Thí sinh bị điểm 0 vì ngủ quên trong giờ thi: Không thể coi là chuyện của một cá nhân

04-08-2022 10:03 | Xã hội
google news

SKĐS - Từ sự việc "hy hữu" thí sinh bị điểm 0 vì ngủ quên trong phòng thi tốt nghiệp THPT mới đây, chúng ta cần nhìn nhận ở nhiều khía cạnh khác nhau, đặc biệt về vấn đề sức khỏe của học sinh trước và trong các kỳ thi quan trọng.

Thí sinh bị điểm 0 vì ngủ quên trong giờ thi: Bộ GD&ĐT nói gì?Thí sinh bị điểm 0 vì ngủ quên trong giờ thi: Bộ GD&ĐT nói gì?

SKĐS - Vụ việc nam sinh trường chuyên nhận 0 điểm môn tiếng Anh vì ngủ quên trong giờ thi tốt nghiệp THPT đã gây xôn xao dư luận. Bộ GD&ĐT vừa lên tiếng trước thông tin này.

Mới đây, một nam sinh tại Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (phường 1, TP. Cà Mau) học giỏi nhưng đã bị điểm liệt môn Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 vì ngủ quên trong giờ làm bài đã khiến dư luận xôn xao.

Giám thị coi thi có quá cứng nhắc?

Ông Phạm Việt Hưng, Trưởng điểm thi Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển cho rằng: "Về quy chế, giáo viên coi thi làm đúng quy định. Theo giáo viên coi thi thì tới giờ thu bài, thí sinh này chưa làm câu nào trên tờ giấy thi. Sau đó, em này có xin giám thị là cho tô đáp án vào bài thi, nhưng khi đó đã hết giờ, không còn hợp lệ nữa".

Theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT, vào phòng thi, giám thị chỉ nhắc nhở chung, không thể nhắc riêng một thí sinh. Khi còn 15 phút nữa hết giờ, cán bộ coi thi thông báo cho cả phòng thi. Đến khi chỉ còn 5 phút cuối trước khi hết giờ, giám thị yêu cầu thí sinh kiểm tra lại bài, số báo danh, mã đề và được phép nhắc nhở 2 lần.

Việc thí sinh đi thi nhưng ngủ quên trong giờ làm bài là lỗi thuộc về cá nhân thí sinh, không chuẩn bị sức khỏe thật tốt để bước vào kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời. Tuy nhiên, phía sau lỗi sai của thí sinh, nhiều người cho rằng một phần do giám thị coi thi. Mặc dù trưởng điểm thi cho biết giám thị coi thi làm đúng quy định, thế nhưng để một thí sinh ngủ gục đến gần hết thời gian làm bài thi thì giám thị cũng bị cho rằng "cứng nhắc", có phần "vô cảm".

Thí sinh ngủ quên trong giờ thi: Không thể coi là chuyện của một cá nhân - Ảnh 2.

TS.BS. Đàm Văn Việt đề xuất, các thầy cô giáo cần được đào tạo những kiến thức cơ bản về vấn đề phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của học sinh. Ảnh minh họa.

Nhìn nhận về vấn đề này, cô giáo Diệp Thảo, Thạc sĩ Phương pháp giảng dạy Ngữ Văn, từng có nhiều năm tham gia công tác coi thi cho biết, giám thị trong trường hợp để học sinh ngủ quên cả giờ mà không gọi dậy là hơi máy móc. Vì trước 5-7 phút nộp bài thi, giám thị nhắc chung để 100% học sinh hoàn thành phiếu đảm bảo đã hoàn thành đầy đủ bài. Nếu như vậy thì em học sinh này đã không lỡ dở một năm. "Việc gọi học sinh dậy không phải là nhắc bài nên không thể nói là vi phạm quy chế. Đặc biệt là khi trong phòng thi lại có tận 2 giám thị".

Cô Thảo hy vọng, qua vụ việc của nam thí sinh này, các thầy cô khi đi coi thi cần bớt nguyên tắc, máy móc hơn để không bao giờ có trường hợp như vậy xảy ra trong các kỳ thi.

Thầy cô giáo cần được đào tạo để nhận diện và phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường của học sinh

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, Ngoại ngữ là môn thi cuối cùng và bắt đầu tính giờ lúc 14h30 ngày 8/7, thời gian làm bài thi trong 60 phút theo hình thức trắc nghiệm. Mỗi phòng thi đều có 2 cán bộ coi thi. Câu hỏi dư luận đặt ra là thấy một thí sinh ngủ gục gần hết thời gian làm bài tại sao giám thị không hỏi thăm thí sinh đang gặp vấn đề gì, liệu thí sinh này có bất thường về tình trạng sức khỏe không?

Chia sẻ về vấn đề này, dưới góc nhìn y học, TS.BS. Đàm Văn Việt - BV Răng hàm mặt TW cho rằng, hiện tượng một học sinh trong lớp học bình thường hay thí sinh trong bất kỳ một cuộc thi nào gục xuống bàn ngủ hoặc mất ý thức... trong chỉ là một vài phút cần được thầy cô giáo, giám thị, bảo vệ... thậm chí là bạn học nhìn nhận ở khía cạnh tình trạng sức khỏe của các em có vấn đề gì hay không?

Theo TS.BS. Đàm Văn Việt, rất nhiều vấn đề bất thường về sức khỏe, bệnh lý... diễn biến đột ngột có thể xảy ra. Học hành căng thẳng cũng có trường hợp bị đột quỵ và đột quỵ có nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên trong những giờ đầu tiên của đột quỵ thì khoảng "thời gian vàng" để cứu bệnh nhân rất quan trọng, nếu bỏ qua, bệnh nhân có thể tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề.

"Vì vậy, các thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên và ngay cả học sinh trong trường học cần được đào tạo để nhận diện và phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường có thể nguy hiểm đến tính mạng của học sinh", TS.BS. Đàm Văn Việt cảnh báo.

TS.BS. Đàm Văn Việt hy vọng vấn đề này sẽ được Bộ GD&ĐT có sự nhìn nhận đa chiều, trách nhiệm hơn với một hiện tượng tưởng như rất bình thường của học sinh trong lớp học cũng như trong các cuộc thi.

"Có lẽ vấn đề này nên được đưa vào chương trình sức khỏe học đường của ngành giáo dục và các thầy cô giáo cần được đào tạo những kiến thức cơ bản về vấn đề phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của học sinh", TS.BS. Đàm Văn Việt đề xuất.

Không nên cố thức khuya để học

Lưu ý thêm với các sĩ tử trước mỗi mùa thi, PGS.TS Bùi Thị Nhung - Chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, áp lực kỳ thi cộng với tâm lý lo lắng khiến nhiều em học sinh cố thức khuya để học. Tuy nhiên, cách này sẽ khiến thần kinh căng thẳng, hiệu quả tiếp thu cũng không cao. Chúng ta không nên thức thâu đêm để học ngay trước ngày thi. Khi chúng ta thấy mệt và buồn ngủ, đó là tín hiệu báo bộ não cần nghỉ ngơi ngay lập tức. Tốt nhất nên rời bàn học, chợp mắt khoảng 30 phút rồi học tiếp hoặc đi ngủ luôn nếu đã khuya.

Trong những ngày nước rút ôn thi, các em vẫn cần ngủ đủ giấc, giữ cho trí óc sáng suốt, bình tĩnh để tập trung làm bài trong buổi thi. Đảm bảo ngủ đủ 6-8 tiếng một ngày, buổi tối nên học bài từ 7 giờ, ngủ trước lúc 23 giờ, sáng dậy sớm lúc 5 giờ học bài (lúc này học rất hiệu quả).

Theo PGS.TS. Bùi Thị Nhung, nhiều em học sinh nghĩ rằng, uống trà, cà phê, nước tăng lực hoặc nhai kẹo cao su để tỉnh táo hơn cho việc học khuya nhưng thực tế ngược lại. Những thứ này khiến chúng ta bị phân tán và tạm quên đi cảm giác căng thẳng, mệt mỏi trong chốc lát. Bộ não vốn đã mệt mỏi lại bị bắt hoạt động khiến cơ thể càng mệt mỏi, thiếu minh mẫn, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chất caffeine có trong các thức uống như cà phê, trà, nước tăng lực… giúp mọi người tỉnh táo bằng cách "chống lại" đòi hỏi khi ngủ của cơ thể. Chất này còn làm tim đập nhanh, đi tiểu nhiều gây mất nước, mất ngủ, nhức đầu gây hại cho não và ngăn cản quá trình hấp thụ can xi vào cơ thể.

"Các em học sinh không được quên uống nước: Nước rất tốt cho bộ não bởi 80% bộ não là nước. Chú ý không để khát mới uống nước. Mỗi ngày cần nạp 2 lít nước vào cơ thể. Ngoài nước lọc, nước còn có trong cả rau xanh, hoa quả, canh chúng ta ăn hằng ngày", PGS.TS. Bùi Thị Nhung đưa ra lời khuyên cho thí sinh.

Trẻ bị áp lực tâm lý: Cha mẹ hãy trở thành người bạn của conTrẻ bị áp lực tâm lý: Cha mẹ hãy trở thành người bạn của con

SKĐS - Thời gian gần đây, nhiều trẻ gặp những vấn đề tâm lý ở mức nghiêm trọng, có hành vi tiêu cực, thậm chí là tự tử. Để nhận diện những bất thường và hỗ trợ con, PGS.TS. Trần Thu Hương cho rằng, cha mẹ cần trở thành người bạn của con, giúp con tự tin để có những bước đi vững chắc trong cuộc đời sau này.


Đỗ Vi
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn