Sẽ vì người bệnh cho đến khi ngừng thở

26-02-2024 11:15 | Sự hi sinh thầm lặng
google news

SKĐS - Với Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII Lê Công Tước, chặng đường sự nghiệp vì người bệnh vẫn sẽ còn mãi cho đến hơi thở cuối cùng, bởi với bác sĩ, sống để xóa bỏ những nỗi đau hay đem lại niềm hạnh phúc cho người khác mới là sống một cuộc đời ý nghĩa.

Trải qua 34 năm công tác trong Ngành Y, với cương vị Giám đốc BV Sản Nhi Bắc Giang từ năm 2018, bằng tình yêu và ngọn lửa nhiệt huyết với nghề, bác sĩ Lê Công Tước đã dành trí tuệ và tâm huyết của mình để đưa BV trở thành nơi có chất lượng hàng đầu khu vực các tỉnh phía Bắc và cả nước trong lĩnh vực Sản Nhi. Đặc biệt, BV đã có bước phát triển vượt bậc khi triển khai thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm IVF.

Đêm 12/2/2023, những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má sản phụ Đặng Thị Thật (32 tuổi, trú tại xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) khi đón bé Phạm Thị Minh Anh - một "công dân đặc biệt" của bệnh viện và cũng là của tỉnh nhà cất tiếng khóc chào đời. Những ngày tháng nỗ lực không ngừng với bao niềm hy vọng của đội ngũ y bác sĩ BV Sản Nhi Bắc Giang cuối cùng đã mang tới "trái ngọt" cho vợ chồng anh Thạch - chị Thật.

Sẽ vì người bệnh cho đến khi ngừng thở- Ảnh 1.

Thầy thuốc ưu tú - Bác sĩ CKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang bế bé sơ sinh được ra đời bằng phương pháp IVF lần đầu tiên thực hiện tại bệnh viện.

Giây phút bé Phạm Thị Minh Anh cất tiếng khóc chào đời chính là khoảnh khắc lịch sử đánh dấu việc làm chủ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm IVF của BV Sản Nhi Bắc Giang.

Xúc động trước sự quan tâm và những nỗ lực của bác sĩ Lê Công Tước cũng như đội ngũ y bác sĩ BV Sản Nhi Bắc Giang, vợ chồng anh Thạch - chị Thật đã gửi những dòng tâm thư đầy xúc động: "Đó là một phép màu kỳ diệu nhất mà các bác sĩ như những bà tiên, ông bụt trong truyện cổ tích mang đến cho những vợ chồng hiếm muộn có kinh tế khó khăn như vợ chồng tôi. Vợ tôi đã có một thai kỳ khỏe mạnh. Em bé lớn lên trong suốt thai kỳ nhờ sự quan tâm, động viên hỏi han tận tình của các bác sĩ…

Đặc biệt là Bác sĩ Lê Công Tước với nụ cười hiền hậu, cử chỉ ân cần, bước chân nhanh nhẹn là những dấu ấn không thể nào quên được về tấm gương "Thầy thuốc như mẹ hiền", "Lương y như từ mẫu". Tấm lòng của Bác sĩ Lê Công Tước như trái na quê tôi, xù xì, chân chất mà ngọt ngào biết mấy…".

Những dòng tâm thư ấy lại càng trở thành đồng lực để bác sĩ Lê Công Tước mạnh mẽ và tâm huyết hơn vì người bệnh nói chung và những cặp vợ chồng hiếm muộn nói riêng. Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của bác sĩ Lê Công Tước, BV Sản nhi Bắc Giang đã thành công chuyển phôi cho 41 bệnh nhân, chọc trứng 60 ca, trữ phôi 42 ca; có thai 27 ca. Tính đến thời điểm hiện tại, BV đã đón 8 bé chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm IVF tại BV, gồm 3 bé trai và 5 bé gái, mang lại niềm hạnh phúc cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận.

Là người tận tụy và tâm huyết, thời gian qua bác sĩ Tước cũng đã trực tiếp khám chữa bệnh, cấp cứu thành công cho hơn 5.000 bệnh nhân nặng. Nhiều trường hợp bệnh nhân tiền sản giật nặng, sản giật hội chứng Hellp (suy đa tạng trong tiền sản giật nặng), biến chứng hôn mê do tiểu đường thai kỳ, viêm phúc mạc do viêm ứ mủ vòi trứng… được cấp cứu và điều trị kịp thời mà không phải chuyển lên tuyến trên.

Đặc biệt, với thế mạnh trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi phụ khoa, Giám đốc BV Sản nhi Bắc Giang đã tạo nên một kỷ lục khi phẫu thuật nội soi thành công cắt bỏ khối u xơ tử cung nặng 2kg, đánh dấu bước tiến rất lớn trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi cắt tử cung tại bệnh viện.

Sẽ vì người bệnh cho đến khi ngừng thở- Ảnh 2.

Niềm hạnh phúc khi được đón những thiên thần nhỏ của bác sĩ Lê Công Tước cùng các y bác sĩ và gia đình sản phụ.

Sẽ vì người bệnh cho đến khi ngừng thở

Không chỉ đẩy mạnh phát triển chuyên ngành Sản – Phụ khoa, bác sĩ Tước cũng rất quan tâm phát triển chuyên ngành Nhi khoa. Các kỹ thuật cao, chuyên sâu về Hồi sức cấp cứu Nhi khoa và Sơ sinh có bước phát triển mới khi thực hiện thành công các kỹ thuật để điều trị, nuôi dưỡng trẻ sinh non và kỹ thuật thay máu toàn phần điều trị vàng da nhân não ở trẻ sơ sinh.

Điển hình, vào đầu tháng 10/2023, BV Sản nhi Bắc Giang đã nuôi dưỡng thành công trẻ sinh non ở gần tuần thai thứ 26, với cân nặng chỉ 0,6 kg. Đây là ca sinh non, nhẹ cân nhất từ trước đến nay được các bác sĩ của BV nuôi dưỡng thành công.

Trong quá trình nuôi dưỡng, điều trị, có thời điểm bệnh nhi rơi vào trạng thái nguy kịch, song đã được đội ngũ y bác sĩ tích cực triển khai các biện pháp can thiệp kịp thời. Nhờ đó, sức khỏe bệnh nhi dần ổn định, sau 75 ngày chăm sóc đặc biệt, bệnh nhi không còn phải nuôi trong lồng ấp và đã được về khoa với mẹ.

Không chỉ vậy, bên cạnh vai trò quản lý, bác sĩ Lê Công Tước còn dành nhiều tâm huyết, thời gian cho công tác nghiên cứu khoa học. Đây vừa là công việc chuyên môn nhưng cũng là một niềm đam mê ẩn sâu trong con người của bác sĩ.

Trong suốt quá trình công tác, bác sĩ Tước đã chủ nhiệm nhiều đề tài, sáng kiến khoa học từ năm 2011-2022. Những đề tài, sáng kiến này được các cơ quan, cấp có thẩm quyền công nhận và được áp dụng triển khai trong thực tiễn, mang lại những hiệu quả thiết thực trong chuyên môn, có giá trị trong lĩnh vực chuyên môn về sản phụ khoa được đồng nghiệp và nhân dân ghi nhận.

Chặng đường suốt 34 năm cống hiến đạt nhiều thành tích xuất sắc nhưng cũng đầy khó khăn và mệt mỏi, nhưng khi được gặng hỏi "có mệt không?", bác sĩ Lê Công Tước chỉ cười hiền và nói: "Mệt chứ! Nhưng vào mỗi giây phút ấy hình ảnh người bệnh, sản phụ và hình ảnh của những thiên thân nhỏ bé lại hiện lên… Lúc này, chỉ cần dạo bước qua những khoa phòng để thăm người bệnh, ngắm nhìn những ánh mắt trong veo, lắng nghe tiếng khóc đầu đời những đứa trẻ là cảm giác như bao áp lực đều sẽ tan biến".

"Công sức của tôi rất nhỏ, có được một chặng đường đến ngày hôm nay cũng là nhờ sự tin tưởng của các bệnh nhân và sự sát cánh, đồng lòng của các đồng nghiệp… Chặng đường sự nghiệp vì người bệnh vẫn sẽ còn mãi cho đến khi tôi ngừng thở, bởi sống để xóa bỏ những nỗi đau hay đem lại niềm hạnh phúc cho người khác là đã sống một cuộc đời ý nghĩa", bác sĩ Lê Công Tước cười nhẹ nhõm.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Vì sao người cao tuổi nên đi bộ, chạy bộ thường xuyên?



Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn