Cụ bà Carol Siegler, 85 tuổi sống là một "SuperAger" về nhận thức, sở hữu não bộ trẻ hơn 20-30 tuổi. Cụ Carol sống ở vùng ngoại ô Palatine của Chicago, Mỹ.
Cụ là thành viên của nhóm ưu tú tham gia chương trình nghiên cứu về những người cao tuổi có trí nhớ vượt trội do Đại học Northwestern ở Chicago, Mỹ thực hiện.
SuperAger - những người cao tuổi có trí nhớ vượt trội
Để trở thành "SuperAger" (người cao tuổi siêu phàm), người cao tuổi ở độ tuổi 80 trở lên phải có trí nhớ tốt hơn cả những người bình thường về mặt nhận thức ở độ tuổi 50-60.
Những SuperAger trong nghiên cứu của Trung tâm Mesulam về chức năng thần kinh nhận thức và bệnh Alzheimer (Trường Y khoa Feinberg, Đại học Northwestern ở Chicago, Mỹ) phải trải qua các bài kiểm tra nhận thức sâu rộng.
Theo giáo sư chuyên ngành tâm thần học Emily Rogalsk, những người cao tuổi siêu phàm này có trí nhớ xuất sắc, khả năng nhớ lại các sự kiện hàng ngày cũng như những kỷ niệm trong quá khứ.
Điều bất ngờ là khi so sánh các SuperAger với những người cao tuổi bình thường khác, họ có mức IQ (chỉ số thông minh) ngang nhau. Vì vậy sự khác biệt không chỉ do trí thông minh, GS. Emily Rogalsk nói.
Bí mật đằng sau trí nhớ siêu phàm: Phần vỏ não ít bị co lại, ưa giao tiếp xã hội
Hầu hết bộ não của mọi người sẽ nhỏ lại khi già đi. Tuy nhiên, ở những SuperAger, phần vỏ não vốn có chức năng về suy nghĩ và trí nhớ vẫn dày hơn nhiều và co lại chậm hơn so với những người ở độ tuổi 50-60.
Bộ não của một SuperAger cũng có các tế bào lớn hơn và khỏe mạnh hơn, nhờ đó ngăn ngừa bệnh Alzheimer.
Nhà khoa học Tamar Gefen, chuyên ngành tâm thần học và khoa học hành vi tại Đại học Northwestern cho biết, vỏ não kết nối trực tiếp với vùng hải mã trong não, đây là nơi rất cần thiết đối với trí nhớ và khả năng học tập trong não bộ.
Nghiên cứu cho thấy, bộ não của những SuperAger có số lượng protein "tau" chỉ bằng 1/3 so với những người bình thường ở độ tuổi 50-60. Những búi protein tau là thủ phạm dẫn đến bệnh Alzheimer và các chứng mất trí nhớ khác.
Theo chuyên gia thần kinh học Tamar Gefen, nhờ các tế bào thần kinh lớn hơn trong vùng vỏ não nội khứu (entorhinal) nên vùng vỏ não này có cấu trúc vững chắc hơn, ngăn ngừa các búi tau.
Ngoài ra, nhà khoa học này còn phát hiện bộ não của các SuperAger có nhiều tế bào thần kinh von ecomo hơn. Đây là loại tế bào não hiếm ở người, loài vượn lớn, voi, cá voi, cá heo và chim biết hót. Đây được coi là tế bào giúp chúng ta có trí nhớ tốt.
Ngoài yếu tố di truyền, các SuperAger có đặc điểm chung là rất chăm vận động thể chất và có lối sống rất năng động và lành mạnh.
Những người có trí nhớ siêu phàm này rất chăm đọc sách và học những thứ mới mỗi ngày, nhờ đó, não bộ của họ được rèn luyện để trở nên minh mẫn và tinh anh dù bước vào lứa tuổi "xưa nay hiếm".
Những người cao tuổi có trí nhớ vượt trội cũng có cuộc sống tinh thần rất vui vẻ và hạnh phúc, ưa giao tiếp xã hội. Xung quanh họ là gia đình bạn bè và tích cực tham gia các hoạt động trong cộng đồng, bao gồm cả các hoạt động tình nguyện.
Cụ bà Carol Siegler kể lại, từ lúc còn nhỏ, cụ đã tự học đánh vần và tự học piano. Tự mày mò học tiếng Do Thái bên ông nội, bà Carol còn đọc tờ báo bằng tiếng Do Thái hàng tuần.
Trí nhớ của bà từ khi còn nhỏ đã tốt tới mức chỉ cần ai hỏi số điện thoại của một ai đó là gì, cô bé Carol khi đó đã có thể nói vanh vách.
Tốt nghiệp trung học năm 16 tuổi, ngay lập tức nữ sinh Carol vào đại học. Lấy bằng phi công năm 23 tuổi, Carol bắt đầu công việc kinh doanh của gia đình và quản lý tới 100 nhân viên.
Từng giành chiến thắng giải ô chữ ở tuổi 82, cụ bà Carol dí dỏm cho biết, cụ có thể biết rất nhiều về các nhà soạn nhạc huyền thoại như Beethoven và Liszt, nhưng lại biết rất ít về các ngôi sao âm nhạc của thế hệ trẻ như Beyoncé và Lizzo.
Mời độc giả xem thêm video:
5 loại rau lá xanh tốt nhất giúp giảm mỡ bụng và làm chậm lão hóa