Thời điểm này, để phục vụ cho công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng, nhiều cơ sở đào tạo trên cả nước đã và đang công bố ngưỡng đầu vào (còn gọi là điểm sàn) theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Việc này nhằm hỗ trợ thí sinh trong việc lựa chọn, quyết định nguyện vọng xét tuyển để đăng ký lên hệ thống.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, thí sinh cần hết sức lưu ý để tránh bị nhầm lẫn, điểm sàn chỉ là điểm đủ điều kiện tối thiểu để nộp hồ sơ vào trường, không phải là điểm chuẩn. Đôi khi, điểm chuẩn và điểm sàn của nhiều trường đại học sẽ chênh lệch rất lớn.
Về vấn đề này, GS.TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội lưu ý, điểm sàn là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ. Còn điểm chuẩn khi công bố chính thức mới là điểm trúng tuyển vào các ngành của trường. Các trường trên cơ sở này có thể lấy điểm chuẩn cao hơn nhiều so với điểm sàn đã công bố, phụ thuộc vào độ hot của ngành, vào số lượng thí sinh đăng ký so với chỉ tiêu được giao.
Ví dụ, ngưỡng điểm sàn năm ngoái Bộ GD&ĐT đặt ra là 19 điểm trong khi đó ngành tiếng Anh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội lấy 28 điểm, hoặc ngành Toán tiếng Anh lấy 27,7 điểm.
Theo GS.TS. Nguyễn Văn Minh, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay và năm trước có sự dung sai không quá lớn. Vì vậy, thí sinh nên tham khảo các điểm xét tuyển và điểm trúng tuyển của các trường trong những năm gần đây để có sự ước lượng tương đối.
"Mỗi trường hay mỗi ngành trong từng trường cũng có điểm chuẩn khác nhau nên các em phải lưu ý để có thể đạt được nguyện vọng của mình. Để tăng khả năng đỗ, thí sinh trước hết cần xác định được ngành học, trường học yêu thích và phù hợp với đặc điểm tính cách, điều kiện, năng lực của bản thân.
Bước tiếp theo là tham khảo điểm chuẩn của các ngành, trường này trong các năm trước, ước lượng điểm chuẩn năm nay và so sánh tương quan với điểm thi của mình", " - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội lưu ý.
Dành lời khuyên thêm cho thí sinh, TS. Vũ Văn Thành - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định cho biết, nguyên tắc sắp xếp nguyện vọng đầu tiên là xếp theo thứ tự giảm dần về mức độ ngành, trường yêu thích. Trong đó, thí sinh cần xếp những ngành học yêu thích nhất ở trường yêu thích nhất lên nguyện vọng ưu tiên cao nhất. Nguyên tắc thứ hai là giảm dần về điểm số. Trong đó, những ngành thường có điểm chuẩn cao hơn sẽ xếp ở vị trí ưu tiên cao hơn.
Để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, Bộ GD&ĐT lưu ý, các cơ sở giáo dục đại học cần xác định và công bố ngưỡng đầu vào cho các ngành, nhóm ngành và phương thức tuyển sinh trước thời gian kết thúc đăng ký dự tuyển ít nhất 10 ngày.
Hiện nay, các thí sinh đang trong quá trình đăng ký nguyện vọng xét tuyển, hạn cuối đến 17h ngày 20/8/2022.
Riêng với nhóm ngành đào tạo giáo viên và nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, ngày 29/7/2022, Bộ GD&ĐT đã công bố ngưỡng đầu vào cho hai nhóm ngành này. Theo đó, ngưỡng đầu vào nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học là 19,0 điểm; với trình độ cao đẳng là 17,0 điểm. Còn với nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, trình độ đại học là từ 19,0 đến 22,0 điểm, tùy từng ngành.