Hà Nội

Chuyện những thầy thuốc dạy trẻ tự kỷ

15-02-2024 15:00 | Sự hi sinh thầm lặng
google news

SKĐS - Hơn 10 năm qua, đội ngũ y, bác sĩ của Khoa Tâm thần kinh - Phục hồi chức năng - Y học cổ truyền (Bệnh viện Nhi Hải Dương) không quản khó khăn, vất vả, cực nhọc khi điều trị, can thiệp cho những đứa trẻ mắc phải chứng tự kỷ, tăng động.

Với họ, mong muốn trong nghề là thấy những đứa trẻ đặc biệt này sớm được hòa nhập cộng đồng...

"Chúng tôi đến với nghề dạy trẻ tự kỷ là cái duyên…"

Trong lần ghé thăm Bệnh viện Nhi Hải Dương, chúng tôi tình cờ biết đến công việc khá "đặc biệt" của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế của Khoa Tâm thần kinh - Phục hồi chức năng - Y học cổ truyền. Gọi đây là công việc đặc biệt bởi những bệnh nhân ở khoa này đều là trẻ em không may mắc phải chứng phổ tự kỷ, rối loạn cảm xúc, hành vi, ngôn ngữ... Ðiều đặc biệt hơn cả, những người công tác ở khoa này, ngoài chuyên môn nghề y thì ở họ còn "đóng thế" là thầy giáo, người mẹ hiền mà chỉ có người trong nghề mới thấu hiểu.

Có mặt tại phòng dạy ngôn ngữ cho trẻ mắc tự kỷ vào những ngày cuối năm, chúng tôi bắt gặp các nữ điều dưỡng đang tận tình, tỉ mỉ, chu đáo can thiệp cho các bé mắc bệnh đặc biệt. Nếu không nhờ bóng áo blouse của những y bác sĩ, có lẽ nhiều người lầm tưởng đây là lớp dành cho trẻ mầm non.

Ðược tận mắt chứng kiến việc điều trị cho trẻ, chúng tôi mới thấu hiểu được công việc của những thầy thuốc nơi đây vất vả đến nhường nào, có lẽ chỉ có tình thương trẻ, tình yêu nghề và xem bệnh nhân như con, người thân của mình thì mới giúp họ vượt qua nhiều khó khăn, gắn bó với nghề.

Vừa kết thúc ca can thiệp cho trẻ, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Quỳnh Trang (SN 1984) tâm sự: "Khi xác định đến với nghề y, có nhiều chuyên ngành nhưng lại chọn ngành chăm sóc, điều trị cho những trẻ tự kỷ, tăng động thì đó là cái duyên. Lúc đầu, thấy tôi chọn chuyên ngành này, người thân và bè bạn ai cũng khá bất ngờ, thậm chí còn khuyên chọn chuyên ngành khác nhẹ nhàng hơn, đỡ vất vả. Tuy nhiên, đã học y thì cứu người bệnh, mang lại sự sống, tương lai cho bệnh nhân là điều tôi mong muốn".

Theo lời điều dưỡng Trang, cô vốn sinh ra ở Quảng Ninh và khi vừa tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng đã xin về Bệnh viện Ða khoa huyện Ðông Triều công tác. Vài năm sau, điều dưỡng Trang kết hôn với người chồng quê Hải Dương và theo chồng về Hải Dương sinh sống, làm việc.

Năm 2007, vợ chồng Trang sinh con trai đầu lòng nhưng không may, cháu mắc phải chứng tự kỷ. Trước hoàn cảnh này, điều dưỡng Trang phải xin nghỉ công việc ở nhà chăm sóc con. Một lần tình cờ, được một người làm trong ngành Y "bật mí" về chứng tự kỷ, tăng động mà rất nhiều trẻ đang mắc, chị Trang nghĩ tới việc học thêm chuyên ngành này và đăng ký học.

"Thực sự lúc học ngành này chỉ nghĩ trước mắt học để dạy con mình nhưng ai ngờ, mọi sự đến sau này như một cái duyên. Thời điểm này, Bệnh viện Nhi Hải Dương thành lập Khoa Tâm thần kinh - Phục hồi chức năng - Y học cổ truyền nên khi hoàn thành chương trình học, tôi về đầu quân cho bệnh viện và trở thành một trong những thầy thuốc đầu tiên của khoa này", chị Trang chia sẻ.

Chị Trang cho biết thêm: Trẻ mắc chứng phổ tự kỷ đa dạng, mỗi trẻ mắc một dạng bệnh khác nhau và nhiều trẻ có những triệu chứng đặc biệt so với mức độ tuổi. Nếu trẻ nhỏ dưới 36 tháng có nhiều dấu hiệu để chẩn đoán tự kỷ thì những bạn này có nhiều tiến triển hơn so với những bạn ngoài 3 tuổi. Trường hợp trẻ ngoài 3 tuổi với những dấu hiệu kèm theo rối loạn về cảm giác, xúc giác, rối loạn về tâm thần... sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trong quá trình điều trị. Trước khi tiến hành can thiệp với trẻ, bác sĩ hay điều dưỡng đều tìm hiểu xem trẻ bị rối loạn khuyết tật ở mảng nào, thậm chí trẻ còn bị rối loạn bên trong cơ thể (rối loạn bản thể) sẽ khó nhận biết, đánh giá. Riêng vấn đề này, khi điều trị phải theo chỉ định của bác sĩ, kết hợp thuốc, massage vận động nhận thức...

Cùng trong hoàn cảnh có người thân mắc chứng tự kỷ, nữ điều dưỡng Trần Thị Minh Thu cùng khoa với điều dưỡng Trang có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu trẻ mắc căn bệnh đặc biệt và xuất phát từ tình yêu thương con trẻ, đồng cảm với người thân của mình, chị Thu xin đi học chuyển đổi sang chuyên ngành tự kỷ và chuyển về điều trị trực tiếp cho trẻ mắc bệnh này được hơn 7 năm.

Chị Thu nói: "Làm công việc này, nếu không có tình yêu trẻ, xem bệnh nhi như người thân của mình thì không thể làm được. Ðối tượng bệnh nhân khá đặc biệt nên khi điều trị cho họ, ngoài đòi hỏi chuyên môn, người điều dưỡng còn phải biết hóa thân thành những người thầy, người cô, người mẹ, gần gũi, chia sẻ, đồng cảm với họ. Do đó, phải có duyên thì mới theo nghề và yêu nghề dù vất vả, cực nhọc đến mấy. Dù nhiều lúc gặp áp lực, mệt mỏi, nhưng chưa khi nào tôi nghĩ bản thân sẽ chuyển sang công việc khác. Mỗi khi nhìn thấy trẻ tiến bộ từng ngày thì mọi mệt mỏi đều tan biến".

Theo điều dưỡng Thu, hàng ngày khi trẻ đến điều trị và can thiệp sẽ được đưa vào phòng vận động để tập thể dục trước; tiếp đến các cô đón trẻ sang can thiệp ngôn ngữ. Phòng vận động sẽ trị liệu cho trẻ cách đi, massage, đi trên trên thảm gai, cầu trượt thăng bằng…

Cần sự yêu nghề đặc biệt

Theo nữ điều dưỡng Trần Thị Minh Thu, trẻ tự kỷ tăng động không giống như trẻ bình thường và thường có những hành động không làm chủ được bản thân. Cho nên dạy trẻ mắc hội chứng này, ngoài chuyên môn là thầy thuốc thì cần tình yêu, tình thương như người cha, người mẹ. Trẻ tự kỷ, tăng động có nhận thức khác, hành vi cảm xúc bị rối loạn, khi đang chơi có thể khóc, không hợp tác; vì vậy nếu chỉ dạy theo bài giảng, sách vở thì không bao giờ trẻ cảm nhận được cũng như tiến bộ.

"Dạy trẻ mắc tự kỷ, tăng động khó khăn thì nhiều, nhưng tôi chỉ sợ trẻ, người nhà bệnh nhân khó lòng theo được quá trình điều trị này. Trẻ rối loạn hành vi có thể có những hành vi gây hại, nguy hiểm cho người khác như cắn, đập phá đồ đạc, không hợp tác với nhân viên y tế... đó cũng là chuyện bình thường. Vì thế, dạy trẻ này đòi hỏi có sự kiên nhẫn rất lớn và kỹ năng dạy, yêu trẻ", chị Thu tâm sự.

Chia sẻ về hành trình đến với nghề này, điều dưỡng Nguyễn Thị Quỳnh Trang trải lòng: "Trong 12 năm dạy trẻ mắc chứng tự kỷ, chứng kiến những thay đổi tích cực và sự tiến bộ của các em nhỏ, thực sự rất vui".

Cần sự chung tay của gia đình, nhà trường, nhân viên y tế

Liên quan việc chăm sóc, giáo dục và điều trị cho trẻ mắc chứng tự kỷ, tăng động tại Khoa, BSCKI. Dương Trung Kiên - Trưởng khoa Tâm thần kinh - Phục hồi chức năng - Y học cổ truyền, Bệnh viện Nhi Hải Dương cho biết: "Khoa được thành lập từ năm 2011, bao gồm 3 chuyên khoa (tâm bệnh, phục hồi chức năng, y học cổ truyền) và thực hiện điều trị song song. Thời gian đầu thành lập, có vài chục bệnh nhi nhưng có thời điểm bị quá tải với hơn 100 trẻ đến can thiệp. Hiện nay, Khoa luôn duy trì khoảng 80 trường hợp điều trị; trong đó có 50 em mắc chứng bệnh rối loạn phát triển tâm thần, còn lại là bệnh nhân phục hồi chức năng, đông y. Riêng trẻ rơi vào phổ tự kỷ, tăng động giảm chú ý, chậm phát triển trí tuệ khoảng 20-25 bệnh nhân".

Theo BSCKI. Dương Trung Kiên, trước đây trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ gần như không được các gia đình, thậm chí xã hội quan tâm, can thiệp. Ðặc biệt, phần lớn các bậc cha mẹ không chấp nhận con mình mắc phải chứng bệnh này, vì khi mắc phải sẽ sống chung cả đời.

Trẻ bình thường tiếp xúc đã khó, còn trẻ bị tự kỷ thì tiếp xúc càng khó hơn, nhiều trẻ bị khuyết tật về giao tiếp, khuyết tật về ngôn ngữ và có những hành vi bất thường, hay có tính xung động như hay đánh người. Trong khi đó, bệnh nhân nhi mắc phải căn bệnh này hầu hết rơi vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, phải điều trị kéo dài (bệnh mạn tính). Tuy nhiên, nếu trẻ được phát hiện sớm, can thiệp sớm, đúng thời điểm, liên tục thì bệnh nhi sẽ có tiến bộ.

Dạy trẻ mắc tự kỷ có nhiều cái khó, trong đó quan trọng nhất là về nghe, hiểu, cách phát âm, vùng tiếp nhận thông tin và xử lý vùng não bộ của trẻ. Nhiều trẻ không bắt chước được những lời của nhân viên y tế dạy vì muốn phát âm được thì trẻ phải hiểu, bắt chước khẩu hình người dạy. Do đó, ngoài việc điều trị bệnh, đôi lúc người thầy thuốc phải "đóng vai" thầy cô giáo; thậm chí có lúc còn phải điều trị tâm lý cho cả bố mẹ bệnh nhân. Một khó khăn khá phổ biến đó là nhiều bố mẹ chưa chấp nhận con của họ mắc phải bệnh đặc biệt này nên việc điều trị cho trẻ tự kỷ, tăng động gặp nhiều khó khăn trong phối hợp.

"Trường hợp trẻ đã được chẩn đoán mắc tự kỷ thì bố mẹ là người đầu tiên sẽ phải đồng hành cùng với con. Khi thấy trẻ có những hành vi đập phá đồ đạc, bảo không nghe hay làm những việc bố mẹ không hài lòng thì sẽ chán nản. Nhưng thực chất đó không phải bản tính của trẻ mà do rối loạn hành vi tạo ra hành động đó. Do đó, ngoài sự đồng hành của gia đình, nhân viên y tế thì trẻ tự kỷ rất cần sự chung tay, giúp đỡ từ phía nhà trường, xã hội thì mới có thể giúp trẻ tự kỷ hòa nhập với cộng đồng. Bởi trẻ tự kỷ rất thiệt thòi và chúng tôi mong người dân, người nhà bệnh nhân nhận thức rõ điều đó", BS. Dương Trung Kiên tâm sự.

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Quỳnh Trang tâm sự: "Khó khăn lớn nhất chính là sợ trẻ, người nhà bệnh nhân có theo được quá trình điều trị hay không. Còn trẻ bị rối loạn hành vi dẫn đến đánh, cắn, đập phá đồ đạc, không hợp tác với nhân viên y tế là chuyện bình thường. Cho nên điều trị cho trẻ mắc căn bệnh đặc biệt này đòi hỏi sự kiên nhẫn rất lớn của nhân viên y tế và khi dạy phải có kỹ năng, yêu trẻ vì các cháu ở đây không giống trẻ bình thường".

Bác sĩ CKI Dương Trung Kiên - Trưởng khoa Tâm thần kinh - Phục hồi chức năng - Y học cổ truyền, BV Nhi Hải Dương khuyến cáo: Nếu trẻ có khiếm khuyết bất thường về ngôn ngữ, tương tác xã hội, giao tiếp, hành vi thì nên cho trẻ đi khám sớm. Thời gian vàng điều trị trẻ tự kỷ (từ 12 tháng đến 24 tháng để đánh giá ban đầu có định hướng), nếu phát hiện sớm, đến đúng, sớm thì điều trị cho trẻ tốt, trẻ chuyển biến. Sau thời gian vàng đó, trẻ điều trị kém và khi có dấu hiệu phổ tự kỷ (chưa cần chuẩn đoán) thì tiến hành can thiệp sớm.


Ðức Tùy
Ý kiến của bạn