Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam đưa ra một số biện pháp cần được quan tâm như sau:
Tạo không gian vui chơi cho trẻ
Về phía các cơ quan quản lý xã hội, GS. Vũ Dũng cho rằng, các chương trình giáo dục, các kỳ thi chuyển cấp, hết cấp không quá nặng để tạo áp lực lớn cho học sinh, tạo điều kiện cho học sinh có nhiều điều kiện vui chơi hơn. Đây là điều kiện quan quan trọng giảm bớt căng thẳng tâm lý cho học sinh.
Các tổ chức đoàn thể, trước hết là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở cả phạm vi nhà trường và cộng đồng tổ chức nhiều hoạt động để thu hút học sinh tham gia, nhằm giảm áp lực từ học tập của các em, thỏa mãn các nhu cầu tinh thần lành mạnh của học sinh.
Các cấp chính quyền tạo điều kiện cho học sinh có không gian để các em thực hiện các hoạt động thể thao, văn hóa văn nghệ, trước hết ở các khu dân cư, thôn, bản. Đây là các hoạt động nhằm giải tỏa căng thẳng tâm lý của học sinh.
Cần tăng cường các hoạt động truyền thông về vấn đề cô đơn, căng thẳng tâm lý của học sinh và trẻ em nói chung để các cấp quản lý, nhà trường, cha mẹ học sinh hiểu đầy đủ hơn về thực trạng cô đơn, căng thẳng tâm lý của học sinh và trẻ em để có các biện pháp hỗ trợ các em.
Giáo viên đồng hành cùng học sinh
Về phía nhà trường, nhà trường cần tổ chức tốt hoạt động tham vấn và trị liệu tâm lý cho học sinh gặp khó khăn tâm lý như căng thẳng, cô đơn, lo lắng, trầm cảm, rối nhiễu hành vi… để các em có sức khỏe tâm thần lành mạnh. Đây là vấn đề mà nhiều trường học chưa thực hiện được.
"Quan tâm giải quyết vấn đề bạo lực học đường với nhiều hình thức khác nhau để các em luôn cảm thấy bình an và hạnh phúc khi đến trường và ở trường. Tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, trải nghiệm để các em giải tỏa được những căng thẳng, lo âu trong học tập và quan hệ của bản thân" - chuyên gia tâm lý học nói.
GS. Dũng nhấn mạnh, giáo viên phải luôn đồng hành cùng học sinh. Đồng hành cùng học sinh là luôn đi sát, hiểu được những niềm vui, đặc biệt là những khó khăn tâm lý của học sinh, chia sẻ với học sinh, đồng cảm với học sinh. Có như vậy học sinh mới chia sẻ với các thầy cô. Khi thầy cô hiểu được học sinh, có được niềm tin của học sinh thì sẽ giúp học sinh vượt qua những khó khăn tâm lý, cân bằng được trong cuộc sống của mình.
"Điểm tựa" gia đình
Gia đình luôn là điểm tựa quan trọng cho cuộc sống vật chất và tinh thần của học sinh. Trước hết cha mẹ phải hiểu được những đặc điểm tâm lý lứa tuổi của học sinh từ nhận thức đến đời sống tình cảm và hành vi của trẻ. Cha mẹ hiểu tâm lý học sinh để có những ứng xử phù hợp với học sinh.
Theo GS. Dũng, một số trường hợp trẻ tự tử trong thời gian vừa qua chủ yếu là do cha mẹ không hiểu được tâm lý học sinh. Báo cáo của cuộc khảo sát chỉ ra tỷ lệ cha mẹ, người giám hộ hiểu các vấn đề lo lắng của con là chưa đến 30%. Tỷ lệ này có thể còn thấp hơn thực tế, đặc biệt là ở các gia đình vùng nông thôn.
Gia đình, trước hết là cha mẹ không nên tạo áp lực lớn về học tập đối với học sinh, đặc biệt là đối với kỳ thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp THPT. Với một số trẻ tự tử trong thời gian vừa qua thì áp lực từ phía cha mẹ đối với vấn đề học tập của trẻ là một nguyên nhân cơ bản.
Cha mẹ không nên luôn là những người chỉ huy, người ra các mệnh lệnh, người áp đặt với trẻ, mà luôn là bạn của con. Có là bạn của con thì mới hiểu được suy nghĩ, tình cảm và hành vi của trẻ, mới có được niềm tin và sự chia sẻ của trẻ về các vấn đề học tập, tình bạn, các vấn đề khác trong cuộc sống của trẻ.
Gia đình kết hợp chặt chẽ với nhà trường thực hiện các hoạt động tham vấn và trị liệu cho trẻ khi trẻ gặp những khó khăn về tâm lý. Quan tâm đến sức khỏe tâm thần của trẻ là trách nhiệm của xã hội, cộng đồng, nhà trường và gia đình. Vì sức khỏe tâm thần đảm bảo cho các em có thể chất và đời sống tâm lý lành mạnh, có một cuộc sống hạnh phúc.