Sử dụng những kiến thức học được trong thời kỳ đại dịch COVID-19, các bác sĩ phẫu thuật tại Trung tâm Y khoa Northwestern (Northwestern Medicine), Đại học Northwestern ở Chicago đã thực hiện thành công ca ghép phổi kép cho hai bệnh nhân ung thư giai đoạn 4. Cả hai bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn và khỏe mạnh.
Khi ung thư di căn từ lá phổi này sang lá phổi kia và không phản ứng với các phương pháp điều trị tiêu chuẩn, bao gồm xạ trị và hóa trị, bệnh nhân thường không còn sự lựa chọn nào khác.
Ông Albert Khoury (55 tuổi, sống tại Chicago) được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi vào đầu năm 2020. Ban đầu, các khối u của ông chỉ tập trung ở một bên phổi. Mặc dù đã trải qua hai đợt hóa trị, ung thư vẫn di căn sang lá phổi còn lại, và đó là giai đoạn 4.
Tannaz Ameli và Albert Khoury là những bệnh nhân đầu tiên được ghép phổi để điều trị bệnh ung thư.
Ông chia sẻ, các bác sĩ nói với tôi rằng: "Hãy về nhà và tận hưởng những thời gian còn lại của mình với những người thân xung quanh đi nhé. Anh chỉ còn sống thêm được một vài tháng thôi".
Vào tháng 9/2021, ông Khoury trở thành người ung thư phổi giai đoạn cuối đầu tiên được ghép phổi. Kể từ đó, phương pháp điều trị mới đã được thực hiện trên bệnh nhân thứ hai bị ung thư, đó là một phụ nữ tên Tannaz Ameli, 65 tuổi.
Phương pháp tiếp cận này là giải pháp cuối cùng cho cả ông Khoury và bà Ameli.
Tiến sĩ Ankit Bharat - Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực, Giám đốc Viện Y học Lồng ngực, Đại học Northwestern (Chicago, Mỹ) cho biết: "Nếu tất cả các lựa chọn khác đều không được, chỉ khi đó chúng ta mới xem xét áp dụng phương pháp này".
Trước đó, việc cấy ghép phổi cho bệnh nhân ung thư là thay từng lá phổi từng bước một. Tuy nhiên, kỹ thuật này đi kèm với một số rủi ro khá lớn: Phổi bị ung thư còn lại có thể lây nhiễm ung thư sang phổi mới và các vết rạch có thể khiến các tế bào ung thư rò rỉ vào máu.
Chính vì vậy, Bharat và nhóm của ông ở Đại học Northwestern có phương pháp tiếp cận khác. Bằng cách lấy cả hai lá phổi nhiễm ung thư ra khỏi cơ thể cùng một lúc và thay thế bằng hai lá phổi khỏe mạnh được cấy ghép, việc này có thể giảm đáng kể nguy cơ tế bào ung thư lây nhiễm sang các cơ quan mới hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Khi phổi chính được lấy ra khỏi cơ thể, bệnh nhân được nối với máy trợ tim phổi nhân tạo để duy trì sự sống.
Phương pháp này không áp dụng cho tất cả bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 4, chỉ áp dụng cho những người ung thư đã di căn từ phổi này sang phổi kia nhưng chưa lan ra ngoài.
Tiến sĩ Ankit Bharat - người đứng đằng sau hai ca phẫu thuật ghép phổi cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
Ông chia sẻ: "Trước khi bước vào phòng phẫu thuật, chúng tôi đã xác định và chắc chắn 100% rằng sẽ không có ung thư phát tác ra ngoài phổi. Nếu ung thư đã lan ra ngoài phổi, chúng tôi sẽ không thể thực hiện những ca ghép phổi kép như thế này".
Chính trong thời kỳ đại dịch, các bác sĩ phẫu thuật tại Trung tâm Y khoa Northwestern (Northwestern Medicine) - Đại học Northwestern nhận ra có thể thực hiện loại phẫu thuật này. Ca ghép phổi kép đầu tiên ở bệnh nhân COVID-19 được thực hiện tại cùng bệnh viện.
Tuy nhiên, bất cứ quy trình nào cũng đều có những mục tiêu nhất định, và mỗi quy trình sẽ có những rủi ro riêng.
Tiến sĩ William Dahut, Giám đốc khoa học của Hiệp hội Ung thư Mỹ cho biết :"Đối với chúng tôi, để tìm được bệnh nhân phù hợp là cả một quá trình dài. Đây là một ca phẫu thuật lớn, vì vậy cần một người có thể chịu đựng cả phẫu thuật và các liệu pháp ức chế miễn dịch mà bạn cần sau khi cấy ghép".
Tuy nhiên, theo TS.Dahut, phương pháp này có thể tiềm ẩn nguy cơ biến chứng cao dù có trường hợp chỉ giúp kéo dài tuổi thọ của người bệnh thêm vài năm.
Chương trình "Thay thế phổi kép và chăm sóc đa ngành của Northwestern Medicine, hay DREAM" lên kế hoạch theo dõi 75 bệnh nhân ung thư đầu tiên được ghép phổi. Đại học Northwestern ở Chicago hy vọng những gì đã biết từ các ca phẫu thuật này có thể giúp các trung tâm phẫu thuật khác làm điều tương tự.
TS. Bharat cho biết, ông dự đoán ít nhất sẽ có một vài bệnh nhân sẽ tái phát. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp, ca phẫu thuật đã giúp các bệnh nhân hồi phục hoàn toàn và không tái phát.
Ông chia sẻ, dù chỉ có thể cứu sống được một vài bệnh nhân và giúp họ mở cánh cửa một cuộc đời mới, điều đó cũng khiến đội ngũ y bác sĩ cảm thấy rất cảm động.
Mời độc giả xem thêm video:
Quả tim đập khỏe khoắn trong lồng ngực của người nhận sau khi ghép