Những người thầy thuốc khoác trên mình màu áo lính vẫn hằng ngày bám bản để chăm lo sức khỏe cho người dân vùng biên viễn. Đáp lại sự ân cần của họ là sự tin yêu của dân bản.

‘Đau ốm là dân bản chúng tôi tìm đến thầy thuốc bộ đội’- Ảnh 1.

Từ thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, chúng tôi vượt hơn 70km đường để tới các bản làng vùng biên của xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy. Đoạn đường tuy không quá xa nhưng khiến phóng viên "toát mồ hôi". Khoảng 50km từ đường mòn Hồ Chí Minh ngược các xã miền núi Ngân Thủy, Lâm Thủy là cung đường với nhiều con dốc đứng, những khúc cua tay áo.

Dưới cơn mưa rừng nặng hạt, xe di chuyển trên cung đường rừng khúc khủyu, một bên là vách núi cao với nhiều "vết thương" sau những lần sạt lở, một bên là vực sâu được che khuất bởi những đám cây bụi. Khu vực ngầm tràn, nước từ thượng nguồn đục ngầu đổ vể đã vượt mặt đường tầm vài cm.

‘Đau ốm là dân bản chúng tôi tìm đến thầy thuốc bộ đội’- Ảnh 2.

"Các chú đi cẩn thận kẻo mưa lâu ngày sườn núi dễ sạt, nếu mưa to quá thì đừng qau ngầm tràn lỡ nước nguồn đổ về nhanh thì nguy hiểm lắm", chị chủ hàng tạp hóa ở xã miền núi Ngân Thủy nhắc phóng viên.

Theo lịch hẹn, chúng tôi tới Đồn Biên phòng Làng Ho, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, đóng quân trên địa bàn xã biên giới Lâm Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ. Đồn có nhiệm vụ quản lý địa bàn 2 xã biên giới Lâm Thuỷ, Kim Thuỷ với 30,5km đường biên giới Việt – Lào, 11 cột mốc. Địa bàn đóng quân của đồn là vùng núi, rẻo cao, địa hình phức tạp, là nơi sinh sống của đông đảo bà con đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều.

Lãnh đạo đồn cho biết, những người lính nơi đây xem "đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào dân tộc thiểu số là anh em ruột thịt". Cán bộ, chiến sĩ của đồn ngoài thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền còn thường xuyên quan tâm tới đời sống của nhân dân.


‘Đau ốm là dân bản chúng tôi tìm đến thầy thuốc bộ đội’- Ảnh 3.

Được sự đồng ý của Thượng tá Nguyễn Xuân Phú, Đồn trưởng Đồn biên phòng Làng Ho, phóng viên tiếp tục di chuyển hơn 15km đường rừng để tới Trạm y tế quân dân y kết hợp Làng Ho tại bản Trung Đoàn, xã Kim Thủy.

Khi được hỏi đường đến trạm, người đàn ông người Bru – Vân Kiều cười tươi chỉ đường rồi nói "Bác sĩ bộ đội ở đó nhiệt tình lắm, chú cứ vô đó mà khám. Dân bản bọn tôi cứ đau ốm chi cũng tới khám, nếu đau quá bác sĩ còn đến nhà khám rồi cho thuốc mà không lấy tiền".

‘Đau ốm là dân bản chúng tôi tìm đến thầy thuốc bộ đội’- Ảnh 4.

Dưới cơn mưa rừng rả rích, chúng tôi gặp Trung tá, y sĩ Cao Thanh Luận, phụ trách trạm đang đội mưa trở về trạm sau khi đến nhà khám và cấp thuốc cho cụ bà người Vân Kiều bị tai biến.

Đón chúng tôi bằng nụ cười và cái bắt tay chặt của người lính dạn dày sương gió. Vị y sĩ này chia sẻ, Trạm y tế quân dân y kết hợp Làng Ho đi vào hoạt động từ năm 2012. Hiện đơn vị có 2 y sĩ biên phòng và 1 cán bộ của Phòng Y tế huyện Lệ Thủy tăng cường cùng thực hiện nhiệm vụ. Trạm được trang bị nhiều trang thiết bị y tế và thuốc để phục vụ khám, chữa các loại bệnh thông thường và sơ cứu ban đầu.

Trạm không chỉ khám, chữa bệnh cho hàng trăm hộ đồng bào Bru - Vân Kiều ở các bản Mít Cát, Làng Ho và Ho Rum thuộc hai xã biên giới Lâm Thủy, Kim Thủy mà còn chăm lo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và du khách khi có sự cố.

‘Đau ốm là dân bản chúng tôi tìm đến thầy thuốc bộ đội’- Ảnh 5.

Gắn bó với trạm từ những ngày đầu khó khăn, Trung tá Luận có nhiều kỷ niệm khó quên. Y sĩ Luân kể, khi mới lên đóng quân, trong bữa cơm tối, vợ chồng người Vân Kiều hớt hải bế con trai nhỏ trong tình trạng co giật, tím tái tới nhờ cán bộ y tế giúp đỡ. Bỏ dở bữa cơm, các anh nhanh chóng kiểm tra và phát hiện cháu bé bị viêm phế quản thể hẹp.

Thời điểm ấy trạm chưa có hệ thống điện, các máy móc phục vụ cấp cứu gần như không thể hoạt động được. Nhận định nếu chuyển cháu bé lên tuyến trên cấp cứu sẽ khó đảm bảo tính mạng bởi đường xa, phương tiện không có, trời đêm tối. Vận dụng kiến thức, kinh nghiệm, y sĩ Luận cùng đồng nghiệp tiến hành cấp cứu trong thiếu thốn. May mắn "chiến binh nhỏ" đã qua cơn nguy kịch.

"Khi đó mà chuyển cháu xuống viện huyện sợ cháu không qua khỏi trên đường đi. Trong đêm tối, thiếu thốn thiết bị, thuốc thang chúng tôi chỉ biết cố gắng hết sức. Cậu bé ấy cũng như chiến binh nhỏ đã vượt qua cơn nguy kịch. Đến nay cháu học lớp 7, gia đình và dân bản vẫn hay nhắc chuyện cấp cứu trong đêm khi gặp chúng tôi", Trung tá Luận kể.

‘Đau ốm là dân bản chúng tôi tìm đến thầy thuốc bộ đội’- Ảnh 6.

Cùng đồng hành với dân bản hơn 3 năm nay, y sĩ Ngô Văn Toàn, thuộc Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy vẫn nhớ lần cùng đồng nghiệp cấp cứu cho du khách nước ngoài bị tai nạn trên đường mòn Hồ Chí Minh (nhánh Tây). Người gặp nạn là du khách người Thái Lan, bị ngã gãy chân trong quá trình đi phượt. Bằng vốn tiếng Anh "bập bẹ" những y sĩ trao đổi tình trạng với bệnh nhân để có phương án sơ cứu phù hợp. Người này sau đó được cán bộ trạm hỗ trợ tới tuyến trên để điều trị.

"Tôi ở đây mấy năm và có nhiều kỷ niệm cùng anh em lắm. Khi thì đêm tối, lúc mưa gió, bão lũ, chỉ cần có người bệnh là chúng tôi sẵn sàng khám, cấp cứu, có thể là đến tận nhà. Những ngày gắn bó cùng dân bản chắc sẽ mãi là kỷ niệm không quên trong cuộc đời tôi", y sĩ Toàn chia sẻ.

‘Đau ốm là dân bản chúng tôi tìm đến thầy thuốc bộ đội’- Ảnh 7.


Ông Hồ Văn Cách, Trưởng bản Làng Ho, xã Kim Thủy kể, khi chưa có trạm, bà con đau ốm phải xuống bệnh viện huyện mất cả ngày đường, những ngày mưa lũ, nước ngập, sạt sở thì phải đợi thông đường mới đi được. Dân bản phải vất vả lắm để khám, chữa bệnh, nhiều trường hợp bệnh diễn tiến nặng rơi vào tình trạng nguy kịch. Nhưng từ ngày có "bác sĩ bộ đội", dân bản đã an tâm hơn khi đau ốm. Không chỉ khám bệnh tại trạm mà các y sĩ còn vượt mưa gió, đêm tối, đường cách trở đến tận nhà điều trị bệnh cho bà con.

"Trước đây, dân bản mình đau ốm đều nói là do con ma rừng bắt nên bà con phải cúng bái, nhưng không ăn thua, lại tốn nhiều tiền. Giờ có bệnh đến Bộ đội Biên phòng khám, cho thuốc là hết liền", trưởng bản Làng Ho cho biết.

Ngoài việc nắm vững và thường xuyên cập nhật kiến thức y khoa, y sĩ Luận cùng đồng nghiệp còn học hỏi kinh nghiệm chữa bệnh truyền thống của người Bru - Vân Kiều. Vườn thuốc Nam của trạm là tập hợp nhiều cây thuốc đã được khoa học chứng minh công hiệu trị bệnh. Cán bộ trạm tận dụng nguồn dược liệu quý của rừng Trường Sơn và các loại thuốc được sưu tầm để nâng cao chất lượng điều trị bệnh và giảm chi phí hoạt động của trạm.

‘Đau ốm là dân bản chúng tôi tìm đến thầy thuốc bộ đội’- Ảnh 8.

"Chúng tôi rất biết ơn các thầy thuốc ở trạm quân dân y, các anh khám chữa bệnh, cho thuốc không lấy tiền. Bác sĩ bộ đội còn dạy chúng tôi là một số cây rừng có thể làm thuốc trị bệnh. Chúng tôi khỏe mạnh có thể làm nương, làm rẫy để đủ ăn và cho con cái đi học", chị Hồ Thị Len, bản Ho Rum, xã Kim Thủy cho biết.

Sau nhiều năm đi vào hoạt động, Trạm Y tế quân dân y kết hợp Làng Ho đã làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ và dân bản. Trạm còn hướng dẫn người dân phòng ngừa, đẩy lùi các dịch bệnh có nguy cơ lây lan cao như sốt xuất huyết, dịch tả, sốt rét...

Thượng tá Nguyễn Xuân Phú, Đồn trưởng Đồn biên phòng Làng Ho cho biết, cán bộ, chiến sĩ của đồn ngoài việc giúp đỡ, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo còn là chỗ dựa tin cậy trong công tác chăm sóc sức khỏe.

Sống ở bản, y sĩ Luận cùng đồng nghiệp học tiếng của đồng bào, xem mình như con em của dân bản. Từ sự tin yêu của dân bản, các y sĩ của trạm có điều kiện để vận động bà con bảo tồn phát huy nét đẹp văn hóa, xóa bỏ hủ tục.

‘Đau ốm là dân bản chúng tôi tìm đến thầy thuốc bộ đội’- Ảnh 9.

"Hoạt động của trạm quân dân y kết hợp đã góp phần đảm bảo sức khỏe cho người dân vùng biên. Qua đây thể hiện tình cảm, sự đoàn kết, gắn bó giữa quân với dân, tạo niềm tin sâu sắc trong lòng đồng bào các dân tộc", Thượng tá Phú cho biết.

Ý kiến của bạn