Hỏi: Khi bị sụp mi thì có tự khỏi hay không? Có những cách nào để điều trị căn bệnh này? (Bùi Minh Đ – Ninh Bình).
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Bảo Thoa (Khoa Khám bệnh – Bệnh viện Mắt Hà Nội) bệnh sụp mi hay còn gọi là sụp mi mắt. Với người già, mắt sẽ khó mở hơn. Khi mở mắt cần phải rướn trán, rướn lông mày khiến các nếp nhăn ở trán xuất hiện. Trong một số trường hợp cần ngửa đầu để nhìn dễ hơn, thậm chí một số trường hợp nặng bệnh nhân cần dùng tay để vén mi lên để nhìn rõ. Đây là những trường hợp sụp mi cần can thiệp sớm để giải phóng tầm nhìn và giải quyết cả vấn đề thẩm mỹ, hạn chế biến chứng cho người bệnh.
ThS.BS Nguyễn Thị Bảo Thoa tư vấn về bệnh lý sụp mi mắt và cách điều trị.
Sụp mi là gì?
Sụp mi là tình trạng bờ mi xuống thấp hơn so với vị trí bình thường. Ở trạng thái bình thường mi mắt che phủ rìa giác mạc khoảng 1-1,5mm. Khi sụp mi làm bờ mi mắt thấp xuống. Bệnh lý này được chia thành nhiều mức độ từ nhẹ, vừa và nặng. Đối với trường hợp nặng, mi mắt có thể che diện hoàn toàn đồng tử gây ảnh hưởng đến thị lực. Để chẩn đoán tình trạng bệnh cũng như tìm nguyên nhân, phương án điều trị, người bệnh cần được thăm khám kỹ lưỡng bởi các bác sĩ nhãn khoa.
Các nguyên nhân gây sụp mi được chia làm 2 nhóm chính là sụp mi bẩm sinh và sụp mi mắc phải:
- Sụp mi bẩm sinh ở trẻ sơ sinh thường gặp ở trẻ em từ lúc sinh ra đã xuất hiện tình trạng này. Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường do dây thần kinh chi phối cơ nâng mi bị liệt, từ đó dẫn đến mắt không thể mở bình thường được. Tình trạng này xuất hiện từ lúc sinh và sẽ tồn tại vĩnh viễn.
- Sụp mi mắc phải thường do một số bệnh lý như sụp mi trong liệt dây iii (dây thần kinh số III), sụp mi do nhược cơ, một số bệnh hiếm… Ngoài ra, trường hợp thường gặp nhiều gần đây là sụp mi do có tuổi. Khi bạn già đi, cơ nâng mi có tác dụng chính trong việc giúp mở mắt bị giãn, yếu đi. Nguyên nhân có thể do bạn dụi mắt nhiều hoặc do tuổi tác dẫn đến tình trạng mi mắt sụp xuống hay còn gọi là sụp mi tuổi già.
Sụp mi chữa như thế nào?
Sụp mi có tự khỏi không? Câu trả lời là không. Để điều trị sụp mi cần phải dựa vào nguyên nhân để can thiệp một cách chính xác.
Sụp mi mắt bẩm sinh có chữa được không? Với các trường hợp sụp mi bẩm sinh thường do cơ không hoạt động vì vậy cần thay thế cơ nâng mi bằng một vật liệu khác. Có thể sử dụng vật liệu tự thân như cân cơ đùi, vạt cơ trán hoặc vật liệu nhân tạo như các loại dây silicon để giúp nâng mi lên, giải phóng tầm nhìn cho người bệnh.
Đối với các trường hợp sụp mi mắt mắc phải do bệnh lý thì cần điều trị theo nguyên nhân. Người bệnh cần phải khám toàn thân thật kỹ để có phương án điều trị thích hợp. Ví dụ trong trường hợp sụp mi do liệt dây thần kinh số III thì cần tìm nguyên nhân điều trị ở sọ não. Trường hợp sụp mi do nhược cơ cần điều trị nội khoa. Với các trường hợp do tuổi già, do nhão cân cơ thì có thể can thiệp bằng phẫu thuật sớm để giúp cân cơ nâng mi khỏe hơn từ đó giúp người bệnh mở mắt bình thường.
Xem thêm video được quan tâm:
Giải pháp toàn diện để phòng ngừa và điều trị tật khúc xạ ở trẻ | SKĐS