Hà Nội

Cuộc thi 'Sự hy sinh thầm lặng’ – Mỗi mùa giải lại thêm trân quý yêu thương

25-02-2024 06:30 | Y tế

SKĐS - Cuộc thi viết Sự hy sinh thầm lặng đến nay đã vào mùa thứ VI và đã diễn ra được 14 năm. Thời gian chưa phải quá dài nhưng cũng đủ để minh chứng cho thấy sức hấp dẫn và đặc biệt là ý nghĩa nhân văn cao cả mà cuộc thi mang lại.

Vì cảm phục y bác sĩ mà viết bài dự thi

Năm 2010 từ một suy nghĩ phải làm điều gì đó có ý nghĩa mà mang tính lan tỏa đến cộng đồng, đồng thời tôn vinh những chiến công, thành tựu của ngành y tế, tôn vinh những hy sinh thầm lặng mà cao quý của các "chiến sĩ áo trắng" trong sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, BS. Trần Sĩ Tuấn lúc đó là Tổng biên tập Báo Sức khỏe & Đời sống đã có ý tưởng về một cuộc thi viết về người thầy thuốc. Sau khi nghe ý tưởng và kế hoạch tổ chức Cuộc thi "Sự hy sinh thầm lặng", Báo Sức khỏe và Đời sống đã nhận được sự ủng hộ của Bộ Y tế và Cuộc thi chính thức bắt đầu. Ngay sau khi phát động cuộc thi, chỉ một thời gian ngắn Ban Tổ chức đã nhận được gần 600 tác phẩm của các tác giả trên khắp mọi miền Tổ quốc. Nhiều nhà báo, nhà văn, nhà thơ và cả bệnh nhân, nhân viên y tế cũng tích cực gửi tác phẩm dự thi…

Có những tác giả là bác sĩ vì cảm phục đồng nghiệp của mình mà gửi bài dự thi. Có bệnh nhân trân trọng và biết ơn người thầy thuốc đã ngày đêm giành giật với "tử thần" để đưa mình trở lại cuộc sống cũng đã viết lên tác phẩm như một lời tri ân. Cũng có những người chỉ một lần tình cờ gặp gỡ nhân viên y tế thấy cảm phục yêu mến mà về viết về họ bằng cả tấm lòng…

Tác giả Lưu Thị Nga người được Giải Nhì trong cuộc thi Sự hy sinh thầm lặng lần thứ I với tác phẩm ‘Chuyện kể của người bác sĩ vùng cao’ là một trong số đó. Tác phẩm viết về bác sĩ Trương Thị Mầu một bác sĩ công tác ở miền núi, điều kiện y tế vô cùng khó khăn nhưng bác sĩ Mầu đã vượt qua tất cả, vượt qua lời nguyền hủ tục để hàng ngày chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tác giả Lưu Thị Nga chia sẻ: "Cảm nhận được sự tâm huyết của bác sĩ Trương Thị Mầu và sự nhọc nhằn của bác sĩ miền núi, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và viết bằng cả tâm huyết".

Cuộc thi 'Sự hy sinh thầm lặng’ – Mỗi mùa giải lại thêm trân quý yêu thương- Ảnh 1.

Từ sự thành công và sức lan tỏa của cuộc thi lần thứ I, ngay sau đó năm 2011, Báo Sức khỏe & Đời sống tiếp tục phát động cuộc thi Sự hy sinh thầm lặng lần II để tiếp nối những hoạt động ý nghĩa đó, đồng thời tiếp tục ghi nhận, phát hiện, động viên và tôn vinh sự hy sinh của những người thầy thuốc trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Những câu chuyện thấm đẫm tình người trước sự hy sinh lặng thầm của y bác sĩ

Lễ trao giải cuộc thi "Sự hy sinh thầm lặng" lần II, thực sự là một một đêm tri ân lắng đọng và cảm xúc. Cả khán phòng Nhà hát Lớn hôm ấy như lặng đi khi xem phóng sự về nhân vật trong tác phẩm được Giải Đặc biệt. Khi nhân vật ấy xuất hiện trên sân khấu đã có những giọt nước mắt rơi. Nhân vật đặc biệt ấy là đại úy, bác sĩ Nguyễn Quang Ánh – bác sĩ trạm xá thuộc Trại giam Thủ Đức trong tác phẩm ‘Hoa nở giữa niềm đau" của Nhà văn, nhà báo Phạm Vân Anh, Báo Biên Phòng.

Bác sĩ Nguyễn Quang Ánh chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt. Họ vừa là tù nhân vừa là những bệnh nhân nhiễm HIV. Anh cũng không biết mình đã bị nhiễm bệnh từ lúc nào. Chỉ đến khi vợ anh, cô giáo Hậu qua cơn vượt cạn, sinh ra một thiên thần bé nhỏ, gia đình mới phát hiện ra căn bệnh anh đang mang. Hạnh phúc chưa kịp nếm trải thì sóng gió đã ập đến ngôi nhà bé nhỏ ấy. Vợ anh khi đó dù chưa cho con bú được một lần thì nhận được tin mình bị nhiễm HIV từ người chồng thân yêu. Sự trầm cảm của phụ nữ sau sinh cộng với cú sốc quá lớn khiến chị suy sụp hoàn toàn và tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Gia đình bác sĩ Ánh tiếp tục chìm trong tang tóc đau thương. 

Cái tin bác sĩ Ánh bị nhiễm HIV khi ấy về đến làng quê bé nhỏ ở ngoại thành Hà Nội như một tiếng sét ngang tai với bố mẹ anh và không thiếu những lời dị nghị của xóm làng. Không thể giãi bày cùng ai, chỗ dựa duy nhất của anh khi đó là bố mẹ già và cô con gái nhỏ còn đỏ hỏn. Sau cú sốc liên tiếp đó, anh phải đưa con về Bắc để ông bà chăm sóc giúp. Không một chút oán hận cuộc đời, không dựa vào bệnh tật để đòi hỏi những quyền lợi ưu tiên hay sự chăm sóc, bồi dưỡng theo luật định, không bi quan, tuyệt vọng…, người bác sĩ ấy đã tự "khâu vết thương lòng", biến niềm đau của mình thành nơi gieo hạt cho những mầm thiện trong trại giam dưới chân núi Mây Tào...!

Như đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu, lần lượt cuộc thi Sự hy sinh thầm lặng lần thứ III, lần thứ IV và thứ V ra đời. Mỗi một mùa giải lại tăng thêm nhiều yêu thương, nhiều tự hào và nhiều trân quý về những người thầy thuốc mến thương, những người cho ta thấy trời xanh nhiều mơ ước, những người dìu ta qua bệnh tật hiểm nghèo…

Đó là hình ảnh của bác sĩ Võ Thanh Dũng trong tác phẩm Người bác sĩ chốn rừng sâu, núi thẳm, hay vợ chồng y sĩ Nay Blum trong tác phẩm ‘Như cổ tích giữa đại ngàn’ của nhà báo Hà Văn Đạo, báo Sức khỏe & Đời sống. Y sĩ Triệu Văn Dân trong tác phẩm 'Lặng lẽ giữa rừng Việt Bắc' của tác giả Nguyễn Thị Hồng, ‘Nữ y tá Xê đăng vượt qua lời nguyền cứu vớt những mảnh đời bất hạnh’ của tác giả Trần Sim Sơn, …Những y bác sĩ này tình nguyện ở lại nơi sơn cùng thủy tận, có người sống lặng lẽ xa gia đình để không chỉ chăm lo cho sức khỏe đồng bào mà còn giúp họ xóa bỏ hủ tục đã gắn bó bao đời. Có người ‘nhịn’ đẻ con để dành thời gian khám chữa bệnh và vận động phụ nữ mang thai đến trạm để sinh con…

Cuộc thi 'Sự hy sinh thầm lặng’ – Mỗi mùa giải lại thêm trân quý yêu thương- Ảnh 2.

Đó còn là hình ảnh của các nhà khoa học ngành y luôn không ngừng học hỏi nghiên cứu đưa những ứng dụng kỹ thuật mới về Việt Nam để người dân trong nước được tiếp cận với y học tiên tiến trên thế giới như Dr Lương trong tác phẩm ‘Người sáng tạo kỹ thuật mang tên mình’ của nhà báo Hoàng Nữ Thái Bình, báo Sức khỏe & Đời sống; hay nhà khoa học Nguyễn Thúy Hoa trong tác phẩm ‘PGS.TS Nguyễn Thúy Hoa trên tuyến đầu phòng chống dịch bệnh’ của tác giả, dược sĩ  Trần Giữu; hoặc PGS.TS Đinh Thị Thu Hương thời điểm này là đang là Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tim mạch, Đại học Y Hà Nội kiêm Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia trong tác phẩm ‘PGS.TS Đinh Thị Thu Hương: Một lời thề, cả đời trăn trở’ của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, báo Lao động. Chưa hết, còn là câu chuyện của PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết thời điểm này là Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - một thuyền trưởng trong nhiều ca ghép đa tạng thành công từ người chết não, ông cũng là người có đóng góp không nhỏ trong việc đưa kỹ thuật ghép tạng Việt Nam trở thành điểm sáng trong bản đồ ghép tạng thế giới trong tác phẩm ‘Thành công từ ý chí và sự vươn lên không mệt mỏi'; hoặc tấm gương của PGS. TSKH. Nguyễn Thế Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã vượt qua tất thảy mọi thử thách, chông gai trên con đường học tập và nghiên cứu khoa học, tìm ra những phương pháp chữa trị tiên tiến nhất, vừa đem lại cuộc sống cho người bệnh vừa làm rạng danh cho nền y học nước nhà trong bài viết 'Bước chân thầm lặng chinh phục những đỉnh cao y học’ của tác giả Đỗ Mai Linh.

Không chỉ các nhân viên y tế ở chốn rừng sâu núi thẳm hay những nhà khoa học cặm cụi trong phòng làm việc với những nghiên cứu, các nhân viên y tế ở giữa biển đảo xa xôi cũng được các "cây bút" viết lên với tất cả những tấm lòng trân quý như bác sĩ Bùi Đình Lĩnh, Giám đốc Bệnh viện Quân Dân y kết hợp nơi huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận qua bài viết của nhà báo Khánh Ly. Bác sĩ Lĩnh đã có gần 30 năm gác lại nỗi nhớ nhung quê nhà và nghĩa vụ làm chồng, làm cha tận quê lúa Thái Bình để đến và gắn bó với bà con huyện đảo này trong tác phẩm "Bác sĩ nơi đầu sóng ngọn gió" của nhà báo Nguyễn Thị Khánh Ly – Báo Vnexpress; Rồi bác sĩ Lê Văn Chính, Trưởng khoa Cấp cứu của Trung tâm Y tế Quân Dân y kết hợp tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trong tác phẩm 'Những người chắn sóng chốn tiền tiêu' của nhà báo Nguyễn Toàn Thắng, báo Sức khỏe & Đời sống… Còn nhiều, nhiều lắm những tấm gương hy sinh âm thầm như thế của đội ngũ từ các chuyên gia đầu ngành đến những bác sĩ, y sĩ, y tá, điều dưỡng,... mà không thể nói hết trong bài.

Nhưng dù có là ai, ở vị trí công tác nào thì phần lớn họ - những con người mang trên mình màu áo blouse trắng vẫn luôn luôn kiên trì, tận tụy âm thầm hy sinh vì người bệnh. Vì đối với họ, sống là để được làm việc và cống hiến với mục tiêu tiên quyết là trị bệnh – cứu người.

Lời kết

Ai đó đã nói rằng dù có bao nhiêu bài viết, tác phẩm báo chí, văn chương - nghệ thuật cũng không thể nói lên hết những sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ nhân viên y tế nước nhà, điều này không sai. Bởi chính họ dù ở bất cứ nơi đâu, vào thời điểm nào vẫn như "cây đời mãi mãi xanh tươi". Nhưng, trải qua mỗi cuộc thi với hàng nghìn tác phẩm báo chí tham dự đã phần nào nói lên lòng biết ơn, sự ghi nhận và tôn vinh của cộng đồng xã hội về những đóng góp to lớn của những người thầy thuốc đang ngày đêm hết lòng vì sức khỏe và cuộc sống của con người. Cũng qua các cuộc thi đã giúp cộng đồng có cái nhìn bao quát, hiểu sâu sắc hơn về những khó khăn, đặc thù của ngành y tế và cả những vất vả hy sinh thầm lặng của người thầy thuốc trong sứ mệnh cứu người.

Lễ trao giải cuộc thi Sự hy sinh thầm lặng lần thứ VI đang đến rất gần, mạch nguồn cảm xúc ấy lại được viết tiếp và lan tỏa những câu chuyện thấm đậm tinh thần nhân văn. Bạn đọc và khán giả cả nước sẽ sớm được gặp gỡ trò chuyện và chia sẻ với những con người bình dị mà cao cả ấy, để rồi trong mỗi người lại thêm những trân quý, yêu thương!.

Hơn 1.000 tác phẩm tham gia cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng" lan tỏa câu chuyện đẹp về nghề yHơn 1.000 tác phẩm tham gia cuộc thi viết 'Sự hy sinh thầm lặng' lan tỏa câu chuyện đẹp về nghề y

SKĐS - Cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng" lần thứ VI với hơn 1.000 tác phẩm dự thi đã lan tỏa những câu chuyện đẹp về ngành y, về những "chiến binh áo trắng" ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Hồng Nguyên
Ý kiến của bạn