Chườm lạnh
Áp dụng trong vòng 48 giờ sau chấn thương. Nhiệt độ thấp sẽ làm giảm lưu lượng máu đến vùng bị tổn thương, giúp làm chậm tốc độ viêm và giảm nguy cơ sưng tấy cũng như tổn thương mô. Lạnh cũng có tác động gây tê cục bộ làm tê các mô bị đau, khiến cho các tín hiệu về cơn đau truyền đến não bị bất hoạt hoặc chậm lại.
Cách thức chườm lạnh nên thực hiện như sau: Chườm lạnh lên vùng bị viêm đau trong 20 phút, cứ 4-6 giờ/lần trong 2-3 ngày. Túi chườm nên ngâm trong nước lạnh, nhưng không để bị đóng băng. Trong trường hợp mát-xa bằng đá lạnh, cách mát xa như sau: Xoa bóp khu vực bằng một viên đá hoặc túi nước đá theo chuyển động tròn (để tránh bị bỏng nước đá) tối đa là 5 phút mỗi lần, từ 2 -5 lần một ngày.
Điều trị bằng liệu pháp chườm lạnh trong các trường hợp: viêm xương khớp, chấn thương vừa gặp, bong gân, viêm gân, đau do bệnh gout, sưng đau do tiêm chủng. Đắp mặt nạ lạnh hoặc quấn quanh trán một chiếc khăn lạnh có thể giúp giảm bớt cơn đau đầu. Đối với bệnh thoái hóa khớp, người bệnh nên mát xa bằng đá lạnh hoặc chườm lạnh 10 phút và nghỉ 10 phút.
Tuy nhiên, cần lưu ý không sử dụng liệu pháp chườm lạnh nếu: Có nguy cơ bị chuột rút, vì lạnh có thể làm cho tình trạng này tồi tệ hơn, cơ thể đang bị lạnh, có vết thương hở hoặc da bị phồng rộp, người có bệnh hoặc tổn thương liên quan đến mạch máu, hoặc rối loạn chức năng giao cảm, trong đó rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến lưu lượng máu, người bị dị ứng với lạnh, người bị đau do co thắt cơ hoặc co thắt mạch...
Không nên đặt đá lạnh trực tiếp lên da vì có thể làm tổn thương các mô cơ. Nếu dùng đá lạnh phải để đá trong túi và bọc ngoài bằng khăn.
Liệu pháp nhiệt - Chườm nóng
Chườm nóng lên vùng bị viêm sẽ làm giãn mạch, thúc đẩy lưu thông máu, giúp các cơ bị đau và căng được thư giãn. Chườm nóng còn giúp loại bỏ sự tích tụ axit lactic trong cơ (thường xảy ra sau tập thể dục thể thao). Nhiệt độ nóng cũng giúp thư giãn tâm lý, qua đó làm cơn đau dịu đi. So với chườm lạnh, liệu pháp nhiệt thường hiệu quả hơn trong việc điều trị đau cơ hoặc đau khớp mạn tính.
Cách thức nên làm như sau: Sử dụng các dụng cụ chườm nóng như túi chườm nóng điện, chai nước nóng, túi gel giữ nhiệt hoặc khăn nóng. Hoặc ngâm khu vực cần điều trị trong bồn tắm/chậu nước nóng 33-38 độ C. Trong một số điều kiện nhất định (trong cơ sở vật lý trị liệu) có thể sử dụng parafin nóng. Tại nhà có thể dùng các loại thuốc như thuốc xoa hoặc miếng dán mua sẵn tại hiệu thuốc.
Nên chườm nóng trong 20 phút, tối đa 3 lần một ngày, trừ khi có chỉ định khác. Các loại miếng dán đôi khi có thể được sử dụng liên tục đến 8 giờ.
Liệu pháp nhiệt có tác dụng trong các trường hợp: viêm xương khớp, căng cơ, viêm gân, hoặc kích ứng mạn tính và cứng gân, làm nóng cơ hoặc mô bị co cứng trước khi hoạt động, giảm đau hoặc co thắt liên quan đến chấn thương cổ hoặc lưng, thắt lưng. Nếu đau đầu do co thắt mạch, thiếu máu lên não, chườm nóng tại vùng cổ vai gáy có thể làm giảm co thắt mạch, giảm đau đầu. Có thể sử dụng nhiệt ở dạng tắm nước nóng, để ngăn chặn DOMS.
Lưu ý, chườm nóng hay liệu pháp nhiệt không thích hợp cho những chấn thương sinh nhiệt bao gồm nhiễm trùng, bỏng hoặc vết thương mới. Không nên sử dụng nhiệt nếu: Da có hiện tượng nóng, đỏ hoặc viêm; Người bị vết thương hở; Khu vực cần tác động bị tê liệt mất cảm giác hay người bệnh không nhạy cảm với nhiệt do bệnh thần kinh ngoại biên hoặc tình trạng tương tự.
Chườm lạnh và nóng luân phiên
Khi chườm lạnh, mạch máu co lại, tuần hoàn giảm và giảm đau. Bỏ lạnh ra, chườm nóng sẽ gây giãn mạch. Khi các mạch máu giãn nở, tuần hoàn được cải thiện và dòng máu đến mang theo chất dinh dưỡng để giúp các mô bị thương lành lại. Nóng và lạnh luân phiên hữu ích cho các trường hợp: viêm xương khớp, chấn thương do tập luyện thể thao hoặc DOMS.
Thận trọng khi sử dụng liệu pháp nhiệt hoặc chườm lạnh đối với người bị tăng huyết áp hoặc bệnh tim.