Hà Nội

Nắng như đổ lửa, nhiều hồ chứa ở Nghệ An đã khô cạn, trơ đáy

17-05-2024 09:21 | Xã hội

SKĐS - Nhiều địa phương ở Nghệ An đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sản xuất vụ hè thu. Hàng loạt hồ, đập thủy lợi trên địa bàn đã khô cạn, lòng hồ trơ đáy...

Nắng nóng chỉ mới bắt đầu, nhưng ở Nghệ An, mực nước tại các hồ, đập đang dần cạn kiệt, nguy cơ thiếu nước sản xuất vụ hè thu.

Theo ông Lê Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn, cả xã có 15 hồ chứa tưới cho 95 hécta lúa hè thu, hiện mực nước chỉ đạt từ 20-30% dung tích. Trong đó, hồ chứa Tràng Đen lớn nhất, tưới cho 40 hécta lúa, nay chỉ còn khoảng 25% dung tích nước, gây khó khăn cho sản xuất vụ hè thu. Hiện nay, xã đã rà soát và lên kế hoạch chuyển đổi 15 hécta vùng khó khăn về nguồn nước sang trồng cây hoa màu.

Nắng như đổ lửa, nhiều hồ chứa ở Nghệ An đã khô cạn, trơ đáy- Ảnh 1.

Hồ chứa Tràng Đen, xã Nam Hưng (huyện Nam Đàn) lòng hồ đã cạn nước. (Ảnh chụp ngày 15/5).

Huyện Nam Đàn có 69 hồ chứa lớn nhỏ, phục vụ tưới tiêu cho hơn 1.000 hécta lúa. Theo ghi nhận, hiện nay hầu hết các hồ chứa chỉ đạt từ 20-30% dung tích, trong đó có một số hồ chỉ đủ cho 2-3 đợt mở nước.

Trước nguy cơ thiếu nước cho lúa hè thu tại các vùng hồ chứa, huyện đã chuyển đổi 200 hécta lúa ở những vùng không thể gieo cấy sang trồng các loại cây hoa màu. Đối với các hồ chứa còn khả năng tưới cho diện tích lúa hè thu, huyện chỉ đạo các xã mở nước tiết kiệm và tưới tiêu một cách khoa học.

Tương tự, tại huyện Yên Thành có hơn 200 hồ chứa, hiện nay mực nước chỉ đạt từ 30-50% dung tích, trong đó nhiều hồ chứa đã cạn nước. Huyện đang tiến hành rà soát và cân đối nguồn nước, đồng thời có kế hoạch chuyển đổi hơn 100 hécta diện tích khó khăn về nước tưới lúa sang trồng hoa màu.

Đồng thời chỉ đạo các xã huy động nhân lực để nạo vét kênh mương và duy tu bờ vùng, bờ thửa ngay từ đầu vụ nhằm tránh thất thoát nước.

Quan sát tại hồ Khe Cày, xã Kim Thành, huyện Yên Thành, lòng hồ trơ đáy, trâu bò ra tận giữa lòng hồ để ăn cỏ. Hiện tại, mực nước của các hồ chứa trên địa bàn như hồ Luốc, Nước Vàng, Vệ Vừng... chỉ đạt 30% dung tích. 

Nắng như đổ lửa, nhiều hồ chứa ở Nghệ An đã khô cạn, trơ đáy- Ảnh 2.

Một số vị trí ở lòng hồ Khe Cày xã Kim Thành, (huyện Yên Thành) đã nứt nẻ.

Anh Nguyễn Văn Hà ở xã Kim Thành chia sẻ, "Nhà tôi có mấy sào lúa, đều nhờ vào nguồn nước ở hồ Khe Cày, nhưng với mực nước kiệt như hiện nay sẽ rất khó khăn để sản xuất lúa hè thu. Nếu trời không mưa, có khi phải chuyển đổi từ lúa sang trồng màu".

Theo thống kê, tỉnh Nghệ An hiện có 1.061 hồ đập lớn nhỏ. Tính đến cuối tháng 4 đầu tháng 5/2024, trong số 103 hồ đập do các công ty TNHH thủy lợi quản lý, chỉ có 8 hồ còn đầy nước, chiếm 7,7%. Có 76 hồ có dung tích nước hiện chỉ đạt từ 50-70% so với dung tích thiết kế và 19 hồ còn lại cơ bản đã khô cạn.

Số hồ đập do các địa phương quản lý là 958 hồ. Trong số này, hiện có 186 hồ đầy nước, chiếm tỷ lệ 19,41%. Có 537 hồ có dung tích nước đạt từ 50-70% so với dung tích thiết kế, chiếm tỷ lệ 56,05%. Còn lại 235 hồ có dung tích nước chỉ đạt từ dưới 50% đến 20% so với thiết kế.

Hồ thủy điện Bản Vẽ ở thượng nguồn sông Lam là hồ chứa lớn nhất khu vực miền Trung với dung tích thiết kế lên đến 1,83 tỷ m³ nước. Hiện tại, nước trong hồ chỉ còn 1,43 tỷ m³, đạt 78,2% so với dung tích thiết kế.

Nắng như đổ lửa, nhiều hồ chứa ở Nghệ An đã khô cạn, trơ đáy- Ảnh 3.

Hồ chứa xã Hoà Sơn (huyện Đô Lương) chỉ còn hơn 10% dung tích nước.

Lưu lượng dòng chảy ở các con sông lớn như sông Lam, sông Hiếu, sông Con... đang xuống thấp chưa từng có. Sông Lam, vốn phục vụ nước tưới cho 19.000 hécta lúa ở các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TP Vinh và thị xã Cửa Lò, đang có nguy cơ cạn kiệt.

Những hiện tượng thời tiết nói trên, cùng với thực trạng nguồn nước tưới hiện có ở các hồ đập, sông suối... cảnh báo trước về tình trạng nắng nóng và hạn hán rất nghiêm trọng sẽ xảy ra đối với vụ sản xuất hè thu và cả vụ mùa sắp tới. Vì vậy, các cơ sở sản xuất và bà con nông dân cần chủ động thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra.

Vụ hè thu năm nay, Nghệ An sẽ gieo trồng 56.900 hécta lúa. Theo nhận định, đây là vụ sản xuất đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để đảm bảo nước tưới cho lúa hè thu ở các vùng hồ chứa, Chi cục Thủy lợi Nghệ An đã đưa ra các giải pháp, yêu cầu các địa phương rà soát tình hình nguồn nước, lập phương án tưới chống hạn cho từng vùng, từng công trình, quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ thất thoát, và sử dụng nguồn nước một cách tiết kiệm, hiệu quả.

Theo dự báo của Đài Khí tượng – Thủy văn Khu vực Bắc miền Trung, từ tháng 5 đến tháng 7 nắng nóng sẽ xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm, cường độ nắng nóng xảy ra gay gắt, nhiệt độ không khí từ tháng 3 đến tháng 9 cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 1 – 1,5 độ C.

Trong đó, nhiệt độ các tháng 5, 6, 7 ở Nghệ Tĩnh nói chung, Nghệ An nói riêng còn cao hơn trung bình nhiều năm trên 1,5 độ C do ảnh hưởng của gió Tây Nam (gió Lào) hoạt động mạnh.

"Giải bài toán" hạn hán, xâm nhập mặn do nắng nóng kéo dài'Giải bài toán' hạn hán, xâm nhập mặn do nắng nóng kéo dài

SKĐS - Trước nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động các phương án để đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất.

Hoàng Trinh
Ý kiến của bạn