Thực đơn bữa trưa tại Trường Mầm non Châu Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) được thay đổi hàng ngày, đảm bảo về mặt chất lượng, dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ đó mà tỷ lệ học sinh bị suy dinh dưỡng giảm rõ rệt theo hàng năm.
Cô Trần Thị Cúc - Hiệu trưởng Trường Mầm non Châu Tiến cho biết, đa số các em học sinh đều là con em người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Ngoài công tác dạy và học, hàng năm từ đầu năm học, trường phối hợp với trạm y tế tổ chức khám sức khỏe, cân, đo chiều cao cho các em, qua đó, phát hiện nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng. Để giúp các cháu bổ sung dinh dưỡng, Ban Giám hiệu nhà trường đã bàn giải pháp góp phần cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Châu Tiến cho biết thêm, năm ngoái trường phát hiện có 25 trẻ suy dinh dưỡng. Nhờ được chăm sóc đúng cách, ăn uống đầy đủ, đến cuối năm học, chỉ còn khoảng 5% trẻ suy dinh dưỡng. Đặc biệt, đối với các em học sinh suy dinh dưỡng đến trường, nhưng do điều kiện gia đình khó khăn không được ăn uống đầy đủ, các cô giáo đã quyên góp, ủng hộ tiền, gây quỹ tình thương để nấu mỗi tuần 3 bữa sáng dinh dưỡng cho trẻ. Ngoài ra, còn phối hợp đoàn thanh niên, hội phụ nữ góp gạo và trứng để tổ chức bữa cháo cho các cháu.
Xã Tri Lễ (huyện Quế Phong) là xã miền núi, đa số học sinh đều là con em người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Do vậy, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em luôn ở mức cao. Tuy nhiên, kể từ khi các điểm trường tổ chức bữa ăn bán trú, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm rõ rệt.
Bà Võ Thị Như – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tri Lễ cho biết, cứ vào đầu năm học, nhà trường tổ chức khám sức khỏe, cân đo cho các cháu. Nhờ đó, nhà trường phát hiện nhiều em bị suy dinh dưỡng nhưng chưa được phụ huynh quan tâm, chăm sóc đúng cách.
"Để giúp các cháu bổ sung dinh dưỡng, hàng tháng, Trường Mầm non Tri Lễ đã tính toán thực đơn cho bữa ăn bán trú một cách hợp lý nhất. Thực đơn các bữa ăn được thay đổi, tăng lượng thực phẩm giúp các cháu ăn nhiều hơn, cơ thể có thể hấp thu tốt hơn nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe. Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với cộng đồng và gia đình để hướng dẫn cách chăm sóc trẻ tại gia đình...", cô Như cho biết.
Cô Võ Thị Như cho biết thêm, trường hiện có 10 điểm trường, nhưng có 6 điểm trường ăn bán trú cô nuôi theo thực đơn của nhà trường, còn 4 điểm trường ăn bán trú dân nuôi thì cũng bắt đầu cũng có thay đổi về nhận thức về dinh dưỡng cho trẻ. Trước đây, đưa cơm cho con chỉ một chút thức ăn như chuột hay nhái nhưng giờ có thêm trứng, thịt kho, cá, rau…
"Sau một năm giảm trẻ suy dinh dưỡng còn khoảng 5%. Nhiều trẻ khỏe hơn nhờ được chăm sóc đúng cách, ăn uống đầy đủ chất. Để có được kết quả này, nhà trường đã thay đổi thực đơn phù hợp, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong bữa ăn, các cô phụ trách lớp phải theo dõi, hỗ trợ các cháu", cô Như cho biết thêm.
Là người nhiều năm gắn bó với y tế vùng cao, ông Lê Quang Trung - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong cho biết: "Nguyên nhân trẻ suy dinh dưỡng ở miền núi là do nhiều cha mẹ không biết cách và chưa có ý thức chăm con. Nhiều người để con ở nhà gửi ông bà, người thân, đi làm cả ngày đến tối mới về, dẫn đến không quan tâm chăm sóc trẻ. Trước đây, trẻ suy dinh dưỡng thấp còi rất lớn, nhưng đến nay giảm xuống còn 15,07 % trẻ suy dinh dưỡng".
Theo ông Trung, nhiều năm qua các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đã chú trọng đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ nên tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi có giảm rõ rệt. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất chính là đời sống kinh tế hộ gia đình của người dân phải được thay đổi. Khi điều kiện sống, trình độ nhận thức nâng lên, người dân mới chú trọng đến chế độ dinh dưỡng cho con em.
Nhiều thách thức phía trước
Thời gian qua, các huyện miền núi đã nỗ lực tuyên truyền, lồng ghép, tổ chức nhiều hoạt động, triển khai các đề án góp phần cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em như phát sữa, bổ sung vi chất cho bà mẹ, trẻ em, tổ chức lớp học bán trú... Ngoài ra, còn phát huy vai trò của nhân viên y tế thôn hướng dẫn bà mẹ cách nấu cháo dinh dưỡng, chăm sóc trẻ và phát hiện trẻ bị suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, vì đời sống khó khăn, trình độ nhận thức còn thấp, nhiều người chưa chú trọng đến dinh dưỡng cho con em.
Tỉnh Nghệ An đang phải đối mặt với những thách thức trong vấn đề dinh dưỡng. Đặc biệt, suy dinh dưỡng vẫn đang là một áp lực lớn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chênh lệch các chỉ số dinh dưỡng giữa vùng miền vẫn còn cách biệt đáng kể. Theo kết quả đánh giá của Viện Dinh dưỡng Quốc gia trong các năm 2020 -2022: Kết quả giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi từ 26% năm 2020 giảm xuống còn 25.5% năm 2021 và năm 2022 giảm còn 25.2%. Đối với suy dinh dưỡng nhẹ cân từ 15.7% năm 2020 giảm xuống còn 15.2% năm 2021 và năm 2022 giảm xuống còn 14.8%.
Không những vậy, trẻ em dân tộc thiểu số ở Nghệ An thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu dinh dưỡng. Mặc dù tỷ lệ suy dinh dưỡng toàn quốc đã giảm nhưng tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở Nghệ An còn cao hơn từ 3% trở lên so với tỷ lệ trung bình chung. Chênh lệch chỉ số suy dinh dưỡng giữa các vùng miền còn lớn. Nghệ An vẫn nằm trong nhóm 22 tỉnh có tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cao của cả nước…
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An chia sẻ, tỷ lệ suy dinh dưỡng cao ở trẻ em miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số sẽ gây hậu quả lâu dài đến chất lượng nguồn nhân lực, làm chậm quá trình giảm nghèo, phát triển kinh tế ở một số vùng khó khăn.
Trước thực trạng đó, nhiều năm nay CDC Nghệ An đã tổ chức hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, người cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, tuyên truyền vận động, truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em hỗ trợ cải thiện sức khỏe và dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ nhỏ.
Cùng với đó triển khai mô hình Chăm sóc dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời, củng cố và hoàn thiện mạng lưới chuyên trách và cộng tác viên dinh dưỡng ở thôn/bản vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số… Việc thực hiện chương trình để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi cho trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, rút ngắn khoảng các giữa trẻ em thành thị và miền núi là thực sự cần thiết.
Để công tác phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đảm bảo bền vững, ngoài sự quan tâm của Trung ương, tỉnh thì các địa phương và cộng đồng cần đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng. Ngoài ra, các hộ gia đình cần tăng gia sản xuất nuôi trồng để tạo nguồn thực phẩm lành mạnh phục vụ bữa ăn tại gia đình, phát triển trồng cây công nghiệp sản xuất hàng hóa, vừa đáp ứng thực phẩm bổ sung thêm, Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Việc nhận diện nguyên nhân chính xác là cơ sở để các cấp ngành, địa phương có giải pháp "trúng" để cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.