"Tủ bánh mì nụ cười 246" là một sáng kiến nhân đạo do một nhóm bạn trẻ ở Nghệ An khởi xướng, do chị Phan Thị Giang (38 tuổi), công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Truyền thông huyện Quỳ Hợp, làm trưởng nhóm.
Đều đặn mỗi sáng thứ 2, 4, 6 trong suốt 5 năm qua, vào lúc 7h sáng, khoảng 100 ổ bánh mì được nhóm thiện nguyện mang đến và xếp gọn gàng vào tủ. Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến nhận bánh mì miễn phí, mỗi người một ổ, tự nhiên dùng cho đến khi hết thì thôi.
Hoạt động từ tháng 10/2019 đến nay, tủ bánh mì đã phục vụ hàng nghìn lượt bệnh nhân nghèo khi đến khám, điều trị tại Trung tâm Y tế Quỳ Hợp.
Chia sẻ về hoạt động này, chị Giang cho biết, huyện Quỳ Hợp có hơn 54% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu sống tập trung ở 14 xã vùng cao đặc biệt khó khăn. Khi mắc bệnh, bà con thường đến khám và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện, trung bình mỗi ngày có từ 150 đến 200 người đến khám và điều trị.
Xuất phát từ ý tưởng của thầy giáo khuyết tật Nguyễn Văn Mạnh (Trường THCS xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp), người đã chia sẻ mong muốn mở một tủ bánh mì miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở huyện. Vậy là chị Giang đã cùng một số thầy cô giáo và nhiều bạn trẻ trên địa bàn thực hiện dự án Tủ bánh mì nụ cười.
Thực tế đó càng thôi thúc chị Giang, thầy Mạnh và một số giáo viên (công tác tại Trường THCS xã Hạ Sơn) quyết tâm thực hiện dự án "Tủ bánh mì nụ cười" tại Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp. Nhóm đối tượng hướng đến là các bệnh nhân, người khuyết tật, trẻ mồ côi, người già… ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đang điều trị, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp.
"Để thực hiện ý tưởng, ban đầu tôi đã dùng tiền thưởng của mình từ giải nhất cuộc thi ảnh 'Thách thức thay đổi' năm 2019 của Trung ương Đoàn, với số tiền là 4,5 triệu đồng. Sau đó, tôi vận động bạn bè, đồng nghiệp... quyên góp, ủng hộ. Đến nay, dự án đã nhận được gần 45 triệu đồng, hàng nghìn lượt người bệnh nghèo được nhận bánh miễn phí. Tủ bánh cũng thu hút hàng trăm nhà tài trợ ở huyện Quỳ Hợp và cả nước ủng hộ" chị Giang chia sẻ.
Được biết, nhóm đã làm việc với lãnh đạo, Công đoàn của Trung tâm Y tế huyện, liên hệ tìm nhà sản xuất bánh mì đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, ký kết việc sản xuất bánh mì để phục vụ dự án, đặt làm tủ đựng bánh. Danh sách các mạnh thường quân ủng hộ được đăng tải trên Facebook, Zalo của nhóm. Tất cả đều được công khai vào những ngày có bánh phục vụ bệnh nhân. Việc thanh toán tiền cho người bán bánh được thực hiện vào cuối tháng.
Mỗi tháng khoảng hơn 600 chiếc bánh đã được trao đi. Đến nay, sau gần 5 năm hoạt động, đã có hàng vạn chiếc bánh mì giúp ấm lòng hàng nghìn người bệnh nghèo.
Cầm trên tay ổ bánh mì, bà Lương Thị Lan (65 tuổi), dân tộc Thái, ở thị trấn Quỳ Hợp, cho biết, bà đến trung tâm để điều trị cả tuần nay. Gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, tuổi cao, lại thường xuyên đau ốm, nên gặp rất nhiều khó khăn. "Đến đây, được bánh mì ăn sáng miễn phí, tôi rất vui, rất ấm lòng khi mỗi tuần có ba ngày không phải tốn tiền lo bữa sáng, dành cho những bữa ăn khác", bà Lan nói.
Chị Vi Thị Sơn, (30 tuổi), trú tại xã Nam Sơn, huyện Quỳ Hợp, có con mới sinh đang phải điều trị viêm phổi. Chị cho biết, "Gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn và ở cách trung tâm y tế huyện gần 50km. Dù được điều trị miễn phí, nhưng tiền sữa cho con và chi phí ăn ở cho người nhà rất tốn kém. Ở đây, tôi được phát bánh mì buổi sáng. Tôi vui lắm vì có bánh ăn lấy sữa cho con bú".
"Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì lâu dài "Tủ bánh mì nụ cười" để tiếp sức cho bệnh nhân và người nhà của họ. Một chiếc bánh mì, mặc dù nhỏ thôi nhưng cũng là động lực tinh thần để bà con vượt qua khó khăn, sớm khỏi bệnh... Niềm vui của bà con là động lực để chúng tôi và các mạnh thường quân đồng hành cùng họ. Chúng tôi muốn những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, hãy luôn lạc quan để chiến đấu với bệnh tật" - chị Giang nói.