Thuốc và các phương pháp điều trị nhược cơ

02-12-2024 13:42 | Tra cứu bệnh

SKĐS – Chọn dùng thuốc trị nhược cơ như thế nào sẽ tùy thuộc vào độ tuổi, mức độ nghiêm trọng, tốc độ tiến triển của bệnh… Việc điều trị có thể giúp kiểm soát các triệu chứng, người bệnh có thể sống gần như bình thường…

Bệnh nhược cơ là một loại bệnh tự miễn dịch, dẫn đến rối loạn dẫn truyền tại các điểm nối thần kinh – cơ, từ đó làm giảm chức năng hoạt động của hệ cơ. Đặc điểm cơ bản của bệnh nhược cơ là các triệu chứng mỏi, yếu cơ, liệt cơ tiến triển tăng dần từ sáng đến chiều…


1.Thuốc điều trị nhược cơ

Tùy từng trường hợp cụ thể bác sĩ có thể chọn sử dụng riêng lẻ hoặc phối hợp các thuốc dưới đây:

1.1 Thuốc ức chế cholinesterase (pyridostigmine)

Pyridostigmine (mestinon, regonal) là loại thuốc đầu tiên được sử dụng để điều trị bệnh nhược cơ, dưới dạng thuốc viên; có tác dụng giúp các tín hiệu điện truyền đi giữa các dây thần kinh và cơ (cải thiện sự giao tiếp giữa các dây thần kinh và cơ); làm giảm tình trạng yếu cơ, cải thiện sự co cơ và sức mạnh cơ ở một số người.

Tác dụng của thuốc chỉ kéo dài trong vài giờ, nên người bệnh sẽ cần phải uống thuốc nhiều lần trong ngày. Đối với một số người, đây là loại thuốc duy nhất họ cần để kiểm soát các triệu chứng của mình.

Thuốc và các phương pháp điều trị nhược cơ- Ảnh 1.

Hãy cho bác sĩ biết nếu người bệnh gặp bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc.

Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, buồn nôn, cơn giật cơ, đổ mồ hôi quá nhiều… Hãy cho bác sĩ biết nếu người bệnh gặp bất kỳ tác dụng phụ nào trong số này, để có giải pháp khắc phục, giảm tác dụng phụ của thuốc.

1.2 Thuốc corticosteroid

Nếu pyridostigmine không có tác dụng hoặc chỉ có tác dụng giảm đau trong thời gian ngắn, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc nhóm corticosteroid, điển hình là prednisolone. Thuốc làm giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch (hệ thống phòng vệ tự nhiên của cơ thể chống lại bệnh tật và nhiễm trùng), để ngăn chặn hệ thống này tấn công vào hệ thống giao tiếp giữa dây thần kinh và cơ.

Prednisolone cũng thường được bắt đầu sử dụng tại bệnh viện nếu người bệnh gặp vấn đề về nuốt hoặc thở, hoặc nếu các triệu chứng ngày càng trầm trọng hơn và cần điều trị nhanh chóng.

Thuốc thường được khuyên nên uống cách ngày. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, có thể cần dùng liều cao lúc đầu, sau đó sẽ giảm dần càng nhiều càng tốt, khi các triệu chứng đã được kiểm soát.

Tuy nhiên, sử dụng corticosteroid trong thời gian dài có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm loãng xương, tăng cân, đái tháo đường và nguy cơ mắc một số bệnh nhiễm trùng cao hơn…

1.3 Thuốc ức chế miễn dịch

Các loại thuốc như azathioprine (azasan, imuran), mycophenolate mofetil (cellcept), cyclosporine, methotrexate, tacrolimus có thể được dùng để ức chế miễn dịch. Những loại thuốc này được uống dưới dạng viên nén mỗi ngày, sẽ mất nhiều tháng để có tác dụng và có thể được sử dụng với corticosteroid.

Tác dụng phụ của thuốc ức chế miễn dịch như làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, chán ăn và mệt mỏi,

2. Phẫu thuật

Một số người bị nhược cơ có khối u ở tuyến ức, sẽ cần phẫu thuật để cắt bỏ tuyến ức. Phẫu thuật có thể giúp:

Giảm liều steroid Giảm nguy cơ phải dùng thuốc ức chế miễn dịch khác Giảm khả năng phải nhập viện do các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn…

Tuy nhiên, cần lưu ý, phẫu thuật không phải lúc nào cũng hiệu quả và đôi khi có thể không mang lại nhiều hoặc không có tác dụng cải thiện các triệu chứng.

3. Điều trị cấp cứu tại bệnh viện

Một số người mắc bệnh nhược cơ có những giai đoạn triệu chứng đột nhiên trở nên tồi tệ hơn, ví dụ, như gặp vấn đề nghiêm trọng về hô hấp hoặc nuốt có khả năng đe dọa tính mạng (còn gọi là cơn nhược cơ), cần được điều trị khẩn cấp tại bệnh viện. Phương pháp điều trị có thể bao gồm:

Oxy qua mặt nạ 

 Sử dụng máy thở 

 Liệu pháp immunoglobulin tĩnh mạch

 Lọc huyết tương…

4. Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Để giúp người bệnh tận dụng tối đa năng lượng của mình và đối phó với các triệu chứng của bệnh nhược cơ cần:

- Điều chỉnh thói quen ăn uống: Cố gắng ăn khi người bệnh còn sức mạnh cơ bắp tốt. Dành thời gian nhai thức ăn và nghỉ ngơi giữa các lần ăn, có thể ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày. Ngoài ra, nên ăn thức ăn mềm, tránh những thức ăn cần nhai nhiều hơn, chẳng hạn như trái cây hoặc rau sống.

- Sử dụng các biện pháp phòng ngừa an toàn tại nhà: Lắp đặt thanh vịn, lan can ở những nơi người bệnh cần hỗ trợ, như cạnh bồn tắm, cạnh cầu thang; giữ sàn nhà sạch sẽ, chống trơn trượt. Bên ngoài nhà, hãy dọn sạch lá cây và các đồ vật có thể khiến người bệnh vấp ngã trên các lối đi, vỉa hè…

- Tránh các tác nhân gây kích thích: Đối phó với bệnh nhược cơ có thể khó khăn đối với người bệnh và người thân trong gia đình. Căng thẳng có thể làm tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn, vì vậy hãy tìm cách thư giãn, giảm căng thẳng, không gắng sức quá mức…

Nhược cơ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừaNhược cơ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

SKĐS - Bệnh nhược cơ gây ra do các rối loạn dẫn truyền thần kinh - cơ, với các triệu chứng yếu cơ, khó nuốt, khó thở... Bệnh nếu không được chữa trị kịp thời, sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là tử vong do suy hô hấp cấp.


DS. Nguyễn Thu Giang
Ý kiến của bạn