Thế giới đồng loạt 'mở cửa', sống chung với COVID-19

12-10-2021 16:04 | Quốc tế
google news

SKĐS - Nhiều quốc gia, từ Singapore tới Australia cho rằng "Zero COVID" là một chiến lược thiếu bền vững.

Vì thế, các quốc gia này đã chuyển sang dựa vào vaccine ngừa COVID-19 để bảo vệ người dân khỏi nguy cơ nhiễm bệnh nặng và tử vong, đồng thời nới lỏng những lệnh hạn chế, giãn cách xã hội.

Thế giới đồng loạt "mở cửa", sống chung với COVID-19 - Ảnh 1.

Ga tàu điện ngầm Martin Place ở TP Sydney, Australia bắt đầu đông đúc trở lại hôm 11/10

Sau hơn một năm đóng cửa vì đại dịch COVID-19, chính phủ Ấn Độ quyết định bắt đầu cấp thị thực du lịch trở lại cho du khách quốc tế từ ngày 15/10 tới… Theo đó, những người nước ngoài trên các chuyến bay charter (thuê nguyên chuyến) dành riêng cho du khách của một hãng lữ hành, sẽ được cấp thị thực du lịch khi đến Ấn Độ. 

Theo các quan chức Ấn Độ, 500 nghìn khách nước ngoài đầu tiên sẽ được cấp thị thực miễn phí. Biện pháp này sẽ có chi phí ước tính khoảng 1 tỷ rupee (13,5 triệu USD) và được cho là sẽ khuyến khích du khách đến thăm Ấn Độ ngắn ngày. Những chuyến bay khác phải chờ đến sau ngày 15/11.

"Đây là điều đáng khích lệ cho ngành du lịch. Chúng tôi hy vọng du lịch trong nước dần quay trở lại ở mức độ nào đó nhằm mang lại cảm giác nhẹ nhõm cho các bên liên quan" – ông Rajiv Mehra, Chủ tịch Hiệp hội các nhà điều hành du lịch Ấn Độ (IATO), hoan nghênh quyết định của Chính phủ Ấn Độ.

Người đứng đầu IATO cũng kêu gọi Chính phủ Ấn Độ nối lại việc khai thác các chuyến bay quốc tế, đồng thời cấp phép cho các hãng hàng không  khai thác các chuyến bay của họ để thuận tiện cho du lịch nước ngoài.

Theo số liệu mới nhất, Ấn Độ đang ở mức ca nhiễm COVID-19 mới thấp nhất và tỷ lệ hồi phục đạt mức cao nhất (97,94 %) kể từ đợt bùng phát vào tháng 3/2020 tại nước này. Tính đến nay, Ấn Độ ghi nhận 33,87 triệu ca mắc, 449.538 ca tử vong và hiện đang còn 246.687 ca dương tính. Tỷ lệ tiêm chủng của nước này mới chỉ đạt 18,63% dân số.

Còn tại Singapore, kể từ ngày 19/10, khách du lịch nước ngoài đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi đến từ 8 quốc gia trong đó có Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Mỹ, có thể nhập cảnh Singapore không cần cách ly, chỉ cần xét nghiệm nhanh tại sân bay.  Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định Singapore sẽ đạt đến mức bình thường mới và có thể nới lỏng các hạn chế xã hội sau ít nhất 3 tháng và lâu nhất là 6 tháng nữa. Chính phủ sẽ thắt chặt các quy định đối với những người dân chưa tiêm chủng từ 13/10, cấm vào các trung tâm mua sắm và ăn uống tại các hàng quán bán rong.

Trước đó, chương trình du lịch không cách ly của Singapore dành cho những người được tiêm chủng đầy đủ đã bắt đầu vào tháng 9 với khách du lịch đến từ một số quốc gia như Đức và Brunei.

Từ ngày 11/10, các quán café, nhà hàng, phòng gym ở thành phố Sydney của Australia bắt đầu mở cửa đón khách với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 sau gần 4 tháng phong tỏa. 

"Chúng ta đang dẫn dắt đất nước thoát khỏi đại dịch, nhưng đây cũng sẽ là một thách thức", Thủ hiến bang New South Wales Dominic Perrottet phát biểu với báo giới tại thành phố thủ phủ Sydney. Ông Perrottet cũng cảnh báo số ca mắc COVID-19 sẽ gia tăng sau khi mở cửa. 

Tới nay, tỷ lệ tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 ở những người trên 16 tuổi của bang New South Wales đạt 74%. 

Theo các biện pháp được nới lỏng tại Sydney, những người đã tiêm chủng đầy đủ có thể tụ tập nhóm 10 người tại nhà, nhóm 100 người tại các đám cưới hoặc dự tang lễ. Các cửa hàng bán lẻ có thể mở cửa nhưng chưa được hoạt động đủ công suất cho tới khi bang này đạt tỷ lệ tiêm chủng 80%, dự kiến vào cuối tháng 10. Khi đó các biện pháp hạn chế sẽ được nới lỏng hơn nữa. Tuy nhiên, những người chưa tiêm vaccine sẽ vẫn phải ở nhà cho tới 1/12. Australia đã đóng cửa biên giới quốc tế từ tháng 3/2020.

Việc các quốc gia từ bỏ chiến lược "Zero Covid" ở thời điểm hiện nay không có nghĩa là chiến lược này sai lầm ngay từ đầu. Nhờ chiến lược này, các quốc gia như Singapore, New Zealand… đã hạn chế số ca tử vong do COVID ở mức rất thấp, vượt qua được giai đoạn trước khi có vaccine với tổn thất tối thiểu, trái ngược với tổn thất lớn về người ở Mỹ và châu Âu trong giai đoạn đó.

"Nếu New Zealand có thể tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng, tiếp cận với các phương pháp điều trị mới, và mở cửa một cách thận trọng, họ sẽ vượt qua đại dịch với rất ít tổn thất về kinh tế hoặc sức khỏe. Họ đã chờ cho tới khi có giải pháp khoa học để đi đến một chiến lược bền vững" - bà Devi Sridhar, Chủ tịch phụ trách vấn đề y tế cộng đồng toàn cầu thuộc Trường Y khoa, Đại học Edinburgh, Scotland cho biết.

"Ở thời điểm hiện tại, có vẻ chúng ta đang đạt tới giới hạn về những gì có thể để chống lại sự lây nhiễm bằng các công cụ hiện có. Thế hệ tiếp theo của vaccine và các phương thuốc điều trị có thể hiệu quả tới mức loại bỏ được virus" - giáo sư Michael Baker thuộc Đại học Otago, một thành viên tổ tư vấn kỹ thuật về COVID-19 của Chính phủ New Zealand, nhận định.

Tại sao chúng ta chưa thể 'sống chung' với COVID-19?Tại sao chúng ta chưa thể "sống chung" với COVID-19?

SKĐS - Trong vài tháng qua, cả thế giới luôn cố gắng chuẩn bị cho một tương lai "sống chung" cùng COVID-19. Vaccine đương nhiên là giải pháp tốt nhất...


Hà Anh (tổng hợp)
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn