Hà Nội

Liên hợp quốc cảnh báo: Hơn 5 tỷ người có thể lâm vào khủng hoảng thiếu nước

07-10-2021 08:58 | Quốc tế
google news

SKĐS - Theo báo cáo mới của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thuộc Liên hợp quốc, hơn 2 tỷ người đang sống ở các quốc gia bị căng thẳng/khan hiếm nước.

Khi Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) sắp diễn ra (bắt đầu từ ngày 31/10 đến 12/11 ở Glasgow, Anh) thì Liên hợp quốc vừa đưa ra cảnh báo rằng: Hơn 5 tỷ người có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận nước vào năm 2050.

Theo báo cáo mới của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thuộc Liên hợp quốc - có tên The State of Climate Services 2021: Water - Hơn 2 tỷ người đang sống ở các quốc gia bị căng thẳng/khan hiếm nước. Chỉ riêng trong năm 2018, 3,6 tỷ người đã không được tiếp cận đủ nước ngọt trong ít nhất một tháng mỗi năm.

Giám đốc WMO Petteri Taalas cho biết: "Chúng ta cần cảnh giác với cuộc khủng hoảng nước ngọt đang rình rập".

Liên hợp quốc cảnh báo: Hơn 5 tỷ người có thể lâm vào  khủng hoảng thiếu nước - Ảnh 1.

Giám đốc WMO Petteri Taalas.

WMO nhấn mạnh rằng trong 20 năm qua, lượng nước tích trữ trên đất liền - trên bề mặt, dưới bề mặt, trong băng tuyết - đã giảm với tốc độ một cm mỗi năm.

WMO cho biết thiệt hại lớn nhất là ở Nam Cực và Greenland, nhưng nhiều địa điểm dân cư ở vĩ độ thấp hơn đang bị mất nước đáng kể ở những khu vực truyền thống chuyên cung cấp nước.

 - Ảnh 1.

Người dân New Delhi (Ấn Độ) tập trung để lấy nước ngọt vào các thùng chứa từ một tàu chuyên dùng chở dầu của thành phố vào tháng 6 năm 2018. Ảnh: Adnan Abidi / Reuters

CUNG - CẦU NƯỚC

- Về phía nhu cầu, phần lớn - khoảng 70% - lượng nước ngọt trên thế giới được sử dụng cho nông nghiệp, trong khi phần còn lại được chia cho mục đích sử dụng công nghiệp (19%) và sinh hoạt (11%), bao gồm cả để uống.

- Về phía nguồn cung, các nguồn bao gồm nước mặt, chẳng hạn như sông, hồ và bể chứa, cũng như nước ngầm, được tiếp cận qua các tầng chứa nước.

Nguồn: CFR

Cơ quan này cho biết thêm, an ninh nguồn nước đang bị đe dọa vì chỉ có 0,5% nước trên Trái đất là nước ngọt có thể sử dụng được và sẵn có.

Giám đốc WMO Petteri Taalas cho biết: "Nhiệt độ ngày càng tăng dẫn đến sự thay đổi lượng mưa toàn cầu và khu vực, điều này gây ra sự thay đổi về lượng mưa và mùa nông nghiệp, với tác động lớn đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và sức khỏe/hạnh phúc con người" .


'CHÚNG TA KHÔNG THỂ ĐỢI THÊM NỮA...'

Không chỉ thiếu nước ngọt trực tiếp đến hàng tỷ người trên thế giới, các mối nguy liên quan đến nước cũng đã gia tăng tần suất trong 20 năm qua. Kể từ năm 2000, các thảm họa liên quan đến lũ lụt đã tăng 134% so với 2 thập kỷ trước.

Ông Petteri Taalas nói trong một cuộc họp báo rằng: "Chúng ta có độ ẩm cao hơn 7% trong khí quyển do sự ấm lên hiện tại và điều đó cũng góp phần gây ra lũ lụt". Kể từ năm 2000, các thảm họa liên quan đến lũ lụt đã tăng 134%.

WMO cho biết, hầu hết các trường hợp tử vong và thiệt hại kinh tế liên quan đến lũ lụt được ghi nhận ở châu Á, nơi các hệ thống cảnh báo lũ lụt trên sông cần được tăng cường.

Đồng thời, số lượng và thời gian của các đợt hạn hán đã tăng khoảng 30% kể từ năm 2000, trong đó châu Phi là lục địa bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo WMO, Quản lý tổng hợp tài nguyên nước (IWRM) là yếu tố quan trọng để đạt được hạnh phúc xã hội, kinh tế và môi trường lâu dài. Tuy nhiên, mặc dù hầu hết các quốc gia đã nâng cao mức độ thực hiện IWRM, 107 quốc gia vẫn chưa đạt được mục tiêu quản lý bền vững tài nguyên nước của họ vào năm 2030.

Thông qua báo cáo tình trạng nước và các mối nguy liên quan đến nước, Giám đốc WMO kêu gọi các quốc gia tại COP26 nhanh chóng hành động để ngăn chặn tình trạng này.

Ông cho biết hầu hết các nhà lãnh đạo thế giới đều nói về biến đổi khí hậu như một nguy cơ lớn đối với phúc lợi của nhân loại, nhưng hành động của họ không phù hợp với lời nói của họ.

"Chúng ta không thể đợi hàng chục năm nữa mới bắt đầu hành động! Đó cũng là thông điệp dành cho các quốc gia như Trung Quốc, vốn đã nói rằng họ muốn trở thành quốc gia trung hòa carbon vào năm 2060 nhưng họ không có kế hoạch cụ thể cho thập kỷ tới."

Ông cho biết ưu tiên hàng đầu tại COP26 là tăng cường mức độ tham vọng trong việc giảm thiểu tác động của biến đối khí hậu, nhưng cũng cần nhiều công việc hơn nữa về thích ứng với khí hậu, vì xu hướng tiêu cực trong các hình thái thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục trong những thập kỷ tới - và những thế kỷ tới khi nói đến sự tan băng sông băng và mực nước biển dâng cao.

Hàng tỷ người sẽ thiếu nước sạch và dịch vụ vệ sinh vào năm 2030- WHO và UNICEF cảnh báoHàng tỷ người sẽ thiếu nước sạch và dịch vụ vệ sinh vào năm 2030- WHO và UNICEF cảnh báo

SKĐS - COVID-19 đã nêu bật nhu cầu cấp thiết để đảm bảo mọi người đều có thể tiếp cận với vệ sinh tay tốt. Khi đại dịch bùng phát, cứ 10 người trên thế giới thì có 3 người không thể rửa tay bằng xà phòng với nước ở nhà.

Xem thêm video đang được quan tâm

Hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị COVID-19 tại nhà.


Trang Ly
Bài viết sử dụng nguồn: AFP, WMO
Ý kiến của bạn