Viêm họng kèm sưng hạch bạch huyết có nguy hiểm, dùng thuốc nào để trị?

07-10-2021 07:15 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Viêm họng gây khô rát, ngứa, đau họng khi nuốt... Trong một số trường hợp viêm họng có kèm sưng các hạch bạch huyết vùng cổ, hàm. Điều này có nguy hiểm không và cần xử lý như thế nào?

Viêm họng kèm sưng hạch bạch huyết có nguy hiểm, dùng thuốc nào để trị? - Ảnh 1.

CHIA SẺ

Hạch bạch huyết là gì?

Hạch bạch huyết là những hạch nhỏ như hạt đậu, nằm rải rác khắp cơ thể, và là một phần của hệ thống miễn dịch. Hạch bạch huyết có chức năng như một bộ lọc, bẫy virus, vi khuẩn và các nguyên nhân gây bệnh khác trước khi chúng làm tổn thương các cơ quan khác trong cơ thể.

Hạch bạch huyết bị sưng khi có tình trạng viêm, nhiễm trùng. Rất ít gặp sưng hạch bạch huyết do ung thư.

photo-1633506052513

Hạch bạch huyết vùng mặt cổ.


Viêm họng kèm sưng hạch bạch huyết có nguy hiểm?

Viêm họng thường xảy ra khi cơ thể nhiễm virus hoặc vi khuẩn hay một số nguyên nhân khác. Các nguyên nhân này xâm nhập cơ thể, làm tổn thương niêm mạc họng, khiến họng ngứa rát, đỏ, đau. Điều này kích hoạt các hạch bạch huyết tăng cường hoạt động, sản sinh các tế bào bạch cầu để tiêu diệt tác nhân gây bệnh, gây sưng các hạch. Hạch bạch huyết vùng đầu cổ là những hạch nông, khi hạch sưng lên người bệnh có thể sờ và cảm nhận được.

Các hạch bạch huyết sưng lên, sau đó sẽ trở về trạng thái bình thường khi tình trạng viêm, hoặc nhiễm trùng cải thiện. Một số trường hợp hạch sưng, đau, cứng kèm sốt dai dẳng kéo dài, sụt cân, người bệnh nên đi khám để tìm nguyên nhân chính xác.

Các trường hợp viêm họng có kèm sưng hạch thông thường, các thuốc điều trị và các biện pháp chăm sóc cơ thể thích hợp sẽ giúp giảm tình trạng viêm nhiễm, mau chóng phục hồi sức khỏe.

Dùng thuốc điều trị nào?

Tùy vào nguyên nhân gây viêm họng sưng hạch mà lựa chọn thuốc điều trị phù hợp.

Thuốc giảm đau, hạ sốt

Nếu họng viêm đau, gặp khó khăn khi nuốt hoặc bệnh nhân có kèm sốt, thuốc giảm đau hạ sốt là lựa chọn được ưu tiên. Các thuốc giảm đau hạ sốt không cần kê đơn có thể sử dụng như paracetamol, ibuprofen, naproxen và aspirin.

Lưu ý aspirin không dùng cho trẻ dưới 18 tuổi do liên quan đến hội chứng Reye gây phù gan và não. Thận trọng khi dùng cho các bệnh nhân ung thư vì tăng nguy cơ chảy máu (xem thêm: Thuốc trị viêm họng cho bệnh nhân ung thư).

Thuốc kháng sinh

Khi viêm họng do nguyên nhân vi khuẩn, người bệnh sẽ cần điều trị bằng thuốc kháng sinh. Ví dụ kháng sinh nhóm beta-lactam (cephalosporin), hoặc nhóm macrolid (clarithromycin, dirithromycin, erythromycin). Kháng sinh không hiệu quả trong trường hợp viêm họng do virus, trừ khi tình trạng viêm họng do virus kéo dài gây bội nhiễm vi khuẩn.

photo-1633506054170

Thuốc kháng sinh chỉ dung khi bị viêm họng do nhiễm vi khuẩn.

Kháng sinh cần được sử dụng đúng liều dùng, đúng thời gian. Kể cả khi các triệu chứng viêm họng đã giảm, người bệnh vẫn cần tiếp tục uống kháng sinh đủ 5 – 7 ngày để tránh hiện tượng kháng kháng sinh về sau.

Các thuốc khác

Trong một số trường hợp bệnh nhân có thể sử dụng thêm các thuốc xịt họng giảm đau, corticoid liều thấp giúp giảm viêm nhanh chóng, hoặc một số thuốc bôi tại chỗ nếu niêm mạc miệng bị viêm loét (amylmetacresol, benzalkonium chloride, tyrothricin)

Tốt nhất người bệnh nên hỏi ý kiến dược sĩ, bác sĩ về các thuốc có thể sử dụng được, cũng như liều dùng và thời gian sử dụng đảm bảo hiệu quả và an toàn.

Những biện pháp cải thiện viêm họng kèm sưng hạch không dùng thuốc

Chườm nóng

Dùng một chiếc khăn nhúng vào nước nóng, sau đó vắt khô và chườm hạch vùng cổ gáy sẽ giúp giảm tình trạng sưng hạch.

Giữ vệ sinh răng miệng

Răng miệng không được vệ sinh đúng cách có thể là nơi trú ngụ của các loại vi khuẩn. Khi cổ họng bị viêm là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây bệnh. Do đó vệ sinh răng miệng thường xuyên, đúng cách sẽ hạn chế nhiễm khuẩn khoang miệng và vùng hầu họng.

Súc miệng bằng nước muối ấm hàng ngày, vệ sinh răng miệng sau mỗi bữa ăn. Lựa chọn các dụng cụ chăm sóc răng miệng phù hợp như chỉ nha khoa, tăm nước, kem đánh răng, nước súc họng…

Viêm họng kèm sưng hạch bạch huyết có nguy hiểm, dùng thuốc nào để trị? - Ảnh 4.

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ

Nghỉ ngơi

Nghỉ ngơi đầy đủ, thư giãn tinh thần, vận động nhẹ nhàng phù hợp thể trạng cũng là liệu pháp nâng cao sức đề kháng, khắc phục viêm họng sưng hạch nhanh chóng.

Dinh dưỡng đa dạng, cân đối

Viêm họng có thể khiến việc ăn uống trở nên khó khăn. Tuy nhiên khi bị tổn thương, cơ thể cần nhiều năng lượng hơn để giúp phục hồi những vùng tổn thương nhanh chóng và hiệu quả. Do đó không nên bỏ qua các bữa ăn.

Người bệnh có thể chia nhỏ các bữa, ăn thức ăn mềm, nguội. Uống nhiều nước giúp giảm kích ứng cổ họng. Không ăn mặn, ăn đồ chua, cay nóng, các chất kích thích như rượu, bia.

Viêm họng kèm sưng hạch nếu được điều trị đúng cách sẽ không phải vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên cũng không vì vậy mà chúng ta chủ quan với các tín hiệu của cơ thể. Hiểu về cơ thể và có các biện pháp chăm sóc phù hợp, kịp thời sẽ giúp cuộc sống khỏe mạnh mỗi ngày.

Mời độc giả xem thêm video:

Toàn Cảnh Covid Sáng 6/10: Trụ Không Nổi, Người Dân Đổ Về Quê Ngày Một Đông | SKĐS


Dược sĩ Nguyễn Vũ Nguyệt Minh
Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn