Thực dưỡng cho người bệnh viêm xoang

04-08-2023 06:30 | Y học cổ truyền

SKĐS - Viêm xoang được gọi là chứng "Tỵ uyên" trong Đông y, biểu hiện chủ yếu của bệnh là chảy nước mũi và tắc mũi, kèm theo nhức đầu, khứu giác giảm hoặc mất hẳn...

1. Đặc điểm và biểu hiện của viêm xoang

Y học hiện đại chia bệnh viêm xoang thành 2 loại chính: Cấp tính và mạn tính. Viêm xoang mạn tính thường gặp nhiều hơn.

Có 4 loại xoang: Xoang hàm trên, xoang trán, xoang sàng và xoang bướm. Mỗi loại xoang đều có thể đơn độc bị viêm hoặc cũng có thể bị viêm đồng thời. Viêm xoang hàm trên hay gặp nhất, thứ đến là viêm xoang sàng...

Viêm xoang cấp tính

- Biểu hiện: Phát sốt sợ rét, người khó chịu, ăn không ngon miệng, đau đầu, tắc mũi, mũi chảy nhiều nước trong, hoặc nước mũi đặc quánh như mủ. Mũi có thể bị tắc một bên hoặc cả hai bên kèm thêm giảm khứu giác.

Nếu bệnh do nguyên nhân ở răng, nước mũi đặc như mủ và có mùi hôi. Tùy theo vị trí xoang bị viêm, đau có thể xuất hiện ở những vị trí khác nhau và tính chất đau cũng không giống nhau. Có khi thấy đau ở vùng má, có khi đau ở vùng trán trên lông mày; có khi đau nhiều vào buổi sáng, có khi đau tăng về chiều tối...

photo-1690939890619

Tùy theo vị trí xoang bị viêm, đau có thể xuất hiện ở những vị trí khác nhau

Viêm xoang mạn tính

Biểu hiện: Thường do viêm xoang cấp tính không được chữa triệt để, kéo dài ngày mà thành; thường có những biểu hiện: Mũi tắc liên tục, nước mũi nhiều và đặc như mủ, thường có mùi hôi tanh, khứu giác bị giảm hoặc mất hẳn. Nói chung không có những biểu hiện toàn thân, hoặc chỉ kèm theo nhức đầu, chảy nước mũi, chảy ra nhiều dễ dẫn tới viêm họng.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, sử dụng các món ăn bài thuốc cũng có thể mang lại hiệu quả trị liệu hoặc hỗ trợ điều trị rất tốt. Người bệnh có thể căn cứ vào các chứng trạng biểu hiện cụ thể, mà chọn dùng một số món ăn bài thuốc thích hợp, theo nguyên tắc "Biện chứng thực liệu" dưới đây.

2. Món ăn bài thuốc phù hợp với từng thể bệnh viêm xoang

2.1 Thể phong nhiệt uẩn kết gây viêm xoang

- Biểu hiện: Tắc mũi, mũi chảy nhiều nước đục, đặc quánh, màu vàng hoặc trắng vàng lẫn lộn, khứu giác giảm, dầu lưỡi đỏ, rêu vàng mỏng; mạch phù sác.

- Phép chữa: Sơ phong thanh nhiệt thông khiếu.

- Món ăn bài thuốc thường dùng:

+ Cháo rau sam: Tân di hoa 10g, mã xỉ hiện (rau sam) 30g, gạo tẻ 50g; sắc tân di lấy nước bỏ bã, cho gạo vào nước sắc tân di nấu cháo, khi cháo gần chín cho rau sam vào, đun thêm một lát; dùng làm món ăn điểm tâm buổi sáng; liên tục 10 ngày là 1 liệu trình.

+ Cháo lá dâu: Lá dâu tằm 9g, hoa cúc 6g, hạnh nhân 9g, gạo tẻ 60g; đem lá dâu và hoa cúc sắc kỹ, chắt lấy nước rồi cho hạnh nhân và gạo vào nấu thành cháo; chia ra ăn trong ngày, dùng liên tục trong nhiều ngày.

photo-1690939892002

Cháo rau sam hỗ trợ điều trị viêm xoang thể phong nhiệt uẩn kết

2.2 Thể đởm hỏa thượng nghịch

- Biểu hiện: Mũi chảy nhiều nước vàng đục, đặc quánh như mủ, mùi hôi, khứu giác giảm sút, kèm theo ù tai, đắng miệng, bồn chồn dễ nổi giận, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác.

- Phép chữa: Thanh đởm tả hỏa thông khiếu.

- Món ăn bài thuốc thường dùng:

+ Nước ép mướp đắng: Mướp đắng tươi 2 quả, thái nhỏ, ép lấy nước cốt (bỏ bã), uống hết 1 lần, hoặc chia 2 lần uống trong ngày (uống lạnh). Dùng liên tục 7 ngày là 1 liệu trình. Có thể thêm đường cho dễ uống.

+ Trà diếp cá: Diếp cá (dùng toàn cây) 20g, cát cánh 6g, cam thảo 3g; sắc nước uống thay trà trong ngày, liên tục nhiều ngày.

2.3. Thể phế tỳ khí hư

- Biểu hiện: Chảy nước mũi, niêm mạc trắng nhợt, mất khứu giác (không phân biệt được mùi vị), tắc mũi. Gặp lạnh bệnh nặng hơn; kém ăn, mệt mỏi, lưỡi nhợt, mạch nhược.

- Phép chữa: Bổ ích tỳ phế, thông khiếu.

- Món ăn - Bài thuốc thường dùng:

+ Canh bí đao hoàng kỳ: Hoàng kỳ 30g, bí đao lượng thích hợp. Sắc hoàng kỳ lấy nước (bỏ bã), bí đao gọt bỏ vỏ và ruột, thái miếng, dùng nước sắc hoàng kỳ nấu thành món canh; dùng làm thức ăn trong bữa cơm, liên tục 7 ngày.

+ Canh dây mướp: Dây mướp (đoạn gần gốc) khoảng 30g, thịt lợn nạc 50g. Dây mướp thái ngắn, nấu với thịt lợn thành món canh, dùng làm thức ăn trong bữa cơm (ăn thịt lợn và uống nước canh), dùng liên tục 7 ngày là 1 liệu trình. Hoặc cũng có thể dùng dây mướp 60g, thái nhỏ, sắc nước uống thay trà.

Lưu ý: Khi có các biểu hiện trên người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Tại Hà Nội, một số địa chỉ khám viêm xoang bạn đọc có thể tham khảo:

- Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, số 78 Đường Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.

- Bệnh viện Bạch Mai, số 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội (Khoa Tai Mũi Họng,Khoa Y học cổ truyền)

- Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, số 1 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội (Khoa Tai Mũi Họng).

- Bệnh viện Quân y 103, số 261 Phùng Hưng, Hà Đông, TP Hà Nội (Khoa Tia Mũi Họng).

- Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, số 12 Chu Văn An, Quận Ba Đình, Hà Nội (Khoa Tai Mũi Họng).

- Bệnh viện Quân y 354, số 120 Đốc ngữ, Ba Đình, Hà Nội (Khoa Tia Mũi Họng).

- Bệnh viện Hữu Nghị, số 1 Trần Khánh Dư, Hai Bà Trưng, Hà Nội (Khoa Tai Mũi Họng)...

Một số bệnh viện về y học cổ truyền như:

- Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội

- Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ công an, số 278 Lương Thế Vinh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

- Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội, số 442 Kim Giang, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

- Bệnh viện Đa khoa Y Học Cổ Truyền Hà Nội, số 8 đường Phạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội...

Mời bạn xem thêm video:

WHO cảnh báo 4 nhóm thực phẩm dễ gây ngộ độc Botulinum | SKĐS

BS Chu Văn Tiến
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn