Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?

13-06-2024 14:10 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Suy dinh dưỡng làm giảm khả năng miễn dịch, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, tạo điều kiện thuận lợi để các bệnh lý xảy ra... Do đó, việc điều trị kịp thời là rất quan trọng.

Suy dinh dưỡng: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnhSuy dinh dưỡng: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết làm ảnh hưởng đến quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng bình thường của cơ thể.

1. Điều trị suy dinh dưỡng thế nào?

Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết do cung cấp không đủ hoặc hấp thu kém chất dinh dưỡng dẫn đến thay đổi khối lượng tế bào và thành phần cơ thể, suy giảm chức năng thể chất, tinh thần và ảnh hưởng xấu đến kết cục lâm sàng khi mắc bệnh.

Suy dinh dưỡng có thể do đói ăn, bệnh tật, lão hóa (ví dụ:> 80 tuổi) hoặc kết hợp các nguyên nhân trên.

Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?- Ảnh 2.

Suy dinh dưỡng là làm gia tăng gánh nặng khi điều trị bệnh.

Có 2 cách để xác định tình trạng suy dinh dưỡng:

Cách 1: BMI < 18,5 kg/m2

(BMI là chỉ số khối cơ thể, được tính bằng công thức: Cân nặng/(chiều cao x chiều cao), trong đó, cân nặng tính theo đơn vị kg, chiều cao tính theo đơn vị m).

Cách 2:

- Giảm cân không chủ ý: >10% trong khoảng thời gian không xác định, hoặc > 5% trong 3 tháng.

- Kết hợp với một trong hai điều kiện:

+ BMI <20 kg/m2 nếu <70 tuổi, hoặc <22 kg/m2 nếu ≥70 tuổi.

+ Chỉ số khối không mỡ (FFMI) <15 kg/m2 với nữ và <17 kg/m2 với nam.

Mục đích điều trị chính bao gồm mục tiêu ngắn hạn là bảo tồn chức năng tế bào và mục tiêu dài hạn là phục hồi khối mô mất. Điều trị suy dinh dưỡng là điều trị kết hợp nội khoa, dinh dưỡng liệu pháp, phục hồi chức năng, bệnh nhân cần được đánh giá toàn diện và cá thể hóa để tối ưu điều trị.

Điều trị có thể bao gồm:

- Thay đổi chế độ ăn uống, chẳng hạn như ăn thực phẩm giàu năng lượng và chất dinh dưỡng hỗ trợ

- Điều trị bất kỳ tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nào gây ra suy dinh dưỡng

- Bổ sung vitamin và khoáng chất

- Bổ sung dinh dưỡng giàu năng lượng và protein – nếu các phương pháp điều trị khác là không đủ...

2. Một số vitamin và khoáng chất hỗ trợ điều trị suy dinh dưỡng

Việc bổ sung vi chất dinh dưỡng là không thể thiếu trong điều trị suy dinh dưỡng.

2.1. Vitamin nhóm B

Tác dụng: Vitamin nhóm B đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất, hấp thụ dinh dưỡng từ thức ăn và chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Thiếu vitamin nhóm B sẽ khiến cơ thể thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, suy nhược cơ thể, chán ăn, ăn không ngon, khó ngủ, tâm trạng thất thường.

Chức năng não bộ suy giảm do thiếu vitamin B sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của đường ruột, cản trợ việc tiêu hóa thức ăn và hấp thu dinh dưỡng.

Do đó, việc bổ sung các vitamin nhóm B có thể mang lại nhiều lợi ích cho việc cải thiện cân nặng, giảm tình trạng suy dinh dưỡng, đặc biệt với những người đang bị thiếu vitamin B.

Tác dụng phụ: Quá liều vitamin B có thể gây huyết áp thấp, đau đầu, mệt mỏi, phát ban, tổn thương gan…

Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?- Ảnh 3.

Bổ sung vitamin và khoáng chất giúp hỗ trợ điều trị suy dinh dưỡng hiệu quả.

2.2. Vitamin D

Tác dụng: Vitamin D có mối liên hệ mật thiết với sự phát triển của cơ bắp, mà sự tăng cân nhờ tăng cơ bắp mới là tốt nhất, khác hẳn với tăng cân do tăng mỡ gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Tác dụng phụ: Nếu dùng quá nhiều, vitamin D có thể gây một số tác dụng phụ như khô miệng, buồn nôn, chán ăn, giảm cân, đi tiểu thường xuyên, rối loạn nhịp tim…

2.3. Kẽm

Tác dụng: Bổ sung kẽm có thể thúc đẩy cơ thể tiết ra các hormone kích thích sự thèm ăn, giúp cải thiện vị giác và gia tăng cảm giảm ngon miệng. Người trưởng thành cũng có thể bổ sung kẽm với mục đích cải thiện cân nặng. Thiếu kẽm làm giảm sự nhạy cảm của vị giác, thậm chí là mất vị giác, gây ra tình trạng chán ăn.

Tác dụng phụ: Kẽm có thể gây buồn nôn, tiêu chảy, kích ứng miệng, loét miệng…

2.4. Sắt

Tác dụng: Sắt giúp cơ thể hấp thu dinh dưỡng tốt hơn và gia tăng cảm giác ngon miệng. Bổ sung sắt làm tăng nồng độ ferritin trong huyết thanh. Sự gia tăng ferritin có thể làm tăng tích mỡ dưới da, hỗ trợ tăng cân.

Tác dụng phụ: Bổ sung sắt có thể gây nên những tác dụng phụ tạm thời như táo bón, tiêu chảy, ăn không ngon miệng, đi ngoài phân có màu đen đậm, mùi bất thường hoặc lẫn máu…

2.5. Magie

Tác dụng: Magie giúp cải thiện tâm trạng, giảm lo âu, căng thẳng, cải thiện giấc ngủ, giúp ngủ ngon hơn, sâu hơn, nhờ đó cải thiện cân nặng, giảm suy dinh dưỡng.

Tác dụng phụ: Magie có thể gây một số tác dụng phụ như: Buồn nôn, tiêu chảy, đau dạ dày, rối loạn nhịp tim, khó thở, hạ huyết áp...

2.6. Omega-3

Tác dụng: Omega - 3 có thể hỗ trợ tăng cân hoặc giảm cân, tùy thuộc vào cách bạn sử dụng như thế nào. Omega 3 là một loại chất béo không bão hòa mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Omega - 3 hỗ trợ phát triển cơ bắp, đồng thời gián tiếp hỗ trợ tăng cân bằng cách tăng cường sức khỏe tổng thể, giảm cholesterol xấu, cải thiện hệ tiêu hóa và tăng hấp thu dinh dưỡng.

Tác dụng phụ: Một số loại thực phẩm bổ sung omega - 3 có chứa nhiều vitamin A, nếu sử dụng liều cao có thể gây ngộ độc, chóng mặt, buồn nôn, đau khớp và kích ứng da. Về lâu dài, có thể gây tổn thương gan, suy gan.

3. Lưu ý khi dùng thuốc bổ sung trị suy dinh dưỡng

- Chỉ dùng vitamin và khoáng chất khi có chỉ định của bác sĩ.

- Tuyệt đối không tự ý bổ sung vitamin và khoáng chất theo lời mách bảo.

- Tuân thủ hướng dẫn sử dụng của bác sĩ: Không tự ý tăng/giảm liều dùng khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

- Đọc kỹ thành phần trước khi sử dụng.

- Lưu ý, vitamin và khoáng chất chỉ có tác dụng hỗ trợ quá trình tăng cân diễn ra hiệu quả hơn. Quan trọng nhất vẫn là chế độ ăn uống, tập luyện.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Những sai lầm kinh điển về dinh dưỡng cha mẹ hay mắc phải


BS. Vũ Ngọc Hà
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn