Tiêm phòng và tuân thủ quy định phòng dịch là chìa khóa để vượt qua khủng hoảng
Theo số liệu do Ủy ban Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ công bố vào tháng 7, khoảng 2/3 dân số Ấn Độ đã có kháng thể kháng virus SARS-CoV-2 nhờ tiêm chủng phòng COVID-19. Tuy nhiên, 400 triệu người dân chưa được tiêm phòng vẫn đứng trước nguy cơ dễ tổn thương do đại dịch.
Ấn Độ đã ghi nhận tổng số ca nhiễm tích lũy kỷ lục là 31,4 triệu người. Tính đến ngày 20/7, có khoảng 12,6% dân số Ấn Độ được tiêm phòng đầy đủ vắc xin ngừa COVID-19.
Đối với một quốc gia đông dân như Ấn Độ, bí quyết vượt qua khủng hoảng vẫn nằm ở việc tăng tốc tiêm chủng để giảm tình trạng nhập viện, và do đó, tránh gây kiệt quệ cho ngành y tế. Chương trình tiêm phòng ở Ấn Độ vẫn cần tiếp tục được tăng tốc với các chiến dịch tiêm phòng lưu động và tiêm phòng trên diện rộng cho người dân.
Ấn Độ vượt qua khủng hoảng COVID-19 nhờ đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng và người dân tuân thủ các quy tắc phòng dịch do chính phủ đề ra.
Ngoài tăng tốc tiêm chủng, người dân Ấn Độ đã hiểu rõ việc cần thiết phải duy trì các nguyên tắc phòng dịch mà chính phủ đưa ra.
Các chuyên gia khẳng định phải trì hoãn việc mở cửa các dịch vụ ăn uống trong nhà, quán cà phê, phòng tập gym và những cơ sở/dịch vụ có nguy cơ lây lan dịch cao, vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, khử khuẩn và tránh tụ tập đông người.
Ngoài ra, theo các chuyên gia dịch tễ, việc xếp chuỗi gene virus là một bước đi quan trọng nhằm xác định những biến thể mới tiềm năng có nguy cơ lây nhiễm cao trong tương lai.
Ấn Độ đã huy động 10 phòng thí nghiệm trên toàn quốc tham gia vào công tác xếp chuỗi gene virus. Mặc dù hiện tại, Ấn Độ mới xếp chuỗi gene được trên 1% tất cả các mẫu bệnh phẩm. Điều này có thể giúp Ấn Độ truy vết các ca nhiễm mới, sử dụng dữ liệu xếp chuỗi và dịch tễ học theo thời gian thực.
Đã nhiều tháng trôi qua sau cơn sóng thần đại dịch, Ấn Độ dường như đã lấy lại kiểm soát trước làn sóng dịch.