Sự tăng tốc tiêm chủng này là một minh chứng cho sự thành công của khu vực châu Á trong việc đảm bảo nguồn cung cấp và giải quyết các vấn đề khó khăn trong các chương trình tiêm chủng của họ. Hiện Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia thậm chí đã vượt qua Mỹ về số liều vaccine ngừa COVID-19 được tiêm trên 100 người - một tốc độ dường như không thể tưởng tượng được.
Tại Hàn Quốc, các nhà chức trách cho biết vaccine ngừa COVID-19 đã giúp hầu hết bệnh nhân mắc COVID-19 không phải đến bệnh viện. Theo dữ liệu của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc từ tháng 5 đến tháng 8, chỉ có khoảng 0,6% những người được tiêm chủng đầy đủ mắc COVID-19 bị triệu chứng bệnh nặng và khoảng 0,1% đã tử vong.
Tại Nhật Bản, các trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng đã giảm một nửa trong tháng trước, xuống còn hơn 1 nghìn ca/ngày một chút. Số ca nhập viện giảm mạnh từ mức cao chỉ hơn 230 nghìn ca vào cuối tháng 8 xuống còn khoảng 31 nghìn ca vào cuối tuần qua.
Trái ngược với Mỹ, vaccine ngừa COVID-19 chưa bao giờ là một vấn đề ở châu Á - Thái Bình Dương. Hầu hết người châu Á đều tin tưởng chính phủ của họ, họ sẵn sàng đặt nhu cầu của cộng đồng lên trên tự do cá nhân.
Ông Reuben Ng - trợ lý giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Đại học Quốc gia Singapore, người đã nghiên cứu về tình trạng do dự vaccine trên toàn cầu trong thập kỷ qua, cho biết có niềm tin rộng rãi ở châu Á rằng vaccine ngừa COVID-19 là cách duy nhất để thoát khỏi đại dịch.
Trong tháng này, khi một trung tâm tiêm chủng ở Tokyo cung cấp 200 mũi tiêm ngừa cho những người trẻ tuổi, người dân đã xếp hàng từ sáng sớm với hy vọng được tiêm. Ở Hàn Quốc, khi chính quyền mở cửa tiêm chủng cho những người ở độ tuổi 50, khoảng 10 triệu người đã đồng thời đăng nhập vào một trang web của chính phủ để đăng ký tiêm.
Indonesia và Philippines là nơi sinh sống của hàng nghìn công nhân làm công ăn lương hàng ngày, những người không thể dựa vào trợ cấp thất nghiệp để tồn tại. Arisman, 35 tuổi, một tài xế xe ôm ở Jakarta, Indonesia, cho biết anh đã tiêm mũi vaccine Sinovac thứ 2 do Trung Quốc sản xuất vào tháng 7 vì công việc của anh phải tiếp xúc với nhiều người. "Nếu tôi bị ốm, tôi không làm việc, tôi sẽ không nhận được tiền" – Arisman cho biết.
Ở Hàn Quốc, vào tháng 8, các nhà chức trách đã nới lỏng các hạn chế tụ tập đối với những người đã được tiêm chủng đầy đủ, cho phép họ gặp gỡ trong nhóm nhiều người hơn trong khi vẫn duy trì các quy định nghiêm ngặt hơn đối với những người chưa tiêm phòng đầy đủ. Singapore, quốc gia đã tiêm phòng đầy đủ cho 82% dân số, trước đó đã công bố các biện pháp tương tự.
Tỷ lệ người được tiêm chủng ngừa COVID-19 ở Nhật Bản hiện ở mức 69,6%, đã vượt qua Mỹ. Ở một số vùng nông thôn, tỷ lệ tiêm chủng đã đạt gần 100%. Chính quyền Nhật Bản cam kết sẽ thực hiện tiêm chủng phủ rộng 80% dân số vào tháng 11 này.
Xem video đang được quan tâm:
Tư liệu đặc biệt- Theo chân bác sĩ cấp cứu ca F0 nguy kịch tại nhà, cấp tốc chuyển về bệnh viện dã chiến