Sự hy sinh thầm lặng của những trái tim yêu thương toả sáng bản làng

26-02-2024 18:53 | Sự hi sinh thầm lặng
google news

SKĐS - Suốt bao nhiêu năm, những 'bác sĩ của bản" lặng thầm đóng góp sức mình cho sức khỏe của đồng bào miền núi. Họ là những nhân viên y tế thôn bản ở bản làng heo hút của tỉnh miền núi Điện Biên, những nhân vật trong tác phẩm “Lặng thầm nơi thâm sơn cùng cốc” đoạt giải Ba cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng”.

20 năm qua, họ đã cố gắng vượt qua những rào cản, khó khăn về địa hình, giao thông, điều kiện làm việc và cả sự hạn chế trong phong tục, tập quán, ngày đêm lặng thầm chăm sóc sức khỏe cho bà con dân tộc thiểu số.

Những cống hiến của họ không chỉ xứng đáng được tôn vinh tại Lễ trao giải Cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng" của Báo Sức khỏe & Đời sống tối 26/2 mà còn là tấm gương góp phần lan tỏa tình yêu thương con người của đội ngũ những người làm công tác y tế trên mọi miền Tổ quốc.

Sự hy sinh thầm lặng của những trái tim yêu thương toả sáng bản làng- Ảnh 1.

Dấu chân nhân viên y tế thôn bản in khắp các nẻo đường vùng cao.

Hạnh phúc vì được chăm lo sức khỏe cho đồng bào mình

Đọc loạt bài dự thi "Lặng thầm nơi thâm sơn cùng cốc" của hai tác giả Hà Linh (Hà Hải Yến) - Nguyễn Thị Minh Thảo, nhân vật ông Giàng A Thào (ở xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa) và anh Lò Văn Châu (ở bản biên giới Phiêng Ngúa, xã Nậm Chua, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) là hai trong số những nhân vật ấn tượng nhất đối với người đọc.

Suốt hành trình 20 năm, những nhân viên y tế thôn bản này, người thì "bất đắc dĩ" trở thành "bố đỡ" cho những đứa trẻ vùng cao như ông Giàng A Thào; người trở thành "bác sĩ" chuyên xử lý các cuộc gọi "khẩn cấp" của bà con vùng biên giới… Họ luôn cần mẫn với công việc, cống hiến hết sức mình vì sức khỏe bà con, bởi niềm tin sẽ phá vỡ được những "rào cản" lạc hậu, nâng cao nhận thức cho đồng bào mình.

Sự hy sinh thầm lặng của những trái tim yêu thương toả sáng bản làng- Ảnh 2.

Ông Giàng A Thào, nhân viên y tế thôn bản ở xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Khánh Ly.

Bao đời nay tại thôn ông Giàng A Thào sinh sống cũng như nhiều thôn bản vùng sâu khác, phần lớn phụ nữ dân tộc Mông đều có tập tục sinh con tại nhà. Chỉ khi đẻ khó, nguy kịch mới gọi người đến đỡ hoặc đưa đi cơ sở y tế. Chính vì vậy, dù không phải là hộ sinh, nhưng với sự nhiệt huyết, kinh nghiệm, chịu khó học hỏi và cẩn thận trong mỗi lần đỡ đẻ, mỗi lần gặp ca khó bà con đều gọi đến ông. Đối với ông, đó là hạnh phúc.

Còn với anh Lò Văn Châu, nhiều năm qua, anh vẫn được bà con ở Phiêng Ngúa coi như "bác sĩ của bản". Bất cứ việc gì liên quan đến sức khỏe, từ chăm sóc bà mẹ mang thai, trẻ em, tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh, phòng chống HIV… bà con đều gọi anh.

Sự tín nhiệm của bà con và những trải nghiệm thực tế đã giúp anh tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm để chăm sóc sức khỏe cho bà con. Anh luôn kiên trì, không lo mình phải chịu thiệt thòi hay mất công, mất việc. Với anh, "chỉ cần bà con khỏe, bản làng cũng sẽ vững mạnh"…

Sự hy sinh thầm lặng của những trái tim yêu thương toả sáng bản làng- Ảnh 3.

Anh Lò Văn Châu - y sĩ thôn bản của bản biên giới Phiêng Ngúa, xã Nậm Chua, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Khánh Ly.

"Chúng tôi thấy mình thật nhỏ bé…"

Có mặt tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) tối ngày 26/2/2024, nơi diễn ra Chương trình Tôn vinh Thầy thuốc Việt Nam và trao giải cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng" lần VI do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Y tế chỉ đạo nhân Kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2024), những nhân vật trong tác phẩm "Lặng thầm nơi thâm sơn cùng cốc" xúc động bày tỏ niềm vinh dự, tự hào.

Ông Giàng A Thào xúc động chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi được về Thủ đô Hà Nội tham dự một chương trình có quy mô lớn như thế này. Khi mới nhận giấy mời tôi hơi lo lắng vì không biết đi lại, tham dự như thế nào. Riêng việc di chuyển từ nhà tôi đến đây cũng qua nhiều chặng lên, xuống xe khác nhau. Nhưng được ban tổ chức chương trình hỗ trợ, hướng dẫn nhiệt tình nên tôi không bị bỡ ngỡ. Tôi thấy đây là chương trình vô cùng lớn và ý nghĩa, tôi lại là nhân vật được tôn vinh nên cảm thấy thật vinh dự".

Còn đối với anh Lò Văn Châu, anh tâm sự: "Mặc dù đây là lần thứ 2 tôi được về Thủ đô nhưng là lần đầu tiên tham dự và được tôn vinh trong một chương trình lớn và ý nghĩa như thế này, cho nên tôi cảm thấy xúc động và vô cùng tự hào"…

Trên sân khấu Lễ trao giải, khi được chứng kiến những câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng của các y, bác sĩ, nhân viên y tế tái hiện qua những thước phim đầy xúc động; những bài hát ca ngợi tinh thần y đức cao quý và những chia sẻ chân thành từ các tác giả, nhân vật trong các tác phẩm được tái hiện từ "đời thực", ông Giàng A Thào và anh Lò Văn Châu cho biết, họ cảm thấy "mình thật nhỏ bé"!

"Chúng tôi được gặp gỡ, giao lưu với nhiều nhân vật từ khắp mọi miền Tổ quốc. Họ đều là tấm gương có đóng góp lớn cho ngành y tế của đất nước, tôi càng thấu hiểu hơn những hy sinh, vất vả của đội ngũ những người làm công tác y tế, trong đó có các y, bác sĩ, có cả những người làm công tác y tế thôn bản như chúng tôi ở nhiều địa phương khác. Chúng tôi thật sự khâm phục họ và càng thấy tự hào, trân trọng hơn công việc của mình...".

"Nguồn động viên to lớn để chúng tôi tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân"

Sự hy sinh thầm lặng của những trái tim yêu thương toả sáng bản làng- Ảnh 4.

4 nhân vật trong tác phẩm “Lặng thầm nơi thâm sơn cùng cốc” đoạt giải Ba cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng" lần thứ VI của nhóm tác giả Hà Hải Yến - Nguyễn Thị Minh Thảo (Báo Điện Biên Phủ). Ảnh: Khánh Ly.

Chia sẻ về những dự định, mong muốn trong thời gian tới, ông Giàng A Thào cho biết, ông sẽ tiếp tục nỗ lực cống hiến công sức của mình cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, cũng như triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế như: phòng chống sốt rét, tiêm chủng, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, phòng chống, dịch bệnh… Đặc biệt là các hoạt động chăm lo sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Anh Lò Văn Châu cũng khẳng định: "Mặc dù còn nhiều khó khăn, song vì đây là công việc đã gắn bó nhiều năm nên thời gian tới tôi vẫn xác định tiếp tục gắn bó với công việc; phát huy khả năng, trách nhiệm của bản thân để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Trên thực tế, phần lớn nhân viên y tế thôn bản phải kiêm nhiệm nhiều công việc. Riêng đối với anh Lò Văn Châu, hiện nay, ngoài nhiệm vụ là nhân viên y tế thôn bản, anh còn kiêm nhiệm thêm cộng tác viên dân số, đồng đẳng viên phòng chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên dân số… hiện còn thấp, chưa đảm bảo cuộc sống.

Vì vậy, những nhân viên y tế thôn bản như ông Giàng A Thào, anh Lò Văn Châu bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước, ngành y tế quan tâm nâng mức phụ cấp, bố trí kinh phí hỗ trợ tiền xăng xe do địa bàn miền núi, giao thông cách trở, khó khăn… Họ cũng mong muốn được tham gia thêm các lớp tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật thông tin, kiến thức mới.

Đặc biệt, họ mong muốn có thêm các hoạt động quan tâm, động viên đối với những cán bộ y tế vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Đối với những nhân viên y tế thôn bản ở vùng sâu như ông Giàng A Thào và anh Lò Văn Châu, Chương trình Tôn vinh Thầy thuốc Việt Nam và trao giải cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng" lần thứ VI vô cùng ý nghĩa. Họ bày tỏ mong muốn có thêm nhiều chương trình như thế này vì đây là nguồn động viên về tinh thần rất lớn để họ tiếp tục làm việc và cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

‘Sự hy sinh thầm lặng’ - Mỗi mùa giải lại thêm nhiều yêu thương‘Sự hy sinh thầm lặng’ - Mỗi mùa giải lại thêm nhiều yêu thương

SKĐS - Cuộc thi viết Sự hy sinh thầm lặng đến nay đã vào mùa thứ VI và đã diễn ra được 14 năm. Thời gian chưa phải quá dài nhưng cũng đủ để minh chứng cho thấy sức hấp dẫn và đặc biệt là ý nghĩa nhân văn cao cả mà cuộc thi mang lại.

Xem thêm video đang được quan tâm

Giới thiệu cuộc thi Sự hy sinh thầm lặng


Hà Giang - Khánh Ly
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn