc.
Cơ chế kháng thuốc của vi khuẩn rất đa dạng. Ví dụ, một số vi khuẩn phát triển khả năng trung hòa thuốc, có khuẩn lại bơm thuốc kháng sinh ra ngoài hoặc thay đổi cơ cấu của chính vi khuẩn để tấn công lại thuốc mà không ảnh hưởng đến chức năng của vi khuẩn. Ngoài ra, vi khuẩn cũng có thể kháng lại nhiều thuốc loại kháng sinh nhờ sức đề kháng của nó thông qua các đột biến di truyền, hoặc bằng cách chiếm đoạt lại các đoạn DNA mã hóa của các vi khuẩn khác.
8. Làm thế nào để ngăn ngừa hiện tượng kháng thuốc?
Cách tốt nhất để ngăn ngừa hiện tượng kháng thuốc là chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi thực sự cần thiết và theo đúng chỉ dẫn của chuyên môn. Điều quan trọng nữa là chỉ nên dùng thuốc kháng sinh cho các loại bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn chứ không dùng cho việc nhiễm virút như ho, cảm lạnh hoặc cúm. Nên chú ý đến một số khuyến cáo sau:
- Khi đã kháng thuốc nên cho bác sĩ biết để dùng thuốc cho thích hợp
- Không dùng thuốc kháng sinh cho các loại bệnh nhiễm virút như cảm lạnh hoặc cúm.
- Không tiết kiệm thuốc để dùng cho lần tiếp theo, thuốc thừa nên loại bỏ.
- Dùng thuốc kháng sinh đúng theo đơn bác sĩ, không bỏ liều khi thấy đỡ bệnh, nếu dừng lại sẽ làm cho khuẩn kháng thuốc.
- Không dùng kháng sinh của người khác. Uống thuốc không đúng có thể làm tăng bệnh và làm cho khuẩn gây bệnh sinh sôi nảy nở.
- Nếu bác sĩ khuyên không nên dùng thuốc kháng sinh thì không nên ép bác sĩ kê đơn dùng loại thuốc này.
9. Bác sĩ làm gì để ngăn ngừa hiện tượng kháng thuốc kháng sinh?
- Chỉ định điều trị kháng sinh khi có khả năng mang lại lợi ích cho người bệnh.
- Sử dụng đúng thuốc, nhắm đúng tác nhân gây bệnh.
- Kê đơn kháng sinh đúng liều lượng và thời gian.
10. Men vi sinh có ngăn ngừa bệnh nhiễm trùng kháng thuốc kháng sinh?
Men vi sinh (probiotics) là các vi sinh vật và nếu dùng đúng liều có thể cải thiện sức khỏe cho con người. Có nhiều loại men đã được nghiên cứu cho thấy có tác dụng tích cực cho sức khỏe, tuy nhiên vai trò ngăn ngừa nhiễm trùng kháng thuốc ở người của men vi sinh đến nay chưa có nghiên cứu lâm sàng nào khẳng định.
KHẮC NAM
Theo CDC- 4/2011