5 động tác yoga làm thông khí, giảm khó thở do viêm xoang

SKĐS - Viêm xoang có thể được điều trị bằng thuốc hay thực hiện một số biện pháp khắc phục tại nhà giúp giảm triệu chứng và đẩy nhanh quá trình lành bệnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể tập yoga để hỗ trợ đẩy lùi các biểu hiện khó chịu do bệnh.

Viêm xoang mạn tính thường xảy ra do phản ứng dị ứng, nhiễm trùng hay bất kỳ sự phát triển bất thường nào trong xoang (polyp mũi) hoặc sưng niêm mạc xoang.

Một số triệu chứng viêm xoang có thể gặp bao gồm:

  • Tắc nghẽn xoang dẫn đến khó thở bằng mũi
  • Đau và sưng quanh mắt, má, mũi hoặc trán
  • Ho,
  • Sốt
  • Nhức đầu
  • Đau họng.

Theo Himalayan Siddha Akshar, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển yoga Akshar tại Ấn Độ, có một số động tác có thể làm dịu các vấn đề về hô hấp do viêm xoang gây ra nhờ có tác dụng mở đường thông khí của mũi. Bạn nên thực hiện các kỹ thuật này trong 3 hiệp, giữ mỗi tư thế trong 30 giây để đạt hiệu quả với bệnh viêm xoang.

1. Tư thế kim cương giúp giảm viêm xoang

Cách thực hiện:

  • Quỳ trên hai gối, duỗi thẳng cẳng chân ở phía sau, hai chân chạm nhau.
  • Từ từ hạ thấp cơ thể, hạ hông ngồi trên gót chân. Tay trái đặt lên đầu gối trái, tay phải đặt lên đầu gối phải.
  • Thẳng lưng và nhìn về phía trước
  • Giữ tư thế trong 30 giây.

Tác dụng: Thư giãn, điều hòa hơi thở.

Lưu ý: Những người mới phẫu thuật đầu gối, người bị bệnh về sột sống hay đầu gối không nên tập tư thế này vì có thể làm tình trạng bệnh nặng hơn. Phụ nữ mang thai khi tập có thể lựa theo hình dáng cơ thể để tìm vị trí đặt chân như mở rộng hơn bình thường sao cho không gây áp lực lên bụng.

photo-1678355340237

Tư thế kim cương điều hòa hơi thở giúp người bệnh viêm xoang thư giãn.

2. Tư thế cái cày hỗ trợ giảm khó chịu do viêm xoang

Cách thực hiện:

  • Nằm ngửa, đặt hai tay bên cạnh cơ thể, lòng bàn tay úp xuống sàn.
  • Ấn lòng bàn tay xuống sàn tạo lực để nâng hai chân lên cao và thả rơi qua đầu, mũi chân chạm xuống sàn.
  • Hai tay có thể di chuyển đến eo để hỗ trợ lưng.
  • Giữ tư thế 30 giây hoặc lâu hơn tùy theo khả năng.

Tác dụng: Tăng tuần hoàn máu đến toàn bộ cơ thể, tăng cường miễn dịch, giảm khó chịu do viêm xoang.

Lưu ý: Không thực hiện động tác nếu bạn có chấn thương cổ, tiêu chảy hay đang trong kỳ kinh nguyệt.

photo-1678355347808

Tư thế cái cày.

3. Tư thế cây nến

Cách thực hiện:

  • Nằm ngửa trên sàn. Đặt hai cánh tay bên cạnh cơ thể, lòng bàn tay úp xuống.
  • Nhẹ nhàng nhấc hai chân lên khỏi sàn và đặt chúng vuông góc với sàn, mũi chân hướng lên trần.
  • Lấy vai làm điểm tựa, từ từ nâng xương chậu lên cao, đưa cẳng tay lên khỏi sàn và đặt lòng bàn tay lên lưng để hỗ trợ.
  • Cố gắng đạt được một đường thẳng giữa vai, thân, xương chậu, chân và bàn chân; chạm cằm vào ngực và hướng ánh mắt về phía chân.

Tác dụng: Hỗ trợ làm dịu các triệu chứng viêm xoang, hen suyễn, giảm mệt mỏi, kéo giãn cổ và vai.

Lưu ý: Không thực hiện tư thế nếu có vấn đề về cột sống cổ, tiêu chảy, đang trong kỳ kinh nguyệt hoặc huyết áp cao.

photo-1678355354222

Tư thế cây nến.

4. Tư thế gập người phía trước

Cách thực hiện:

  • Đứng thẳng lưng, hai chân đứng thẳng, hai tay đưa cao qua đầu.
  • Thở ra và nhẹ nhàng uốn cong phần thân trên từ nếp gấp ở hông sao cho chạm mũi vào đầu gối. Hai tay hạ xuống đặt lòng bàn tay áp xuống sàn, cạnh ngoài hai bên chân.
  • Đối với người mới bắt đầu, bạn có thể hơi cong đầu gối để không làm cơ gân kheo bị căng quá. Trong thời gian tập luyện, từ từ duỗi thẳng đầu gối, cố gắng chạm ngực vào mặt trên của đùi, trán mũi chạm xương cẳng chân.

Tác dụng: Tăng cường tuần hoàn máu, tăng cường trao đổi chất, hỗ trợ trị các vấn đề sức khỏe liên quan đến mũi, họng.

Lưu ý: Những trường hợp bị chóng mặt, đau thần kinh tọa, có các vấn đề ở hông, đầu gối, tăng huyết áp... không nên tập động tác này.

photo-1678355358037

Gập người phía trước tăng cường tuần hoàn máu, làm thông xoang.

5. Tư thế xác chết

Cách thực hiện:

  • Nằm ngửa trên sàn trong không gian yên tĩnh, hai chân duỗi thẳng, đặt cách nhau một khoảng thoải mái, mắt cá chân thả xuống, bàn chân hướng ra bên ngoài.
  • Đặt cánh tay dọc theo cơ thể nhưng không áp sát, ngửa lòng bàn tay.
  • Từ từ thở chậm, hít vào, thở ra đều đặn. Chú ý duy trì nhận thức để không ngủ quên trong quá trình này.
  • Giữ hơi thở chậm và sâu. Hãy tưởng tượng rằng khi bạn hít vào, hơi thở đang cung cấp năng lượng cho cơ thể bạn, và khi thở ra, cơ thể bạn đang dần buông xuôi để thư giãn.

Tác dụng: Điều hòa hơi thở với nhịp thở chậm, sâu, đều khi thực hiện động tác giúp lưu thông khí, giảm khó thở do viêm xoang.

Lưu ý: Do có tác dụng điều hòa hơi thở nên dễ gây ngủ quên nên trong khi tập, bạn nên tăng độ sâu hơi thở để chống lại cảm giác lo lắng, không thể thư giãn hay buồn ngủ.

photo-1678355365006

Tư thế xác chết giúp điều hòa hơi thở

Mời độc giả xem thêm video:

Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng


Lê Thu Lương
Theo healthshots
Ý kiến của bạn