Câu hỏi thường gặp liên quan đến suy dinh dưỡng

19-05-2024 11:09 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết như protein, khoáng chất, chất béo, vitamin,... gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cơ thể, đặc biệt cần lưu ý với đối tượng trẻ em trong giai đoạn từ 6-24 tháng.

1. Đông y có chữa được suy dinh dưỡng không?

Y học cổ truyền gọi suy dinh dưỡng ở trẻ em là chứng cam. Bệnh này liên quan đến sự tích trệ thức ăn nên được gọi là cam tích. Đông y có rất nhiều vị thuốc đạt kết quả tốt trong điều trị bệnh này.

2. Cách xử trí khi bị suy dinh dưỡng

Khi có biểu hiện suy dinh dưỡng cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và đánh giá.

Bác sĩ chẩn đoán suy dinh dưỡng dựa vào các biểu hiện lâm sàng và các chỉ số như sau.

  • Suy dinh dưỡng ở trẻ em được chẩn đoán dựa vào các chỉ số: Cân nặng theo tuổi; Chiều cao theo tuổi; Cân nặng theo chiều cao.
  • Suy dinh dưỡng ở người lớn được chẩn đoán dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI). Theo thang điểm phân loại của tổ chức WHO: BMI: 17 - <18,5 là gầy độ 1; BMI: 16 – 16,99 là gầy độ 2; BMI: <16 là gầy độ 3.

Hầu hết suy dinh dưỡng có thể được điều trị một cách hiệu quả và an toàn trong một chương trình cho ăn bổ sung có hướng dẫn.
Câu hỏi thường gặp liên quan đến suy dinh dưỡng- Ảnh 1.

Trẻ em là đối tượng dễ bị suy dinh dưỡng.

Ở những thể suy dinh dưỡng nhẹ hay chưa có biến chứng có thể điều trị suy dinh dưỡng tại nhà bằng việc thay đổi chế độ ăn giàu năng lượng, bổ sung vitamin và khoáng chất. Cụ thể:

  • Ăn thực phẩm có nhiều calo và protein.
  • Ăn nhẹ giữa các bữa ăn chính.
  • Sử dụng các thức uống chứa nhiều calo.

Nếu những thay đổi chế độ ăn ban đầu không cải thiện suy dinh dưỡng và tình trạng trở nên nặng hơn, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng các chất dinh dưỡng bổ sung dạng uống hoặc viên.

Nếu người bệnh gặp khó khăn trong việc ăn uống kể cả khi đã thay đổi sang dạng thức ăn mềm hoặc lỏng, bác sĩ sẽ khuyến nghị một số phương pháp điều trị khác như:

Cho ăn bằng ống – ống này đi qua mũi vào dạ dày của người bệnh hoặc được trực tiếp vào dạ dày qua da bụng. Cung cấp dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch.

3. Cách chăm sóc suy dinh dưỡng tại nhà

Tại nhà, khi bị suy dinh dưỡng cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, chú ý đến những điều sau:

  • Có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, xây dựng một thực đơn lành mạnh, khoa học.
  • Đối với những người có bệnh, đang gặp vấn đề sức khỏe, dinh dưỡng càng cần chú ý hơn. Nếu có thể mọi người hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để xây dựng chế độ ăn phù hợp. Việc này nhằm đảm bảo mọi người có thể bổ sung những nhóm dưỡng chất cơ thể đang thiếu. Từ đó, giữ cơ thể ở trạng thái có đầy đủ năng lượng để hoạt động và luôn khỏe mạnh.
  • Đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, chất đạm và dưỡng chất đáp ứng nhu cầu phục hồi dinh dưỡng và phát triển cơ thể.

Tăng năng lượng khẩu phần cho bữa ăn hàng ngày nếu không thể ăn đủ theo nhu cầu bằng cách:

  • Ăn nhiều món trong cùng một bữa. Tăng số lần ăn trong ngày nếu không thể ăn nhiều trong một lần.
  • Với trẻ suy dinh dưỡng cần cho ăn càng đặc càng tốt, sử dụng các loại bột để làm lỏng thức ăn đặc nhưng vẫn đảm bảo độ đậm đặc của thức ăn. Tăng thức ăn giàu năng lượng: thêm dầu mỡ vào thức ăn, dùng các loại thực phẩm cao năng lượng. Trường hợp trẻ còn bú mẹ cần tiếp tục cho bú mẹ kéo dài sau 12 tháng. Nếu không có sữa mẹ đủ, lựa chọn loại sữa thay thế phù hợp.
  • Với người mắc bệnh vừa khỏi ốm cần cho ăn tăng cường sau bệnh. Cần theo dõi định kỳ tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe nhất là trẻ em.
  • Với bà mẹ mang thai cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho mẹ trong quá trình mang thai, cần xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng các chất, đa dạng các loại thực phẩm. Trong trường hợp mẹ bị nghén, khó ăn, hãy sử dụng thêm các loại sữa. Tuy nhiên, nên chú ý tham khảo ý kiến của các chuyên gia để được tư vấn và lựa chọn thực phẩm bổ sung phù hợp.
  • Thường xuyên tập thể dục thể thao với cường độ hợp lý. Điều này giúp các cơ dẻo dai hơn, đảm bảo khả năng chuyển hóa dinh dưỡng của cơ thể luôn ở mức tốt. Lúc này, nguy cơ bị suy dinh dưỡng sẽ giảm được rất nhiều.
Câu hỏi thường gặp liên quan đến suy dinh dưỡng- Ảnh 2.

Cần đa dạng hóa bữa ăn hàng ngày.

4. Suy dinh dưỡng có chữa khỏi không?

Điều trị suy dinh dưỡng là quá trình rất lâu dài và có thể được cải thiện hoàn toàn. Người bệnh không nên nản lòng và ngừng tái khám. Ngoài ra nên chú ý và cải thiện môi trường sống xung quanh vì đây là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp ngăn ngừa bệnh. Cần theo dõi và tham khảo lịch tiêm chủng thật đầy đủ.

5. Lưu ý với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai khi bị suy dinh dưỡng

Qua những thống kê cho thấy các nhóm người có nguy cơ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng là trẻ em, nhất là trẻ em ở vùng khó khăn; Người cao tuổi, đặc biệt là những người nằm viện dài ngày; Người ở các vùng cách ly, khó đi chợ; Những người có bệnh tâm lý gặp khó khăn trong tiếp xúc,…

Đối với các em nhỏ, nguyên nhân gây suy dinh dưỡng có thể do trẻ không được ăn đủ, không được bú sữa mẹ đầy đủ. Đôi khi, suy dinh dưỡng cũng do cha mẹ cho trẻ sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh. Khi sức đề kháng giảm đi, trẻ cũng có thể phải đối diện với các bệnh lý đường ruột, hô hấp hay bệnh biếng ăn

Ở người già, khả năng chuyển hóa thực phẩm thành dinh dưỡng, năng lượng trong cơ thể đã không còn đảm bảo như trước. Kèm theo đó, khả năng ăn uống của họ cũng kém hơn thời trẻ rất nhiều. Do đó, dù tính toán lượng thực phẩm, chăm sóc tốt, người già vẫn có nguy cơ mắc suy dinh dưỡng khá cao. Tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng ở những người người bệnh nằm liệt giường, phải ăn bằng ống xông.

Tương tự như thời điểm dịch bệnh, chiến tranh, phân biệt sắc tộc… Những cá nhân sức khỏe yếu sống trong các khu vực này hầu hết đều bị suy dinh dưỡng do không thể tìm đủ nguồn thực phẩm thiết yếu.

Chính vì vậy, mọi người bệnh sẽ nhận được các lời khuyên về một chế độ ăn hợp lý, lành mạnh. Một chế độ ăn đúng phải đáp ứng được nhu cầu năng lượng của cơ thể từ đầy đủ các nhóm chất bao gồm protein, lipid, glucid, chất khoáng và vitamin. Nếu không bổ sung được bằng cách ăn uống thông thường có thể cân nhắc sử dụng thực phẩm chức năng hoặc thuốc uống.

Cần có kế hoạch được lập ra với các mục tiêu và cách thức thực hiện tùy từng trường hợp cụ thể. Người bị suy dinh dưỡng nặng hoặc không thể ăn được sẽ có chế độ ăn uống đặc biệt hơn. Nuôi ăn bằng ống sonde dạ dày được đặt qua miệng hoặc mũi và nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch là hai cách hỗ trợ ăn uống nhân tạo đang được sử dụng.

6. Chi phí khám chữa bệnh

Suy dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng quyết định tỷ lệ tử vong và bệnh tật ở trẻ nhỏ trên toàn thế giới: Nó liên quan đến 45% tổng số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Khoảng 32,7 triệu trẻ em (4,8% tổng số trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới) gầy còm ở mức độ trung bình (cho thấy suy dinh dưỡng cấp tính vừa phải). Có 14,3 triệu trẻ em trong độ tuổi này bị gầy còm trầm trọng (biểu hiện suy dinh dưỡng cấp tính trầm trọng).

Suy dinh dưỡng không chỉ có ở trẻ em và người cao tuổi mà ngay cả thanh niên, người trưởng thành cũng có nguy cơ bị suy dinh dưỡng nếu không có chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học. Suy dinh dưỡng ở người lớn tuổi nguyên nhân chủ yếu chính là không hấp thu đủ dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày; mà tác nhân chính là tình trạng kén ăn hoặc ăn ít. Điều này đến từ những thay đổi về thể chất như ăn kém ngon miệng, dễ đầy hơi, tiêu hóa kém, khả năng nhai nuốt giảm... và cả những thay đổi về cuộc sống như người lớn tuổi sống một mình nên ngại nấu nướng, tâm lý ăn ít để giữ cân....

Chi phí khám dinh dưỡng (Cân đo chỉ số cơ thể - chiều cao, cân nặng, huyết áp; Khám và tư vấn dinh dưỡng với bác sĩ) có giá dao động từ 300.000 đồng đến 600.000 đồng. Nếu làm thêm các xét nghiệm cơ bản khác sẽ có chi phí cao hơn.

Tóm lại: Để điều trị suy dinh dưỡng hiệu quả thông thường, thay đổi chế độ ăn uống là biện pháp điều trị phổ biến nhất. Chế độ ăn uống có thể cần phải gia tăng hàm lượng dinh dưỡng trong thực phẩm, nhất là với trẻ em, người già yếu, hoặc dùng thêm các loại thuốc bổ sung dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Tìm hiểu các nguyên nhân khiến trẻ thiếu máu suy dinh dưỡng và cách phòng ngừaTìm hiểu các nguyên nhân khiến trẻ thiếu máu suy dinh dưỡng và cách phòng ngừa

Ở Việt Nam, trẻ em bị thiếu máu do suy dinh dưỡng là vấn đề phổ biến do chế độ dinh dưỡng kém cùng thiếu sắt kéo dài. Làm thế nào để phát hiện các dấu hiệu ban đầu và phòng ngừa hiệu quả?


BS. Nguyễn Văn Hưng
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn