Sụp mi mắt: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách khắc phục

22-04-2022 11:19 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Sụp mi mắt là tình trạng bờ mi trên và da mi mắt bị sa xuống hay sụp xuống. Mi mắt là một bộ phận quan trọng trong việc bảo vệ hệ thị giác và tham gia tạo nên vẻ đẹp của khuôn mặt chính vì vậy hiểu biết về căn bệnh này là vô cùng quan trọng.

1. Tổng quan sụp mi

Sụp mi là sự sa của mi trên xuống thấp hơn vị trí bình thường ở tư thế nhìn thẳng. Mi có thể bị sụp với các mức độ khác nhau, 1 bên hoặc cả 2 bên với độ sụp cân xứng hoặc không cân xứng.

Tùy theo thời điểm xuất hiện có thể là sụp mi bẩm sinh và sụp mi mắc phải. Tùy theo nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh, có các loại sụp mi: Do cơ, do cân cơ, do thần kinh, do thần kinh cơ, do cơ học, do chấn thương, do tuổi già…

‎Theo thống kê, sụp mi bẩm sinh xuất hiện ngay sau khi sinh và thường gặp nhất chiếm 55 - 75% các trường hợp sụp mi. Sụp mi bẩm sinh gặp ở khoảng 1,8% trẻ sơ sinh và có thể phối hợp với những bất thường khúc xạ, vận nhãn và dị dạng ở sọ mặt. Sụp mi bẩm sinh một bên chiếm khoảng 75%.

Sụp mi mắt: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách khắc phục - Ảnh 1.

Sụp mi bẩm sinh một bên chiếm khoảng 75%.

2. Nguyên nhân gây sụp mi

Có nhiều nguyên nhân gây sụp mi trong đó sụp mi bẩm sinh xuất hiện từ khi mới chào đời và có thể do nguyên nhân di truyền, tình trạng này có thể gây ảnh hưởng đến một hoặc ở cả hai mi mắt. Sụp mi bẩm sinh có thể gây ảnh hưởng đến thị lực và gây ra tình trạng nhược thị.

Sụp mi mắt cũng có thể xuất hiện khi lão hóa. Tuổi tác cũng có nguy cơ sụp mi do thừa da mi ở người già. Nguyên nhân thường gặp là sự kéo giãn hoặc xé rách đột ngột của cân cơ nâng mi - cân cơ này có tác dụng giúp cho mi mắt cử động.

Các tổn thương có thể đến từ: Dụi mắt quá nhiều, sử dụng kính áp tròng quá cứng, phẫu thuật mắt.

Bên cạnh đó các nguyên nhân khác có thể gây ra tình trạng sụp mi, bao gồm: Khối u, nang hoặc sưng phù ở mắt, các vấn đề của cơ, tổn thương thần kinh ở các cơ của mắt, các bệnh về hệ thần kinh, chấn thương mắt, tiêm Botox,…

Sụp mi mắt: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách khắc phục - Ảnh 2.

Giả sụp mi do chùng dãn mi sụp mi cơ năng.

3. Dấu hiệu nhận biết sụp mi

Triệu chứng rõ ràng nhất chính là mi mắt bị sa xuống. Nhiều trường hợp thì mi mắt sẽ không sụp rõ ràng và không gây ra đau đớn gì. Và trong một số trường hợp khác thì người bị sụp mi sẽ cảm thấy tình trạng này gây ảnh hưởng tiêu cực đến diện mạo của họ và sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý nói chung.

Mi mắt sụp có thể gây che phủ mắt làm ảnh hưởng đến thị lực trong một số trường hợp, và tình trạng này có thể trở nên tệ hơn khi nhìn xuống hoặc khi đọc sách. Lông mày cũng có thể sẽ phải nhướn lên để trợ giúp cho tầm nhìn đang bị che, việc này có thể làm cho các cơ trên mặt bị mỏi.

Mức độ sụp mi

Theo phân loại có thể chia sụp mi thành 3 độ như sau:

Độ I: Sụp mi nhẹ không ảnh hưởng đến khả năng nhìn nên không cần can thiệp.

Độ II: Sụp mi mức độ trung bình đã gây cản trở một phần nhìn khiến người bệnh hay có tư thế nâng cằm bất thường để nhìn. Mức độ này cần phải điều trị phẫu thuật.

Độ III: Sụp mi nặng gây ảnh hưởng trầm trọng đến thị lực, đến khả năng nhược thị cao cần điều trị càng sớm càng tốt.

4. Những biến chứng do sụp mi

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sụp mi có thể gây nhiều hệ lụy. Với trẻ em có thể bị nhược thị do tầm nhìn bị che lấp, mắt có thể bị lác, hậu quả là làm giảm thị lực, ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt.

Vì sụp mi cũng có thể là biểu hiện của các bệnh lý như bệnh nhược cơ, liệt dây thần kinh sọ não số III (do u não,…), nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.

5. Chẩn đoán và điều trị sụp mi

Bệnh nhân bị sụp mi cần được kiểm tra, thăm khám kỹ lưỡng để đánh giá tình trạng mi sụp và tìm nguyên nhân với các tổn thương kèm theo bao gồm: Tình trạng tiền sử gia đình, thai sản, quá trình phát triển, bệnh tật, chấn thương,... Thời điểm xuất hiện, diễn biến của sụp mi, các bất thường khác (song thị, giảm thị lực, đau nhức mắt, đau đầu, viêm tấy đỏ, yếu bại cơ, nói ngọng, ăn sặc, có tiếng thổi trong đầu,...), các xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị đã áp dụng và đáp ứng, diễn biến trong và sau điều trị.

‎Ngoài ra, có thể các bác sĩ sẽ chỉ định khám tổng quát và khám các chuyên khoa có liên quan như: Thần kinh, tai mũi họng, hàm mặt, nội tiết, lồng ngực,...

Việc chẩn đoán đúng bệnh sụp mi còn có giá trị phân biệt sụp mi và giả sụp mi.

‎+ Nếu giả sụp mi: Do nhãn cầu teo nhỏ, mắt giả nhỏ, thụt nhãn cầu sau chấn thương gãy thành xương, lác đứng, sa cung mày, chùng dãn mi nặng, lác lên hoặc xuống đối bên, do khuôn mặt không cân đối (mặt lệch, 2 mắt không đối xứng),...

‎+ Nếu sụp mi cơ năng: Co rút mi trên ở một mắt có thể làm cho mi mắt bên đối diện sụp nhẹ.

Điều trị sụp mi có nhiều phương pháp, việc lựa chọn phụ thuộc vào độ nặng của sụp mi. Với trường hợp thông thường điều trị với mục đích thẩm mỹ hoặc điều trị để cải thiện thị lực.

Một vài trường hợp thì có thể sẽ cần phải được phẫu thuật để điều trị. Mục tiêu của việc phẫu thuật thường là để thắt chặt các cơ nâng hoặc sửa lại cơ nâng mi để có thể treo mi mắt lên lại.

6. Đề phòng sụp mi

Để phòng sụp mi cần có chế độ làm việc và nghỉ ngơi khoa học, lành mạnh:

  • Không thức quá khuya, cần ngủ đủ giấc để đôi mắt được phục hồi sau khi lao động, làm việc.
  • Không nên tiếp xúc nhiều với màn hình máy tính, không đọc sách báo khi thiếu ánh sáng.
  • Không nên thường xuyên sử dụng kính sát tròng. Tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào mắt. Nên sử dụng kính râm hoặc kem chống nắng dành riêng cho mắt khi đi ra ngoài.
  • Để cho mắt có thời gian nghỉ ngơi, nếu phải làm việc liên tục với thiết bị điện tử, máy tính, thì sau 30-60 phút làm việc nên nhắm mắt lại trong vài giây để mắt được thư giãn.
  • Ngoài ra cần tránh xa các tác nhân không tốt cho mắt, có chế độ ăn bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A, vitamin E… tốt cho mắt.
  • Uống đủ lượng nước mỗi ngày.
  • Hạn chế uống cà phê, rượu, các chất kích thích…
  • Khi có các bất thường về mắt thì phải đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt và dùng thuốc theo đơn, không tùy tiện tra các thuốc mắt mà không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt.
Sụp mi bẩm sinh có điều trị khỏi?     Sụp mi bẩm sinh có điều trị khỏi?

Con gái tôi 12 tuổi. Cháu bị sụp mi mắt từ nhỏ nhưng càng lớn tôi cảm giác mắt cháu nhìn “hùm hụp” hơn, ảnh hưởng rất xấu đến gương mặt. Xin hỏi sụp mi có chữa được không và nên điều trị ở đâu để có kết quả tốt?

Video có thể bạn quan tâm

Những bài tập thể dục buổi sáng giúp bạn tăng cường sức khỏe


BS. Trần Thúy Hồng
Ý kiến của bạn